Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần có sự thống nhất, tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp. Đó là những khẳng định của nhiều đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chiều 4-8.
Bên cạnh đó, một số ý kiến yêu cầu ghi nhận những đóng góp của Hiến pháp 1992 đã mang lại thành quả cách mạng và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 25 năm đổi mới đất nước của nhân dân ta, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu bảy định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Theo đó, về chế độ chính trị, Hiến pháp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp.
Hiến pháp sửa đổi cũng xác định, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Theo đó, phải làm rõ cách thức sử dụng quyền lực Nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện (cơ quan quyền lực Nhà nước) và cơ chế dân chủ trực tiếp.
Hiến pháp cũng xác định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Về chế độ kinh tế, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cũng xác định các quy định bảo đảm mục tiêu, định hướng chính sách lớn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phối hợp. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Việc sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục khẳng định mục tiêu là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vẫn tiếp tục khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp, xác định rõ hơn phạm vi quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Nhiều ý kiến đại biểu yêu cầu tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải có tính khả thi và ở tầm hiến định để phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Về văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ, một số ý kiến cho rằng, cần sửa đổi theo hướng chỉ quy định những chủ trương, chính sách lớn mang tính định hướng, ổn định lâu dài. Khẳng định phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là phương tiện để phát triển đất nước.
Đánh giá về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là công việc hệ trọng nên phải tiến hành chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý; đồng thời tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan, tổ chức.
Cũng theo tờ trình, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến gồm 27 thành viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch và Phó Chủ tịch ủy ban này.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự kiến trình Quốc hội dự thảo (lần thứ nhất) vào kỳ họp cuối năm 2012, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong khoảng hai tháng (từ tháng 3 đến tháng 4-2013) và tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.
Dự kiến tháng 10-2013, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Hiến pháp.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc-hoat-dong/sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-1992-la-can-cu-yeu-cau-thuc-tien-219.htm” button=”Theo vinacomin”]