Không còn nhận ra cái thị trấn Na Dương (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) nghèo xơ xác, vài mươi nóc nhà màu xám lô nhô, đôi hàng quán bày bán vài thứ đồ lặt vặt; làm đêm, đói, muốn tìm quán ăn, tịnh không có. Vậy mà, chỉ mấy năm, Na Dương bây giờ thay đổi nhiều quá, phố sá sầm uất, nhà cửa san sát, hàng quán la liệt; đêm, muốn đi ăn, tha hồ chọn, cháo, bún, phở, thậm chí những món khoái khẩu như thịt chó, tiết canh lòng lợn… “Quán ở chỗ có đèn sáng kia kìa!”…
Theo lịch sử, thực dân Pháp khai thác than Na Dương từ những năm 19 của thế kỷ trước (đầu thế kỷ XX), sản lượng ít, dùng để chạy nhà máy điện và sản xuất đất đèn.
Đặc tính của than Na Dương là loại than nâu chuyển tiếp than ngọn lửa dài. Vì vậy có thể gọi than Na Dương là than nâu hoặc than ngọn lửa dài. Than Na Dương là than đặc chủng, ít thấy ở việt Nam, với những đặc tính kỹ thuật có hàm lượng lưu huỳnh cao, dễ phong hóa, dễ bốc cháy khi đổ đống lớn và gặp mưa nhỏ khí suynphua phát ra gây độc hại và ô nhiễm môi trường. Than Na Dương có hàm lượng tro cao, cấp hạt càng nhỏ độ tro càng cao. Tỷ lệ cám trong than nguyên khai tương đối lớn. Than và đất đá ở dạng kết hạch rất chặt chẽ, thuộc loại than rất khó tuyển. Vì thế than Na Dương ít được dùng trong đun nấu, chỉ thích hợp dùng cho công nghệ xi măng lò quay phương pháp ướt và nhà máy nhiệt điện với công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn.
Song, đến khi các nhà máy xi măng Hải Phòng, Bỉm Sơn chuyển đổi công nghệ, không dùng than Na Dương nữa, mỏ than Na Dương có nguy cơ bị đóng cửa, và thực tế cũng như đã bị đóng cửa, hàng ngàn người thợ mỏ Na Dương sẽ sống ra sao.
Giữa lúc ấy, bằng trí tuệ, quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho than Na Dương, lãnh đạo Tổng công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn Vinacomin), được sự ủng hộ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã tìm đến với nhiệt điện công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn. Tháng 4-2002, Nhà máy nhiệt điện Na Dương khởi công, chính thức mở ra cho than Na Dương một cơ hội mới, phát triển vững chắc.
Tôi đã có dịp có mặt trong những ngày đó. Câu ca “ruồi vàng, bọ chó, gió…” có nhiều biến thể. Tôi được nghe lần đầu thì nó là “gió Tây Trang”, nói về sự khắc nghiệt ở Đồn Biên phòng Tây Trang (Quảng Bình, giáp biên giới Việt Lào) mà những người lính ở đó phải hứng chịu; đến với Mỏ Than Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh) thì nó là “gió Vàng Danh”, cũng là để chỉ sự khắc nghiệt nơi đây mà mỗi người công nhân làm than phải vượt qua; và bây giờ đến với Na Dương, đến với những người đang miệt mài ngày đêm làm việc cho dòng điện bừng sáng nay mai thì “gió Na Dương” đã hiển hiện trong câu ca ấy. Mà quả thật, gió Na Dương, chao ôi là gió! Cữ này ở Hà Nội nắng ấm đã dát vàng hàng cây cơm nguội, thì ở Na Dương gió vẫn rét cắt da, lúc nào cũng gào rít ầm ào. Na Dương là một cửa hút gió vùng biên giới phía Bắc, hầu như không ngày nào là không có gió, nhất là vào những đợt gió mùa. Với người thợ xây lắp Nhiệt điện Na Dương không ít ngày không thể làm việc trên độ cao từ 20m trở lên, chỉ vì gió quá mạnh. Na Dương gió và rét, đỉnh Mẫu Sơn gần đấy đóng băng, có tuyết rơi, thì ở Na Dương cũng 2-3 độ C, ở nhiệt độ ấy không thể làm việc, cũng mất không ít những ngày như thế. Lại còn mưa nữa; đất đỏ Na Dương dính bết, rồi trở nên nhão nhoét bám vào giày, giày trở nên trơn trượt không leo trèo nổi. Cùng với gió, rét và mưa, khi xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, các chuyên gia và CBCN ở đây còn bị ảnh hưởng của dịch SARS, nhất là các chuyên gia, họ không thể đến các vùng bị ảnh hưởng để ký kết hoặc mua hay vận chuyển các thiết bị về cho công trình. Hai lần giá vật liệu tăng, nhất là giá thép, cũng làm cho Nhiệt điện Na Dương tiến độ thi công bị chậm lại. Còn