Có lẽ, vấn đề được nhiều người quan tâm những ngày qua là việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi với tỷ lệ tán thành cao. Trong đó, đáng chú ý là tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên 62 đối với nam, 60 đối với nữ, thay cho trước kia là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.
Như vậy, với việc bộ luật này được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, sẽ tác động sâu rộng đến hàng chục triệu người lao động trên cả nước.
Theo đó thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Có thể thấy, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước, được Quốc hội bàn bạc, thảo luận rất kỹ lưỡng. Điều này nhằm ứng phó với thách thức già hóa dân số cũng như giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế – xã hội vừa cân đối để đảm bảo công ăn việc làm; bảo toàn, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.
Một trong những nội dung được người lao động cả nước quan tâm đó là việc nghỉ hưu đối với người lao động ở một số lĩnh vực đặc thù, nặng nhọc, nguy hiểm. Trong đó, với Quảng Ninh có cán bộ, công nhân ngành Than.
Về thắc mắc, băn khoăn này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, với những người lao động nặng nhọc, độc hại, vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc sẽ có lộ trình điều chỉnh hoàn toàn khác. Những trường hợp này được quyền nghỉ hưu sớm hơn, có thể sớm hơn 5 năm, thậm chí sâu hơn nữa.
Ở nước ta hiện có khoảng 1.810 ngành, nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại và vùng đặc biệt khó khăn với khoảng 3 triệu lao động. Tại Vùng mỏ Quảng Ninh có hàng vạn công nhân, người lao động ngành Than, đặc biệt là những công nhân hầm lò chịu ảnh hưởng bởi Bộ luật Lao động sửa đổi. Lao động trong hầm lò là ngành nghề thuộc diện đặc thù nặng nhọc, độc hại, chính vì vậy, việc Quốc hội thông qua bộ luật này nhận được sự quan tâm nhiều của thợ lò, công nhân ngành Than.
Có thể nói, với những quy định rõ ràng, cụ thể cho mỗi ngành nghề, lĩnh vực, vùng đặc thù, đặc biệt về chế độ nghỉ hưu của người lao động, chắc chắn rằng Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân, sớm đi vào cuộc sống. Qua đó, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của kinh tế – xã hội, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/tang-tuoi-nghi-huu-201911211425517551.htm” button=”Theo vinacomin”]