Trong những năm qua, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng nhiều công trình bảo vệ môi trường sản xuất trên những địa bàn có đơn vị TKV đứng chân, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mang lại hiệu quả cao. Những năm tới, TKV sẽ tiếp tục đầu tư nhằm đưa sản xuất gắn với bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên.
Đến nay, 100% các mỏ than, kể cả mỏ lộ thiên lẫn mỏ hầm lò và các nhà máy của TKV đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng nguồn vốn mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nước thải tại các mỏ, các nhà máy trước khi thải ra môi trường đều được xử lý, đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn. Tập đoàn cũng đã đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn xã Dương Huy, Cẩm Phả, cho phép xử lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại không những của các đơn vị trong Tập đoàn, mà còn cho tất cả các công ty, xí nghiệp trên địa bàn phía Bắc. Đây là Nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên trên địa bàn các tỉnh phía Bắc được Tập đoàn TKV đầu tư xây dựng…
Một góc Trạm xử lý nước thải Núi Nhện
Không dừng lại ở đó, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án quan trọng, để đạt được mục tiêu đưa sản xuất gắn với “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”. Tập đoàn đang chỉ đạo các Ban, các đơn vị đánh giá kết quả thực hiện công tác môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số địa bàn khác trên các khu vực khai thác khoáng sản, alumin. Qua đó, Tập đoàn sẽ lên phương án huy động vốn trong điều kiện có thể để tiếp tục đầu tư một số công trình bảo vệ môi trường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác.
Hoạt động đáng chú ý là Tập đoàn đang phối hợp tốt với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên (CHLB Đức) nghiên cứu việc trồng, sử dụng các loại cây xanh tại các khu khai thác mỏ trong khuôn khổ Dự án thí điểm “Trồng cây năng lượng trên bãi thải sau khai thác khoáng sản”. Hiện các bên đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: Lập danh sách các bãi thải sau khai thác khoáng sản, thử nghiệm trồng cây có khả năng sản sinh năng lượng sinh học tại các bãi thải sau khai thác khoáng sản, xác định tiềm năng tận dụng và các phương pháp sử dụng sinh học khối, đánh giá tính kinh tế của việc trồng cây năng lượng, dự đoán các tác động do biến đổi khí hậu… Các loại cây năng lượng như keo lai, cỏ VA06, cao lương, sắn, mía đường… được trồng tại 3 khu vực có đặc điểm khác nhau: Bãi thải từ khai thác than tại Quảng Ninh, bãi thải từ khai thác khoáng sản bô xít tại Lâm Đồng, bãi thải từ khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên…
Ngoài ra, về chiều sâu, Tập đoàn cũng tiếp tục nghiên cứu áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong và sau khai thác than, khoáng sản nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường như: Áp dụng đồng bộ công nghệ khai thác, sàng tuyển chế biến và tiêu thụ than, khoáng sản theo hướng hiện đại. Các công đoạn vận tải kể cả vận tải đất đá đều dần được băng tải hóa thay thế cho vận tải bằng ô tô qua các vùng nhạy cảm; công tác đổ thải, hoàn nguyên môi trường được quy hoạch bài bản; các chất thải trong chế biến khoáng sản, sản xuất điện được tiếp tục nghiên cứu tận dụng chuyển hóa thành các sản phẩm phụ. Chẳng hạn như bùn đỏ từ tuyển quặng bauxit được nghiên cứu để sản xuất sắt xốp; xỉ thải nhiệt điện dùng để sản xuất gạch không nung v.v. Các vùng có nhiều đơn vị sản xuất sẽ được từng bước đầu tư các trạm quan trắc môi trường nhằm phát hiện kịp thời những biến động để có giải pháp thích hợp v.v.
Với nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, TKV đang từng bước phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/san-xuat-gan-voi-bao-ve-va-nang-cao-chat-luong-moi-truong-tu-nhien-201805301134578548.htm” button=”Theo vinacomin”]