Nghề làm mỏ, đặc biệt là thợ lò vô cùng vất vả, nặng nhọc, nhiều rủi ro nguy hiểm nhưng vượt lên tất cả họ vẫn yêu nghề, gắn bó với nghề và hòn than. Bởi trên hết, họ nỗ lực làm việc để vợ con và người thân của mình có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Mỗi ngày làm việc của người thợ lò có biết bao cặp mắt dõi theo và tấm lòng trông đợi với tất cả yêu thương, chia sẻ xen lẫn trân trọng tự hào. Trong bao la tình cảm ấy, có những tình cảm thật thiêng liêng cao đẹp, chân thành từ đáy lòng và trái ti
“Bố thân yêu của con!
Chưa bao giờ những cảm xúc về bố trong con lại dào dạt và mãnh liệt như lúc này. Không phải chỉ bây giờ con mới yêu bố, mà những cảm xúc ấy đã tồn tại trong con từ khi con biết suy nghĩ rồi bố ạ. Nhưng có lẽ con thiếu đi một chút lãng mạn để những cảm xúc ấy trào dâng, thiếu đi một chút hồn nhiên để nói rằng: Con yêu bố.
Cả cuộc đời bố đã hy sinh vì chúng con, vì gia đình nhỏ bé này. Con hiểu được phần nào những cực khổ mà bố đã chịu đựng bởi con được nghe bà kể về tuổi thơ đầy vất vả của bố. Mới năm tuổi bố đã phải đi làm con nuôi cho nhà người ta để kiếm miếng cơm, manh áo. Mười tuổi bố đã biết đi thồ lúa, gặt thuê; lên mười bốn tuổi thì mọi việc nặng nhọc bố đều có thể làm thông thạo cả…
Năm mười bảy tuổi bố đã phải rời quê hương, làng xóm để một mình đi lập nghiệp ở nơi đất khách, quê người đầy xa lạ. Bố chọn vùng đất mỏ Vàng Danh làm chốn dừng chân. Chưa đầy mười tám tuổi bố đã bắt đầu vào lò, bắt đầu đối mặt với những vất vả, nguy hiểm của nghề… Bố kể: Ngày ấy bố còn bé lắm, đến mức phải nhặt thêm những cục đá nặng cho vào trong người để đủ số cân tiêu chuẩn khi đi kiểm tra sức khỏe trước khi được nhận vào làm việc.
Đã có bao người đi cùng với bố phải bỏ nghề, bởi họ không chịu được những cực khổ quá sức ấy. Vậy mà bố vẫn kiên trì lắm, chăm chỉ lắm, bởi bố biết còn cả gia đình đang ngóng chờ vào đồng lương của mình. Bố cứ làm, cứ vác, cứ đào, cứ quần quật như thế. Đến bây giờ đã gần ba mươi năm rồi, gần một nửa đời người rồi đấy bố ạ…
Ai cũng biết nghề mỏ nguy hiểm, vất vả, vậy mà bố chưa một lần than vãn, kêu ca mà còn rất tham việc, tiếc việc. Bố làm thêm vào cả ngày nghỉ, có khi còn tăng ca. Người ta vẫn cho bố là gàn dở. Những lúc ấy bố chỉ cười xòa rồi bỏ qua. Nụ cười ấy hiền lành như chính con người bố vậy. Bố từng dạy con: Hãy cố gắng làm việc có ích khi còn đủ sức…
Con biết bố rất yêu con, rất yêu gia đình này. Bố luôn chiều chuộng chúng con. Những lúc con hư, bố chỉ nhìn con rồi lặng lẽ quay đi. Con biết những lúc ấy bố buồn lắm, bố thất vọng về con lắm. Sự im lặng ấy còn hơn roi vọt mà bố dành cho con để con luôn ghi nhớ và cố gắng không bao giờ làm bố buồn lòng nữa. Bỗng một ngày con nhận ra, bàn tay bố đã không còn cảm giác nữa bởi những vết chai sạn. Bố cũng không phân biệt được mùi nữa vì bị bệnh viêm xoang. Mọi người đều khuyên bố đi khám nhưng bố không chịu. Bố là thế! Luôn chăm chỉ, hiền lành và hy sinh vì người khác.
Chiều nay con thấy bố ngồi lặng đi sau nhà, cảm giác bình yên với con bỗng tràn về. Con muốn chạy tới ôm cổ bố nhưng chỉ dám nhìn bố từ xa và con cũng nhận ra: Bố đã không còn trẻ nữa. Bố cần nghỉ ngơi sau một nửa cuộc đời vất vả.
Bố ơi! Bố hãy yên tâm nhé. Con của bố đây sẽ lớn khôn, sẽ thay bố chăm lo cho ngôi nhà này. Hạnh phúc lớn nhất của con là thấy bố khỏe mạnh, vui vẻ. Con sẽ làm tất cả vì bố như bố đã làm cho chúng con được ấm no, hạnh phúc.
Đêm lạnh dần… Gió lùa từng cơn thật khẽ như muốn mang đi đến mọi nơi những cảm xúc trong lòng con. Cảm ơn bố đã cho con cuộc đời! Con sẽ học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố! Con yêu bố nhiều lắm”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tam-su-cua-con-trai-mot-nguoi-tho-lo-201603301745257759.htm” button=”Theo vinacomin”]