Mặc dù không sinh ra trên đất Cẩm Phả, nhưng với tình cảm gần hai mươi năm sống và làm việc trên vùng đất này, khi nghe tin Thị xã Cẩm Phả lên Thành phố, tôi thấy trong lòng rộn ràng một niềm vui khó tả. Đúng là: “Đứng một ngày đất lạ thành quen”. (Đợi – Vũ Quần Phương). Huống chi, cả tuổi xuân gần hai mươi năm gắn bó với từng con phố, mọi nẻo đường lên mỏ, những màu bụi than đen, những tiếng xe ca gầm gào, hay những ánh đèn dưới hầm lò, trên tầng than lấp lánh những đêm ca ba… Tất cả đã đi vào
Ngày mới ra trường, cầm choòng cuốc đi vào lò sản xuất mỗi ca. Tuy vất vả nhưng khí thế hừng hực. Mồ hôi túa ra nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi. Đồng nghiệp chúng tôi chia nhau từng chiếc bánh mì, kể chuyện vui. Những tháng ngày đó, tuy có vất vả, nhưng mỗi ca nhìn những goòng than được kéo ra bằng công sức của mình thấy vui lắm. Sống vô tư, ngủ ngon lành sau mỗi ca lao động. Đơn vị chúng tôi làm việc là một tập thể đoàn kết. Ngoài công việc trong hầm lò hàng ngày, những ngày nghỉ, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động lắm. Từ việc đến thăm gia đình nhau, đến việc tổ chức thăm quan, khám phá Cẩm Phả. Thú nhất là vào mùa hè, cả nhóm thuê một chiếc tàu du lịch, các gia đình mua đồ ăn, nước uống, mang đài băng… rồi lên tàu ra hòn Nêm, Đảo Thẻ Vàng, Cống Tây, Cống Đông… Đối với tôi, nhớ hơn cả vẫn là những lần ra thăm đảo Quan Lạn. Hòn đảo có bãi tắm rộng, cát đẹp mê hồn, lóng lánh dưới nắng như những hạt kim cương. Sóng mạnh không kém những bờ biển Sầm Sơn, Vũng Tàu, Nha Trang… nhưng nước trong xanh hơn. Đó là những hòn đảo đẹp trên vịnh Bái Tử Long. Mặc dù không đạt kỳ quan thế giới, nhưng vịnh Bái Tử Long vẫn rất đẹp và quyến rũ. Nước non trong xanh với hàng trăm hòn đảo nhỏ, núi đá vôi… đã tạo cho vịnh Bái Tử Long một sắc thái riêng. Có những chiều, chúng tôi đi bằng xe máy lên khu bãi tắm Bến Do, hay khu Vân Đồn tắm biển. Rồi cả nhóm được đưa ra những bè cá tươi ngon giữa mênh mông sóng nước. Nếu thích ăn con nào thì chỉ con đấy để nhà hàng làm thịt ngay. Cả nhóm ăn cá biển, uống rượu và hát những bài ca về vùng Mỏ đến khuya…
Mùa đông, không đi tắm biển được, chúng tôi thường rủ nhau đi tắm nước khoáng nóng. Cẩm Phả nổi tiếng với nguồn tài nguyên khoáng nóng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 nguồn khoáng nóng lớn. Một là khoáng nóng Tam Hợp thuộc phường Cẩm Thạch, do Công ty Địa chất Mỏ – Vinacomin quản lý khai thác. Hai là khoáng nóng Quang Hanh thuộc phường Quang Hanh. Theo các nhà khoa học, nguồn khoáng nóng này có nồng độ Brôm cao, kết hợp với nhiều loại vi khoáng có tác dụng chữa bệnh, có lợi cho sức khoẻ. Hiện nay, tại các địa điểm này đã hình thành các khu nghỉ dưỡng và thu hút hàng vạn lượt khách mỗi năm.
