Công suất 630.000 tấn/năm, tuy nhiên theo dự kiến, cán đích 2018, Nhà máy Alumina Tân Rai (Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – LDA) sẽ đạt công suất 675.000 tấn…
I. Màu xanh trên nền đất đỏ bazan.
Chúng tôi đến với bauxite Tân Rai một ngày đầu mùa mưa 2018. Ở khai trường, nắng, gió và bụi đất đỏ níu chân người quấn quýt. Trên con đường độc đạo ấy, bên là khai trường, bên là những khu vực đã khai thác xong. Theo giới thiệu của ông Tưởng Thế Hà – Phó Tổng Giám đốc LDA – tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã hoàn thổ được trên 100 ha, chủ yếu là trồng keo tai tượng nhằm cải thiện chất lượng môi trường, tạo mỹ quan cho dự án, chống xói lở… Ông Hà cho biết, trước đây, lớp đất phủ bề mặt không đều, có chỗ trơ quặng không loại cây nào sống được, tuy nhiên cũng chính trên bề mặt ấy, bây giờ chỉ hiện hữu một màu xanh bát ngát. Đó chắc chắn là nguồn điều hòa sinh thái, môi trường hữu ích. Và mai này, khi cho thu hoạch, cũng sẽ là nguồn lợi không nhỏ.
Ông Hà trao đổi, trong quá trình khai thác, dự án tuân thủ theo đúng thiết kế được duyệt, khai thác theo hình thức cuốn chiếu và hoàn thổ từng phần. Khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó, sử dụng đất màu khi bóc phủ để san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây. Thêm vào đó, Công ty cũng đã đầu tư đắp đập, tạo hồ Cai Bảng có dung tích 20 triệu m3, nhằm dẫn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và hỗ trợ cho địa phương tưới tiêu. “Nước hồ hoàn toàn sạch, có thể sử dụng làm nước sinh hoạt hàng ngày” – Ông Hà khẳng định.
Quay lại câu chuyện bùn đỏ – mối âu lo có thể coi là lớn nhất với các dự án khai thác bauxite, chế biến alumina, đặc biệt là sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hung-ga-ri. Tại khu vực hồ bùn đỏ, chúng tôi có thể dễ dàng đi lại trên… mặt hồ vì bùn đỏ đã đông cứng. Được biết, mỗi khoang chứa bùn đỏ đều được thiết kế với hệ thống lọc xương cá, chống thấm ngược, nước lọc được dẫn về nhà máy để tái sử dụng, khi đầy sẽ đóng khoang, phủ đất rồi trồng cây. Theo TS. Trần Xuân Hòa – nguyên Chủ tịch HĐTV TKV – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và cho biết bùn đỏ có thể dùng để sản xuất sắt xốp, gạch không nung. Nếu thành công sẽ không phải mở rộng các khoang chứa bùn, lại xử lý được bùn đỏ, hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều.
Song song đó, từ khi đi vào vận hành đến nay, Công ty thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2010. Công ty còn đầu tư cải tạo các hệ thống giám sát khí thải và đang phối hợp với Viện Hóa học Việt Nam khảo sát lập phương án khử mùi cho khu vực khí hóa than để giảm tác động đến môi trường trong nhà máy alumin cũng như các khu vực xung quanh…
II.Chuyên nghiệp, bài bản.
Sau khi tham quan hồ chứa bùn đỏ, chúng tôi đến với khu vực Nhà máy sản xuất. Sự chuyên nghiệp, bài bản, không khí hối hả là những điều dễ nhận thấy đầu tiên. “Đã làm là phải làm bài bản, làm chuẩn mực và làm với sự nhiệt thành cao nhất” là quan điểm của người đứng đầu bộ máy điều hành Công ty – ThS. Vũ Minh Thành. Ngay khi Nhà máy đi vào vận hành, ông đã cho áp dụng phương pháp 5S (một hệ thống phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc bắt nguồn từ Nhật Bản, được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật gồm: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), và Shitsuke (Sẵn sàng). Ông lý giải: “Thị trường Nhôm và Alumina luôn diễn biến phức tạp, và chúng tôi hiểu rằng, chúng tôi đã và đang tham gia sân chơi lớn, hội nhập toàn cầu. Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về chi phí, giá thành, chất lượng sản phẩm ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tối ưu hóa quá trình sản xuất, tinh gọn đội ngũ nhân sự mới có thể đứng vững và phát triển trong môi trường sản xuất kinh doanh như hiện nay. Đây chính là lý do chúng tôi chọn 5S để áp dụng”.
