Chuyện nhậu có lẽ đã trở thành một nét văn hóa phổ biến ở nhiều vùng miền. Mỗi lần đi tác nghiệp, cứ xong việc, anh em ở đơn vị lại kéo tôi đi nhậu. Dần dà, tôi cũng thấy, đi nhậu có lẽ cũng là một thói quen khó từ bỏ của những con người nơi đây chăng?
Mùa nóng nực, sau ca một – thời điểm đi làm về chiều có lẽ là khi các quán bia hơi bắt đầu dần đông đúc. Các quán nhậu thường phân bố theo cụm, ít quán nhậu mọc lẻ. Ở Hòn Gai, Cẩm Phả, những quán nhậu nằm bên đường bao biển thường thu hút nhiều anh em vì không khí mát mẻ, trong lành. Có thể kể đến đường bao biển Lán Bè – Cột 8, đường bao biển Cửa Ông, Vân Đồn, khu vực Bến Do… Thậm chí, người ta còn mở các nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên mặt biển. Đây cũng là một điểm khác biệt mà không phải nơi nào cũng có. Nói thế không có nghĩa là tất cả các quán đều nằm gần biển. Ví như các quán nhậu ở khu vực dốc Hà Tu, men làng mỏ Mông Dương… đều nằm trong khu dân cư. Mức giá thì đủ loại, bình dân có, thượng hạng có.
Nhậu là theo “hứng”, có thể chẳng có lý do gì. Có khi là một ông bạn đồng nghiệp đến ngày về hưu, là sinh nhật anh em trong tổ, là ai đó mới sắm một cái xe máy, cái smartphone mới, cũng có thể là sau mỗi hội thi, liên hoan để “tổng kết” chương trình. Nhưng cũng có những lý do “không đâu với đâu” cũng có thể đi nhậu. Hôm nay mát trời – nhậu, tâm trạng phấn khích hay không vui – nhậu.
Trong những quán nhậu ở vùng mỏ, ngoại trừ các loại bia như bia hơi, bia chai, bia lon… thì hầu hết quán nào cũng có một menu các loại rượu, từ rượu trắng đến rượu ngâm. Những loại ngâm từ động vật, thực vật cứ đan xen với nhau trên những giá rượu. Một số loại thường thấy như ba kích, táo mèo, chuối hột… rượu từ động vật ngâm có rắn, tắc kè, bìm bịp, cá ngựa các loại. Nhiều người đã tự ngâm được rượu thì những dịp hội ngộ sẽ mang rượu ở nhà đi góp vui với anh em. Oái oăm hơn, còn có những loại rượu ngâm thập cẩm hoa quả cho đến vỏ cây. Nhiều đơn vị tôi ghé thăm còn tự nấu rượu cho chính anh em Công ty mình. Ai cũng khẳng định chắc nịch: “Rượu nhà nấu, uống không đau đầu, chỉ có say thôi”.
Mồi nhậu cũng là một bầu trời đa dạng. Nhanh gọn nhất có lẽ là bia hơi, lạc rang hoặc luộc, phồng tôm. “Sang” miệng hơn thì các loại cá khô, mực khô nướng, các loại thịt nướng, ruốc hấp, ốc luộc… Riêng món thịt cầy những ngày mưa mát trời lại càng đông khách. Từng thớ thịt thái lát cuộn với lá mơ, cây sả, chút riềng, chút khế chua hòa quyện trong hương vị mắm tôm trứ danh có thể khiến bất cứ gã nào đều sẵn sàng nằm lại, hòa mình trong mỹ vị “quốc hồn quốc túy”.
Trên bàn nhậu, mỗi lần nâng ly lại có nguồn cảm hứng khác nhau. Khởi đầu chén đầu tiên là chén gặp mặt, những chén sau ngẫu hứng. Nhất định, chén đầu nâng lên là phải uống hết, những chén sau, lại hết thì càng tốt. Xen giữa các lần nâng ly, những chuyện về người, về đời, chuyện gia đình, chuyện công việc cứ lần lượt được phô bày ra. Sau đấy, có món mới cũng nâng ly, có người mới vào bàn cũng nâng ly. Rồi cụng ly tập thể, cụng ly đơn lẻ từng cặp hai, ba người. Chén thưởng chén phạt cứ vơi rồi lại đầy.
Chả mấy chốc rượu đã cạn. Sau mỗi cuộc nhậu, người tỉnh, kẻ say. Nhiều người ủng hộ quan điểm: “Bản lĩnh là ở việc từ chối chén rượu”. Tôi cho rằng, đó là ở mỗi người. Bao nhiêu là đủ, chỉ có bản thân mình mới biết. Mỗi cuộc nhậu chỉ văn minh khi người ta coi đây là nơi gặp gỡ, chuyện trò của anh em đồng chí sau mỗi giờ tan ca. Thêm chút men say, thêm tình gắn bó, đáng lắm chứ!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tan-man-quanh-chuyen-nhau-201710021500027376.htm” button=”Theo vinacomin”]