Ths Nguyễn Thị Quy, Trường Cao đẳng nghề TKV vừa có bài viết đề xuất một số nhiệm vụ nhằm tăng cường hơn nữa công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Tập đoàn trong những năm tới. Tạp chí TKV xin giới thiệu những nét chính của bài viết này.
Quan điểm
– Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân có chất lượng cao, đủ về số lượng với cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu của các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh và của các đơn vị thành viên.
– Chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân được tuân thủ thực hiện theo“Công thức nhân tài 3C” của GS Dave Ultrich, đó là “Nhân tài = Năng lực x Cam kết x Cống hiến” (Competence, Commitment, Contribution).
– PTNL trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp cho tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo – bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ.
Mục tiêu
– Mục tiêu chung: Cân đối đủ lao động làm việc trong hầm lò để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng than; Xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực từ cấp Tập đoàn cho đến từng đơn vị thành viên; Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cán bộ kế cận lãnh đạo các cấp theo từng độ tuổi để khi cần bổ nhiệm một vị trí lãnh đạo phải có ít nhất 2 cán bộ kế cận sẵn sàng trong quy hoạch để lựa chọn.
Phương hướng
– Một là, đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Đào tạo cán bộ kế cận cấp Tập đoàn; Đào tạo dự bị giám đốc doanh nghiệp; Đào tạo chuyên gia các ngành: thông gió, thoát nước…; Đào tạo về lý luận chính trị; Tiến hành luân chuyển, thực hiện tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, đi thực tế cơ sở để nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác.
– Hai là, đối với đào tạo CNKT, đặc biệt là các nghề mỏ hầm lò
+ Về tuyển sinh: Giao trường Cao đẳng nghề Than – KS Việt Nam cùng với các doanh nghiệp triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ công tác tuyển sinh, đào tạo để đáp ứng đủ nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp theo kế hoạch SXKD hàng năm.
+ Về đào tạo nghề tại cơ sở đào tạo thuộc Tập đoàn: Thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý, giáo dục học sinh nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, thể chất của học sinh để đáp ứng được theo nhu cầu của doanh nghiệp. Giảm tỷ lệ hao hụt học sinh, tránh lãng phí về chi phí đào tạo, thời gian và cơ sở vật chất.
+ Về đào tạo thực tập sản xuất: Các đơn vị sản xuất, xây dựng mỏ hầm lò phối hợp tốt với trường Đào tạo nghề trong việc tổ chức cho học sinh về thực tập sản xuất ở doanh nghiệp. Quan tâm bố trí hoặc hỗ trợ chỗ ăn, ở cho học sinh thực tập; Hỗ trợ tiền vé xe đi – về nhà cho học sinh trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ tết…
+ Về sử dụng lao động sau đào tạo tại trường nghề: Ưu tiên tiếp nhận những công nhân đã được các doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo với trường thuộc TKV hàng năm.
+ Về nâng cao chất lượng đào tạo nghề: Giảm thời gian học lý thuyết (không giảm thời lượng), tăng thời gian thực tập tay nghề cho học sinh hệ trung cấp các nghề mỏ hầm lò. Tổ chức biên soạn chương trình khung và giáo trình đào tạo nghề phù hợp với các công nghệ mới các công ty than đang áp dụng và những công nghệ khai thác mỏ tiên tiến trên thế giới.
– Ba là, xác định các yếu tố cần tập trung phát triển để tạo sự phát triển có tính chất đột phá: Hai yếu tố mà TKV luôn chú trọng trong công tác phát triển nhân lực, đó là: Đảm bảo cho người lao động có việc làm, có mức thu nhập ổn định và yếu tố thứ hai có tính chiến lược đó là chú trọng công tác đào tạo, phát triển nhân lực có trình độ cao đáp ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ, và yêu cầu phát triển của ngành dưới nhiều hình thức khác nhau. Tập đoàn xác định, việc xây dựng phát triển nhân lực tập trung vào ba đối tượng chính: Cán bộ quản lý cao cấp, trung cấp; Đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt trong khai thác khoáng sản; Đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ, tay nghề cao.
Giải pháp về thu hút, tuyển dụng nhân lực tại Tập đoàn
– Giải pháp thu hút
+ Tiến hành thực hiện giải pháp thu hút để phát triển nhân lực của Tập đoàn từ khi những người lao động còn là học sinh học nghề mỏ: Thực hiện chế độ cấp 100% học bổng cho học sinh học 3 nghề mỏ hầm lò (xây dựng mỏ, khai thác mỏ, cơ điện mỏ).
