Lo ngại rủi ro về môi trường là nguyên nhân lớn nhất khiến tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết muốn dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Thêm vào đó, tính hiệu quả, năng lực tài chính của chủ đầu tư… cũng là những yếu tố khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nên dừng Dự án. Vậy sự thật, các vấn đề ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này đang như thế nào?
Các giải pháp cho vấn đề môi trường ở Sắt Thạch Khê là phù hợp…
… là khẳng định của các chuyên gia trong và ngoài nước đối với đại dự án này.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng – Tổng Giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) – Dự án điều chỉnh đã đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đưa ra các giải pháp xử lý để giảm thiểu tác động đến môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã thành lập Tổ giám sát môi trường có sự tham gia của Sở TN&MT Hà Tĩnh để giám sát đối với các hoạt động của Dự án (với tần suất tối thiểu 02 lần/năm). Kết quả giám sát cho thấy, TIC đã thực hiện công tác bảo vệ môi trường cơ bản tuân thủ quy định. Các vấn đề lo ngại về an toàn, môi trường mà Hà Tĩnh và một số chuyên gia đưa ra hầu hết đã được đề cập, xem xét, đánh giá trong quá trình thẩm định Dự án điều chỉnh, Thiết kế kỹ thuật và Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với vấn đề đổ nước thải mỏ ra biển, theo kết quả phân tích/thí nghiệm thì nước thải trong mỏ Thạch Khê có các thành phần hóa học nằm trong mức cho phép để thải ra môi trường theo quy định. Trong quá trình khai thác không sử dụng hóa chất, nước chỉ bị đục do lẫn đất cát, sau khi qua các hồ môi trường để lắng sẽ đảm bảo thải ra môi trường không làm ô nhiễm (theo kết quả quan trắc môi trường định kỳ của Trung tâm quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh thực hiện trong giai đoạn bóc đất tầng phủ các chỉ tiêu nước thải mỏ sau khi xử lý qua hồ môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn về nước thải công nghiệp). Nước thải mỏ sẽ được tái sử dụng phục vụ tưới tiêu, sản xuất và nước từ các lỗ khoan hạ nước ngầm được cung cấp một phần cho Nhà máy nước Thạch Trị phần còn lại thải ra biển.
Bên cạnh đó, trong thiết kế các công trình xây dựng của mỏ, tính ổn định bờ mỏ và tầng khai thác đã tính với khả năng chịu động đất theo các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Dự án đã điều chỉnh bổ sung bãi thải lấn biển với mục tiêu giảm độ cao và diện tích của các bãi thải trong đất liền, tăng độ ổn định bờ mỏ phía Đông (do giáp với biển), tăng thêm quỹ đất (923 ha lấn biển). Tuyến đê bãi thải lấn biển được thiết kế kiên cố với đỉnh đê cao +6,5 m (cao hơn mực nước dâng cao nhất là 6,2m do bão đến cấp 16 theo dự báo của Bộ TNMT); ngoài ra bãi thải lấn biển thiết kế đổ thải đến +25 m sẽ tạo thành tường chắn khi có hiện tượng nước biển dâng do siêu bão và sóng thần.
Nếu tiếp tục triển khai, Sắt Thạch Khê liệu có hiệu quả?
Với các chuyên gia kinh tế, Sắt Thạch Khê là bánh mỳ cho cả ngành công nghiệp luyện kim đen của Việt Nam. Hiện chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu quặng sắt. Dự kiến từ nay đến 2020, chúng ta cần 15,5-18 triệu tấn. Trong khi quặng sắt manhetit này phải nhập khẩu hết nên không có lý gì chúng ta không khai thác.
Tại thời điểm hiện tại, Dự án hiệu quả hơn thời điểm phê duyệt với thời gian hoàn vốn trong khoảng 9,5 năm, hàng năm nộp ngân sách Dự án trên 1.200 tỷ đồng trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 trên 2.400 tỷ đồng. Tổng thu từ các khoản phí của Dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng, giải quyết cho 3.490 lao động trực tiếp và lợi nhuận đem lại cho nhà đầu tư là 66.391 tỷ đồng, sau thuế đạt 53.024 tỷ đồng. Khi Dự án đi vào sản xuất ổn định sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương đóng góp khoảng 0,3% vào tăng trưởng GDP mỗi năm.
