Những năm gần đây, Vinacomin đặc biệt tăng cường mảng hợp tác quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác giữa Tập đoàn và đối tác rất đa dạng và quy mô tương đối lớn như khai thác khoáng sản, đầu tư các dự án điện, xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường, huy động vốn…
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển của Vinacomin là rất lớn, nhất là các dự án trọng điểm của Tập đoàn. Vì vậy, Vinacomin đã tăng cường hợp tác cũng như tranh thủ sự hỗ trợ về vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài có uy tín như Mizuho Corporate Bank (Nhật Bản), Citigroup (Mỹ), BNP Paribas (Pháp), HSBC và Ngân hàng Trung Quốc. Quan hệ hợp tác giữa Mizuho Bank và Vinacomin được khởi lập từ năm 2007, với hợp đồng tín dụng đầu tiên ký kết trị giá 20 triệu USD, sau đó là các khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn, dài hạn khác. BNP Paribas và Ngân hàng Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng tín dụng xuất khẩu (ECA) trị giá 275 triệu USD tài trợ cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê.
Hợp tác với các đối tác nước ngoài về môi trường cũng được Tập đoàn tăng cường đẩy mạnh. Trên cơ sở Bản Ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế & Tri thức Hàn Quốc và Bản Ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa Vinacomin và Tổng Công ty phục hồi môi trường mỏ Hàn Quốc (MIRECO), Vinacomin đã ký các thỏa thuận hợp tác về môi trường với MIRECO. Các dự án mà hai bên đã ký bao gồm: ổn định và phủ thảm thực vật trên bãi thải Nam Đèo Nai; Xử lý nước thải mỏ khu vực Tràng Khê; Đào tạo kỹ thuật về cải tạo và phục hồi môi trường mỏ.
Thông qua các dự án, Vinacomin mong muốn học tập kinh nghiệm và công nghệ của MIRECO trong việc thực hiện các biện pháp ổn định và phục hồi môi trường các bãi thải mỏ than, xử lý nước thải mỏ để tiến tới triển khai áp dụng rộng rãi các công nghệ này trong các mỏ của Vinacomin. Cũng ở lĩnh vực này, Tập đoàn còn hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức. Tháng 4/2011, Đoàn đại biểu của bang Sachsen – Cộng hòa Liên bang Đức do ông Stanislaw Tillich, Thủ hiến bang dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn tại Quảng Ninh. Đoàn đã đến thăm 2 công trình xử lý môi trường là Đầm Sinh học tại huyện Đông Triều và Trạm xử lý nước thải mỏ Vàng Danh. Đây là 2 công trình nằm trong dự án hợp tác giữa Vinacomin và Hiệp hội nghiên cứu Khai thác mỏ và Môi trường tại Việt Nam, trong đó công nghệ đầm sinh học lần đầu tiên được áp dụng vào xử lý nước thải mỏ ở Việt Nam, đang trong quá trình thử nghiệm.
Vinacomin vừa được Chính phủ phê duyệt chiến lược quy hoạch ngành Than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với nhiệm vụ chính đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để thực hiện chiến lược này, Vinacomin đang tập trung vào một số dự án lớn về hầm lò như Khe Chàm 2, Núi Béo và Mạo Khê. Hướng ưu tiên đầu tiên của Tập đoàn là hợp tác với các đối tác nước ngoài cùng nghiên cứu địa chất Việt Nam, để lựa chọn thiết bị phù hợp. Mới đây, Tập đoàn Thiết bị công nghệ mỏ Famu (Ba Lan) đã gặp gỡ lãnh đạo, một số ban và nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn để đánh giá lại 10 năm tham gia vào cơ giới hóa đào lò, khai thác than tại Việt Nam. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu, nhằm hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị hầm lò trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, hiện Vinacomin mong muốn hợp tác với các đối tác nước ngoài nâng cao năng lực chế tạo, sản xuất các thiết bị, để nâng cao dần tỷ lệ nội địa hóa thiết bị ở Việt Nam, nâng cao năng lực của các đơn vị trong Tập đoàn, chủ động trong khâu sản xuất. Đặc biệt, vấn đề nâng cao được năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo… đang được quan tâm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-2194.htm” button=”Theo vinacomin”]