+ Duy trì việc xét thưởng thành tích học tập cho học sinh học nghề trên cơ sở kết quả học tập và rèn luyện từng học kỳ thực học của người học nghề; Hỗ trợ tiền vé xe đi – về nhà cho học sinh trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ tết; quà tết cho học sinh thực tập theo điều kiện cụ thể của doanh nghiệp.
+ Có chính sách, giải pháp thỏa đáng thu hút nhân tài, kể cả lao động nước ngoài, bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, chuyên gia tư vấn, thiết kế, pháp luật, công nhân lành nghề, v.v..
– Giải pháp về tuyển dụng
+ Tất cả lao động tuyển dụng vào TKV đều phải thông qua hình thức thi tuyển để đảm bảo chất lượng lao động, có xét ưu tiên những đối tượng là con những gia đình bị thu hồi đất cho dự án đầu tư, con người lao động bị chết do tai nạn lao động.
+ Tuyệt đối không tuyển dụng lao động chưa có nghề hoặc có nghề không phù hợp với yêu cầu sử dụng, trừ một số trường hợp đặc biệt theo chủ trương của Tập đoàn hoặc của Nhà nước.
+ Tiếp tục thực hiện phương châm địa phương hóa và truyền thống hóa nguồn nhân lực: Ưu tiên tuyển chọn, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương nơi có dự án; Ưu tiên tuyển chọn, đào tạo, sử dụng con em công nhân, viên chức trong ngành; Ưu tiên đãi ngộ những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (nhất là trong các mỏ hầm lò), những người làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở trong và ngoài nước.
+ Từng bước đổi mới phương pháp thi tuyển giám đốc các công ty thành viên, mở rộng đối tượng thi tuyển đến phó giám đốc, kế toán trưởng công ty và giám đốc các đơn vị trực thuộc công ty.
+ Đẩy mạnh tuyển dụng lực lượng kỹ sư được đào tạo chính quy các ngành mỏ, luyện kim, điện lực, hóa chất… tốt nghiệp ở trong nước và nước ngoài về công tác tại các công ty để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án mới của Tập đoàn và của công ty.
Giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại Tập đoàn
– Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại Tập đoàn. Được xây dựng với 03 nhóm nhân lực:
+ Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp.
+ Đối với đội ngũ chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ và quản lý.
+ Đối với đội ngũ công nhân kỹ thuật các ngành nghề chính.
– Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại Tập đoàn
– Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề của Tập đoàn: Tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cụ thể sau:
+ Một là, tiến hành đầu tư xây dựng trường đào tạo của Tập đoàn theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá;
+Hai là, xây dựng đội ngũ nhà giáo thành lực lượng chủ chốt trong PTNL
+ Ba là, thường xuyên quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
– Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện phát triển nhân lực của Tập đoàn
– Đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nghề với các tổ chức đào tạo trong và ngoài nước.
Giải pháp về sử dụng, đãi ngộ nhân lực tại Tập đoàn
– Bảo đảm tiền lương được trả đúng, trả đủ và khuyến khích người lao động
– Tiếp tục điều chỉnh một số quy chế về đào tạo, các chế độ chính sách ưu đãi để người lao động thực hiện sản xuất, khai thác đạt hiệu quả cao
– Thực hiện nghiêm túc các giải pháp để giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố mỏ trong quá trình khai thác than
– Thực hiện tốt các chế độ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động
– Quan tâm đầy đủ đến công tác thi đua, khen thưởng
Kiến nghị và đề xuất
Đối với Nhà nước
– Đề nghị Nhà nước xem xét một số chế độ ưu đãi cho công nhân hầm lò để thu hút lực lượng lao động này cho nghề khai thác than hầm lò, một nghề lao động nặng nhọc có nhiều rủi ro.
– Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thợ lò, ưu đãi về thuế, phí đối với doanh nghiệp khai thác hầm lò, chính sách tiền lương gắn với tốc độ tăng NSLĐ và lợi nhuận… để TKV và các doanh nghiệp thành viên có điều kiện tăng mức tiền lương cho thợ lò.
– Nhà nước cần quyết liệt thực hiện các chính sách phân luồng hợp lý trong giáo dục, giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo nghề nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động hiện nay “thừa thày, thiếu thợ”.
Đối với tỉnh Quảng Ninh
– Hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng bên ngoài hàng rào các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tập thể, nhà ở hộ gia đình công nhân mỏ tạo điều kiện cho thợ mỏ “an cư, lạc nghiệp”.
– Tăng cường đầu tư, mở rộng ngành nghề thu hút lao động nữ tại các địa bàn lân cận các mỏ than để tạo điều kiện cho vợ con thợ lò có cơ hội có việc làm và thợ lò độc thân xây dựng gia đình, yên tâm làm việc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tang-cuong-dao-tao-phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-nganh-mo-201609281601531747.htm” button=”Theo vinacomin”]