Đã lâu không về
Vẫn có Mông Dương trong nỗi nhớ
Thung lũng ban mai bồng bềnh sương thở
Đèn pha ô tô cắt khúc cung đường…
Đọc tứ thơ của cố nhà thơ, nhà báo Ngô Tiến Cảnh làm ai cũng thấy vùng đất mỏ Mông Dương như đẹp hơn, nhất là những người đã từng công tác, làm việc trên mảnh đất này. Nét đẹp như được pha lẫn giữa sự nguyên vẹn của tự nhiên, cỏ cây hoa lá, ánh nắng vàng trong sương sớm… với sự náo nhiệt, nhộn nhịp của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự thật cũng đúng như vậy. Mông Dương đã đi lên từ một vùng đất hoang sơ với vài nóc nhà của một số người dân lâm nghiệp xưa đi vỡ đất để hóa thân trở thành khu phố mỏ sầm uất và hiện đại như ngày hôm nay. Đó là một bước tiến dài, gắn chặt với quá trình phát triển của các đơn vị như mỏ than Mông Dương, mỏ than Khe Chàm, Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương (Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 hiện nay) với nhiều thế hệ thợ mỏ. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ đó dường như cũng không che lấp được nét tự nhiên vốn có của vùng đất này với những dãy đồi núi trùng điệp, những khúc sông uốn lượn. Và hơn thế nữa, đó là nghị lực, là ý chí của lớp lớp các thế hệ thợ mỏ nơi đây.
Ông Nguyễn Minh Trang, cựu thợ lò Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, Công ty than Mông Dương, về nghỉ hưu đã hơn chục năm nay. Vóc dáng to khỏe, giọng nói sang sảng, ông bảo, ngày xưa, cánh thợ lò như các ông ăn không biết no, làm không biết mệt. Các ông là lớp thợ mỏ đầu tiên về làm các công việc khôi phục lại mỏ Mông Dương – Khe Chàm từ những năm cuối của thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước. Sau khi Thực dân Pháp rút đi, nhiều công trình hầm mỏ của Mông Dương đã bị phá hủy. Thêm vào đó, cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đã làm cho mỏ than hầm lò Mông Dương gần như bị san phẳng hoàn toàn. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, thợ mỏ đã bắt tay vào khôi phục lại mỏ than Mông Dương – Khe Chàm từ năm 1976. Đến năm 1982, những tấn than đầu tiên của mỏ đã được kéo ra trong niềm vui khôn xiết. Khí thế lao động khi đó rất sôi nổi. Thợ mỏ liên tục phá kỷ lục về tốc độ đào lò của chính mình và xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong lao động sản xuất, được suy tôn Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc…
Với giọng nói đầy tự hào, ông Nguyễn Minh Trang cho biết, sau những năm khôi phục và phát triển, mỏ than Mông Dương – Khe Chàm lớn mạnh từng ngày và trở thành trái tim của “Thung lũng ban mai…” này. Từ sản lượng hơn trăm ngàn tấn lên một triệu, rồi hai triệu tấn/năm. Từ vài trăm lao động lên vài ngàn lao động và nhiều lớp thế hệ thợ mỏ đã dần tạo nên một thị trấn vốn thưa thớt trở nên sầm uất. Năm 1986, trước sự lớn mạnh của mỏ Mông Dương – Khe Chàm, lãnh đạo Công ty than Cẩm Phả quyết định tách mỏ Khe Chàm thành một mỏ độc lập. Đủ lông đủ cánh, Khe Chàm cũng bứt phá chẳng kém với sản lượng hơn một triệu tấn than chỉ trong một vài năm sau đó. Chính sự phát triển mạnh mẽ của 2 mỏ than lớn nhất vùng đất Mông Dương này đã kéo theo nhiều ngành nghề kinh doanh, thương mại phát triển. Những ngôi nhà mới cao tầng mọc lên san sát. Những trường học khang trang được xây dựng.
“Bà xã tôi trước đây là giáo viên cấp 1 – 2. Đó là ngôi trường chung cho cả cấp một với cấp hai và cả vùng cũng chỉ có một trường học duy nhất. Học sinh cấp 3 phải ra mãi Cửa Ông cách gần chục ki lô mét học tập, đi lại rất khó khăn. Bây giờ mới đủ trường lớp các cấp cho con em thợ mỏ học tập…” – ông Trang trầm ngâm tâm sự. Rồi ông cho biết thêm, các thế hệ thợ mỏ ở vùng đất Mông Dương cứ đông dần, biến Mông Dương thành vùng đất trù phú. Nhưng quỹ đất ở Mông Dương không nhiều, Thợ mỏ phải san gạt những quả đồi để xây dựng nhà ở. Thậm chí, để kết nối với một quả đồi mới, thợ mỏ đã phải làm cả một cây cầu bắc qua dòng sông Mông Dương. Thợ mỏ cứ ở lâu, quây quần với nhau, có tình làng nghĩa xóm nên gọi là Làng mỏ. Giờ đây, Làng mỏ này đã được xây dựng thêm một con đường mới. Dọc hai bên đường, hàng quán mọc lên đáp ứng đủ mọi nhu cầu sinh hoạt cả về vật chất lẫn văn hóa tinh thần cho cư dân. “Thung lũng Mông Dương” vốn đã có núi đồi, có sông suối, những vạt cây xanh, những công trường, nhà máy… Nay những con đường, dòng sông, cùng với một tuyến băng tải dọc suốt chiều dài Mông Dương, vắt ngang uốn lượn kéo than về Trung tâm Nhiệt điện Mông Dương như tô thêm những nét vẽ đẹp cho Mông Dương trở thành một bức tranh thơ mộng hơn.
Không dừng lại ở đó, thợ mỏ đang ngày đêm vẽ thêm nhiều công trình cao đẹp để bức tranh ngày càng hoàn hảo. Mới đây nhất, thợ mỏ Mông Dương đã xây dựng một khu chung cư cao tầng thay cho những dãy nhà thấp đã cũ. Đêm về, khu chung cư bừng sáng ánh điện làm cho lòng người như ấm áp hơn. Sâu vào phía trong vài ki lô mét, thợ mỏ Khe Chàm cũng đã xây dựng những dãy nhà cao tầng nối nhau thay cho những dãy nhà tập thể cấp 4. Cùng với đó là những khu nhà văn hóa, những công viên xanh mát. Cuộc sống của thợ mỏ đã được hiện đại hơn rất nhiều so với trước đây.
Để có được những công trình làm cho đời sống thợ mỏ ngày càng nâng lên, thợ mỏ Mông Dương, Khe Chàm đã cần mẫn đưa lên mặt đất mỗi năm hàng triệu tấn than. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, chỉ vài năm sau, cả hai mỏ Mông Dương và Khe Chàm đã khai thác xuống đến độ sâu âm 300 mét so với mực nước biển. Có đến hàng vạn ki lô mét đường lò ngang dọc đã được thợ mỏ xây dựng ngầm dưới lòng đất. Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi, thậm chí có cả những giọt nước mắt, những giọt máu đã nhỏ xuống trong những đường lò này để duy trì dòng than chảy mãi, cho những công trình cao đẹp trên phố mỏ mọc lên, cho ánh nắng ban mai trong thung lũng Mông Dương như đẹp hơn. Thợ mỏ Mông Dương, Khe Chàm… đang ngày đêm tiếp bước cha anh tiến quân trong các đường lò, để Mông Dương phát triển với một sức sống mạnh mẽ hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/suc-song-mong-duong-201712041432333197.htm” button=”Theo vinacomin”]