Như để minh chứng cho lời ông nói, bất cứ khu vực nào của Nhà máy đều rất sạch sẽ, phong quang. Thái độ làm việc của người lao động rất chuyên nghiệp.
Đinh Thanh Tuấn, Trưởng ca điều hành sản xuất, sinh năm 1987, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, người gắn bó từ đầu với Công ty, cho biết: Sau khi học Đại học Bách Khoa Côn Minh, Tuấn về làm tại Công ty luôn. Tuấn bảo, những ngày đầu tiên tiếp quản Nhà máy từ nhà thầu Trung Quốc thực sự là những ngày khó khăn. Dù đã được đào tạo trong quá trình chuyển giao công nghệ, nhưng vẫn còn những bỡ ngỡ. Chúng tôi chạy theo thiết kế, sự cố đến đâu khắc phục đến đó, chủ yếu là sự cố dây chuyền công nghệ và thiết bị… Từng bước, từng bước, anh em tự tìm tòi học hỏi, bảo ban, hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều sáng kiến được áp dụng cho phù hợp với điều kiện sản xuất ở nhiều khâu khác nhau, với tính chất khí hậu của địa phương để bây giờ người Việt đã làm chủ nhà máy, vận hành công nghệ, giúp giảm giá thành đáng kể… Cho đến thời điểm hiện tại, CBCNV Công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Nhờ thu hồi quặng tốt hơn, giảm vật tiêu tiêu hao một số vật liệu chính… giúp giá thành sản xuất giảm. Trước đây, giá thành sản xuất ra 1 tấn alumina khoảng 5,7 triệu đồng, đến nay chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/tấn.
Còn Ngô Thị Thu Hằng, Quản đốc Trung tâm Hóa nghiệm (đơn vị phân tích, kiểm tra chất lượng nguyên liệu “đầu vào”, sản phẩm trung gian trong dây chuyền và sản phẩm alumin, alumin hydroxit), chị coi Công ty như ngôi nhà thứ 2 của mình. Anh chị em trong Trung tâm đều nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức với tâm niệm, khi hạt alumina ra nước ngoài, đối tác, bạn hàng sẽ an tâm tuyệt đối về chất lượng. Hiện tại, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã được tập huấn kỹ thuật, nâng cao nhận thức với tác phong làm việc chuyên nghiệp, đủ khả năng vận hành tốt các thiết bị phân tích hiện đại.
Thêm một điểm cộng cho sự chuyên nghiệp của LDA khi chúng tôi biết rằng, các thiết bị cơ khí chính đều được làm với các nước G7 để đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất. Ví dụ như hệ thống điều khiển của Siemen, vòng bi của SKF hay hệ thống máy lọc đến từ các đối tác Pháp.
III. Cam kết.
“Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về các vấn đề môi trường, kỹ thuật, an toàn… của Dự án. Chắc chắn, với tinh thần làm việc hiện tại, chúng tôi sẽ cán đích 675.000 tấn năm nay” là lời khẳng định chắc nịch của Giám đốc Vũ Minh Thành.
Không nghi ngờ gì lời cam kết trên bởi những gì mắt thấy, tai nghe và sự cảm nhận vẫn được coi là “xoáy vào vấn đề” đặc trưng của nhãn quan báo giới đã cho chúng tôi cái nhìn toàn cảnh về Alumina Tân Rai hôm nay. Khi anh cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty mang ra hàng chồng dày bộ định mức alumina, ngay cả những người kỳ cựu, gắn bó với Dự án từ những ngày thai nghén như TS. Trần Xuân Hòa cũng rất bất ngờ, khâm phục. Ông bảo, bộ định mức là 1 bước tiến dài của LDA và ông tin, với những gì đã và đang làm được, Nhôm Lâm Đồng sẽ có những bước tiến dài hơn, vững chãi hơn.
Câu chuyện về hai dự án bauxite – alumina là một câu chuyện dài. Đâu đó trên báo chí, trên các trang mạng xã hội vẫn có những bài viết phản biện về tính hiệu quả, sự “lãi – lỗ” của hai dự án. Tuy nhiên, hãy một lần đến với họ, nhìn cách họ làm việc, nghe họ chia sẻ, cảm nhận sự đổi thay của một vùng đất, tôi tin bạn sẽ có cái nhìn khác, rất khác…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tan-rai-mua-cao-diem-201808052147028437.htm” button=”Theo vinacomin”]