Một điều khiến dư luận băn khoăn về việc dừng hay triển khai tiếp Dự án cũng đã được ông Nguyễn Quốc Hưng lý giải rành rọt. Ông Hưng cho biết, xét trên tổng thể, Dự án được làm rất kỹ lưỡng với hai hội đồng thẩm định cấp quốc gia gồm hàng loạt các Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành của các viện, trường, trung tâm nghiên cứu của các bộ ngành tham gia thẩm định. Ngay tổ kỹ thuật hỗ trợ hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cũng bao gồm những chuyên gia tên tuổi trong ngành. Các Hội đồng thẩm định đã có sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, các hiệp hội và cơ quan nghiên cứu khác nhau. Thậm chí, TIC còn mời thêm tư vấn độc lập của châu Âu thẩm định bên cạnh những báo cáo nghiên cứu của Viện Ghiprodura (Nga). Việc điều chỉnh Dự án (phê duyệt năm 2014), lập thiết kế kỹ thuật thời gian để thực hiện xin ý kiến góp ý, thẩm tra, thẩm định kéo dài tới 5 năm (từ tháng 11/2011 đến tháng 3/2016).
Đặc biệt, các cổ đông của TIC đều có tiềm lực tài chính mạnh. TIC hiện đã cơ cấu lại số cổ đông, từ 9 giảm xuống chỉ còn 5. Tuy nhiên, chỉ có hai đơn vị tiếp tục góp vốn là TKV và Công ty Thăng Long. Các cổ đông như Mitraco, VnSteel, Bitexco không thực hiện nghĩa vụ góp vốn, tổng là 214 tỷ đồng. Do đó, TKV đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 59,5%, Thăng Long nắm 13,45% vốn điều lệ TIC. TKV và Thăng Long đã có cam kết văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị được góp thay vốn của những cổ đông khác.
Về vấn đề huy động vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác, BIDV có văn bản đồng ý chủ trương tài trợ vốn giai đoạn 1 cho Dự án. Ngoài ra, các ngân hàng SHB, ngân hàng Tiên Phong, Mizuho, May Bank đã phối hợp với đơn vị tư vấn huy động vốn BSC làm việc với TIC để nghiên cứu và thẩm định nhằm sớm đạt được thoả thuận tài trợ vốn cho Dự án.
Ngoài việc huy động vốn góp cổ đông và vốn vay thương mại, ông Hưng cho biết, TIC còn sử dụng nguồn vốn từ doanh thu từ việc thu hồi quặng trong giai đoạn xây dựng cơ bản (thu hồi được 4,4 triệu tấn quặng) và huy động nguồn vốn xã hội hoá các khâu như bóc xúc, vận chuyển, khoan nổ mìn… từ các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, có thể huy động vốn từ thị trường vốn trên các sàn giao dịch trong và ngoài nước khi Dự án đi vào hoạt động.
Nếu dừng Dự án?
Một thời gian dài, số phận dự án mỏ sắt Thạch Khê chưa được định đoạt. Tuy nhiên, chủ đầu tư, trực tiếp là các cổ đông đã phải bỏ gần 2.000 tỷ đồng để thực hiện dự án với những công việc như thăm dò, khảo sát, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, nộp ngân sách… Dừng DA sẽ có nguy cơ mất vốn của DN, trong đó chiếm đa số vốn nhà nước. Đây sẽ là tổn thất rất lớn và gây lãng phí cho DN, nhà nước. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
Nếu dừng DA cũng sẽ xảy ra hệ lụy như phá vỡ quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được phê duyệt. Nguồn thu ngân sách bởi các loại thuế thu từ mỏ không còn. Hơn nữa, nhà nước phải bổ sung nguồn để xử lý những tồn tại về an sinh xã hội, đất đai, hoàn thổ, công trình xây dựng dở dang.
Và khi Dự án đang phải dừng lại bởi những kiến nghị, những ý kiến trái chiều thì những người dân địa phương nơi đây đang ngày đêm chịu ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mất cơ hội việc làm cho khoảng 3.500 lao động tại địa phương, đặc biệt là những đối tượng đã bị thu hồi đất phục vụ dự án, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực…
Như vậy, Dự án Khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê hoàn toàn đủ điều kiện để khởi động trở lại cả về khoa học và thực tiễn. Việc tái khởi động Dự án sẽ khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Sắt Thạch Khê, đáp ứng nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao, giá rẻ cho các nhà máy luyện kim trong nước; đồng thời hạn chế lượng tinh quặng nhập khẩu, giảm nhập siêu và tiết kiệm ngoại tệ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/sat-thach-khe-bai-toan-nen-co-loi-giai-201809281526479648.htm” button=”Theo vinacomin”]