Sống trên đất Cẩm Phả, những dịp đầu năm, năm nào gia đình tôi cùng các gia đình đồng nghiệp cũng đến thăm quan và tham gia lễ hội đền Cửa Ông. Đền Cửa Ông thờ vị tướng Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, người con thứ 3 của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Ông là người trấn thủ vùng cửa biển Đông Bắc trong những năm từ 1285-1288, là người lập công lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sau chiến thắng, ông được giao cho cai quản khu vực này rồi ở lại đây và qua đời vào năm 1311. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, người Cẩm Phả đã lập đền thờ. Ngôi đền toạ lạc trên một quả đồi, thuộc địa phận phường Cửa Ông, lưng tựa vào dãy núi đất phía Bắc, mặt quay ra Vịnh Bái Tử Long…
ẩn chứa sức mạnh bên trong Cẩm Phả là một thành phố công nghiệp hiện đại, được mệnh danh “Thủ đô than” của cả nước. Người ta như dồn sức vào để dời non lấp bể, bốc lên những tấn than đi mọi miền quê hương. Tôi rất thích câu thơ của Nhà thơ Hoàng Tuấn Dương: “Người thợ lò vào ca/Gồng mình nâng trái núi/Cho dòng than ra/Đi xa”. Hàng ngày, không kể ngày hay đêm, những đoàn xe đưa hàng vạn công nhân lên tầng than, vào hầm mỏ để sản xuất than. Chỉ loáng những đầu ca, cuối ca ầm ào, rồi lại tĩnh lặng, êm đềm. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, có thể bạn sẽ thấy Thành phố Cẩm Phả chẳng hơn gì những Thành phố bình thường khác. Nhưng ẩn chứa bên trong, đó là một sức mạnh nội lực mạnh mẽ không chỉ bây giờ mà từ thời dưới chế độ cũ. Năm 1936, cuộc tổng đình công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 đã khởi đầu cho cao trào đấu tranh giành độc lập tự do của giai cấp công nhân cả nước. Giờ đây, tượng đài “Vinh quang thợ mỏ Việt Nam” uy nghi ngay tại Quảng trường 12/11 như nhắc nhở thế hệ trẻ nối tiếp cha anh lập nên những chiến công mới trong thời đại mới. Nằm cạnh đó không xa, chỉ chưa đầy 2 ki lô mét, Vũng Đục là nơi đã chứng kiến tội ác dã man của thực dân Pháp và bọn tay sai trong cuộc tàn sát những người cộng sản thời kỳ Vùng mỏ còn nằm dưới gót giày của chúng.
Thời đại mới bây giờ, những người thợ lò như chúng tôi cũng đã trải qua bao thăng trầm. Không giống như trong lầm bụi của kiếp nô lệ, nhưng những người thợ lò như chúng tôi cảm nhận rõ sự vất vả của công việc, trách nhiệm cao cả cung cấp nguồn năng lượng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, như một sức mạnh giúp thợ mỏ chúng tôi vượt lên tất cả. Đặc biệt nhất là qua hai cuộc khủng kinh tế gần đây. Hàng ngày, hàng vạn thợ mỏ vào lò sâu, lên tầng than làm việc. Và mỗi ngày chúng tôi lại đổi khác. Năng suất lao động mỗi ngày một cao hơn. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại hơn. Nhiều nhà máy, công trường, khu chung cư, nhà văn hóa mọc lên cao đẹp hơn. Đó thực sự là nguồn nội lực mạnh mẽ từ bên trong giúp chúng tôi vượt lên tất cả. Mặc dù hiện nay, Cẩm Phả đã mở rộng nhiều thành phần kinh tế, nhưng được biết, Than vẫn chiếm tỷ trọng cao của thành phố, với mức nộp ngân sách mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng. Chúng tôi tự hào với sức mạnh của mình, tự hào đã đóng góp xây dựng thành phố Cẩm Phả ngày càng to đẹp hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tam-su-cua-nguoi-tho-lo-noi-thanh-pho-tre-1360.htm” button=”Theo vinacomin”]