đường nữa, vận chuyển thiết bị từ TP Lạng Sơn rẽ vào Na Dương phải vòng tránh các cầu cũng tốn không ít thời gian và công sức. Na Dương ở xa trung tâm, đời sống tinh thần của anh em công nhân rất thiếu thốn, gần 3 năm, văn công được xem “ké” hai lần, ti vi chỉ có “ông đội” có, lúc đầu chỉ phát đến 10 giờ là tắt phụt, anh em công nhân làm về đắp chăn ngủ là chính; rau cỏ, thịt thà thì đắt đỏ, không sẵn lắm. Song xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương cũng có nhiều thuận lợi. Đây là “tác phẩm đầu tay” cho những hướng làm ăn mới của Than Việt Nam nên nó được chú ý đặc biệt. Tổng Công ty sẵn sàng tạo mọi điều kiện có thể để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Những vướng mắc đều được chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Nhà máy Nhiệt điện Na Dương lại là “nhà máy ở trong ngành, của ngành” nên sự chắp mối các công việc cũng có nhiều thuận lợi. Một thuận lợi khác, cái vướng mắc tưởng là khó giải quyết nhất – giải phóng mặt bằng, thì địa phương giúp đỡ nhiệt tình, giải quyết nhanh chóng, người trong diện di dời đều vui vẻ chuyển đi nhường chỗ cho một công trình sản xuất điện tương lai đang dần hiện hình hài. Nhà thầu Marubeni (Nhật Bản) – nhà thầu chính của công trình tỏ ra là nhà thầu có kinh nghiệm, có chuyên môn cao trong việc xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt bằng than. Công tác giải ngân được thực hiện kịp thời, đúng theo cam kết giữa chủ đầu tư với các nhà thầu. Điều này có tác động, hỗ trợ đắc lực về lĩnh vực tài chính cho các bên tham gia xây dựng công trình. Trong bối cảnh chung thì đây là một yếu tố rất quan trọng. Và trên hết, là quyết tâm của CBCN toàn Công ty Nhiệt điện Na Dương, hầu hết tuổi còn trẻ, lần đầu tiên tham gia xây dựng một công trình tầm cỡ, vì vậy đều muốn thể hiện mình, đều làm việc hăng say, không tiếc đem sức trẻ của mình cống hiến. Nhiệt điện Na Dương tiêu thụ khoảng 50 vạn tấn than/ năm của Than Na Dương, được đặt gần khu vực khai thác. Than Na Dương sau khi qua sàng, chúng được vận chuyển về Nhà máy điện bằng hệ thống băng tải, dài khoảng gần 1km, trực tiếp đưa vào lò đốt. Sau hơn 2 năm xây dựng, giữa năm 2004 tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương chính thức phát điện và toàn bộ nhà máy kết thúc giai đoạn xây dựng vào cuối năm; đầu năm năm 2005 nó chính thức phát điện thương mại.
Lối khai thác than lên sau đó chuyển qua biến nó thành điện là một hướng làm ăn của Vinacomin mà khởi đầu là Than – Điện Na Dương. Một loạt các dự án than – điện mà Vinacomin đã và đang làm như nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên), nhiệt điện Cẩm Phả, Đông Triều… (Quảng Ninh) và đặc biệt là Than – Điện Nông Sơn (Quảng Nam) đang đi theo lộ trình này. Song cái sâu xa hơn của các dự án, nhất là các dự án ở vùng sâu, vùng xa như Than – Điện Na Dương, Than – Điện Nông Sơn còn là vấn đề về an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Nhờ có làm than, đốt điện mà những vùng như Na Dương hay Nông Sơn mới có sự sầm uất, CNCB và kể cả những người dân ở các khu công nghiệp đó mới bớt khổ, mỗi ngày mỗi thêm sung túc dần lên và an ninh, chính trị, an toàn xã hội được giữ vững.
Tôi ngồi nhâm nhi ly rượu với những người bạn làm ở các công ty than, điện Na Dương. Họ đều là những người trẻ tuổi, sau khi học xong nghề ở các trường đại học và cao đẳng, xung phong về nơi đây lập nghiệp. Họ bộc lộ rằng, hồi mới về Na Dương, họ nghĩ khó mà trụ vững lại nơi đây. Vậy mà giờ họ đã có gia đình riêng, đã làm nhà riêng ở thị trấn Na Dương. “Bây giờ thì khác rồi. Na Dương đã trở thành quê hương của chúng em rồi. Thấy bây giờ sống ở Na Dương cũng được; tấp nập phố sá, cũng thấy thuận tiện mọi bề, không thấy Na Dương heo hút như xưa nữa”…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tan-man-na-duong-1009.htm” button=”Theo vinacomin”]