Thực hiện chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp của Tổng công ty Khoáng sản- Vinacomin, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên đã sớm bắt tay vào triển khai đề án này. Với một doanh nghiệp có mô hình tổ chức khá “cồng kềnh” do lịch sử để lại trong khi tài nguyên ngày càng nghèo hoá, việc xin cấp phép các mỏ mới vô cùng khó khăn, công nghệ, thiết bị còn lạc hậu, năng xuất LĐ thấp, tỷ lệ gián tiếp và phụ trợ cao…thì đây quả là nhiệm vụ không đơn giản. Vậy cách làm của KLM Thái Nguyên
Để triển khai Đề án, ngay sau khi có Quyết định phê duyệt của TCT Khoáng sản – tháng 11/ 2010, Công ty đã tiến hành rà soát, đánh giá lại tình hình Công ty một cách đồng bộ, toàn diện và xây dựng Đề án tái cấu trúc của đơn vị mình nhắm sắp xếp lại tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất và bố trí sắp xếp lao động. Mục tiêu của đề án hướng đến là: Tiếp tục tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất, cải tạo và hiện đại hoá công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, tập trung lựa chọn những khâu đột phá trong đầu tư ; Sắp xếp bộ máy quản lý theo hướng tập trung tinh gọn hơn, tăng cường quản lý trực tiếp, phân cấp quản lý mạnh hơn cho đơn vị thành viên; Bố trí sắp xếp lao động hợp lý và xử lý lao động dôi dư nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Tiếp đó, KLM Thái Nguyên đã thành lập một Ban chỉ đạo chuyên trách về nội dung này. Đồng thời, Công ty tổ chức các chuyến thăm quan, nghiên cứu mô hình tổ chức sản xuất của một số đơn vị để học tập và rút kinh nghiệm như ở Công ty Luyện đồng Lào Cai, Công ty cổ phần KLM Nghệ tĩnh, Công ty KLM Tuyên Quang. Bên cạnh đó, Công ty còn phát động phong trào phát hiện những vấn đề còn tồn tại trong dây chuyền công nghệ, trong hệ thống quản lý từ đó khuyến khích CNCB toàn Công ty đề xuất, hiến kế những ý tưởng sáng tạo trong quản lý và sản xuất cũng như góp ý kiến xây dựng các giải pháp khắc phục.
Quá trình triển khai đề án Tái cấu trúc Doanh nghiệp của KLM Thái Nguyên không chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của chuyên môn mà còn có sự tham gia tích cực, sự đồng tâm, nhất trí của cả hệ thống chính trị của Công ty từ Đảng bộ, đến tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên… Nhờ đó, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện đề án đã được phổ biến, quán triệt sâu rộng đến tất cả các bộ phận của Công ty, từ cán bộ làm công tác quản lý đến người lao động trực tiếp tham gia sản xuất.
Việc rà soát sắp xếp, bố trí lại lao động được triển khai đồng bộ trong toàn Công ty, trong đó trọng tâm là cơ quan Công ty, các phân xưởng trực thuộc, các đơn vị luyện kim. Lao động dôi dư đủ điều kiện thì sắp xếp nghỉ theo các chế độ của Tập đoàn và Tổng công ty, lao động không đủ điều kiện được sắp xếp thay thế cho số lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển công tác, chuyển từ gián tiếp sang trực tiếp sản xuất và bố trí vào dây chuyền sản xuất mới đầu tư. Song song với các biện pháp trên, Công ty tiếp tục thực hiện chương trình nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động, tổ chức học để hoàn thành chương trình THPT cho công nhân hầm lò ở Kim loại màu Bắc Kạn, động viên người lao động tận dụng tối đa thời gian làm việc…vì vậy năm 2011 lao động bình quân thực tế của Công ty chỉ là 1850 người nhưng lao động tính theo ngày công định mức là 1961 người.
Chỉ sau một thời gian ngắn, KLM Thái Nguyên đã “làm” gọn nhẹ mô hình tổ chức của Công ty bằng việc thực thi những quyết định được xem là khá mạnh tay như: Giải thể Xí nghiệp LKM I, thành lập 3 PX trực thuộc Công ty; sáp nhập Công ty CP KLM Bắc Kạn và Xí nghiệp Kẽm chì Chợ Điền để thành lập Công ty KLM Bắc Kạn; sắp xếp 4 PX của XN Luyện kim màu II thành 2 PX; thành lập phòng KCS quản lý chất lượng sản phẩm trực tiếp, xuyên suốt từ Công ty đến các đơn vị luyện kim.
Từ những kết quả bước đầu, KLM Thái Nguyên tiếp tục tiến hành rà soát lại các dự án đầu tư đang và chuẩn bị triển khai. Từ đó, Công ty đã phát hiện và xin lập lại dự án đầu tư cải tạo nâng cao chất lượng nhà máy kẽm điện phân TN; nghiên cứu và xác định lại công nghệ tuyển quặng chì oxit Cúc Đường; dừng việc đầu tư tời dây Lũng Cháy Suối Teo; di chuyển dây chuyền sản xuất bột kẽm kim loại đến vị trí phù hợp hơn. Việc phát hiện và điều chỉnh kịp thời các chương trình đầu tư trên đã góp phần giảm thiệt hại cho Công ty hàng chục tỷ đồng. KLM Thái Nguyên cũng đã rút phần vốn tham gia ở các Công ty cổ phần để tập trung nguồn lực ở Công ty.
Đặc biệt, cùng với việc hợp lý hóa dây chuyền lao động, kiện toàn lại công tác đầu tư, KLM Thái Nguyên còn tích cực đổi mới công nghệ, đưa KHKT vào sản xuất, quản lý. Do vậy mà năng suất lao đã tăng hơn 20% so với trước đó; năng lực tuyển khoáng và năng suất lao động tuyển khoáng đến nay cũng tăng gấp đôi năm 2010. Không những thế, Công ty còn nghiên cứu tận thu sản phẩm từ các nguồn thải của các đơn vị luyện kim để mở ra sản phẩm mới với giá trị hàng chục tỉ đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho lao đông dôi dư. Tiêu biểu là dây chuyển tuyển thu hồi thiếc trong thải ở mặt bằng Lưu Xá giải quyết việc làm cho 13 lao động; xưởng tuyển tận thu than, sắt từ xỉ lò quay giải quyết việc làm cho 15 đến 20 lao động dôi dư.
Rõ ràng, việc triển khai đề án tái cấu trúc ở KLM Thái Nguyên đã và đang mang lại cho doanh nghiệp những hiệu quả thiết thực. Hầu các sản phẩm quan trọng của Công ty như quặng kẽm sunfua, tinh quặng kẽm chì, kẽm thỏi và axit sunfuaric đều đạt mức năng suất kỷ lục. Tính đến đầu năm 2012, năng lực sản xuất chung của Công ty đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ trong khi số lao động đã giảm từ 1.893 người đầu năm 2011 xuống còn 1816 người. Vì thế, lãnh đạo Công ty đã ban hành 8 nhóm giải pháp tập trung trong năm 2012 để KLM Thái Nguyên tiếp tục hiện thực hóa mục các tiêu của Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp thành hiệu quả trong hoạt động SXKD của công ty.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tai-cau-truc-doanh-nghiep-o-klm-thai-nguyen-bat-dau-tu-viec-to-chuc-lai-luc-luong-lao-dong-1471.htm” button=”Theo vinacomin”]