“Phương châm xuyên suốt của TKV là: Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh, do đó nguồn nhân lực luôn là một trong hai nguồn lực cốt lõi, quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn. Đặc biệt, năm 2017 tới đây và những năm tiếp theo, sản lượng than sản xuất của TKV sẽ tăng cao, trong đó chủ yếu là than hầm lò. Vì vậy, nhu cầu tuyển sinh, đào tạo, tuyển thợ lò vào làm việc và chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn đặt ra những yêu cầu bức thiết” – Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Văn Biên khẳng định.
Chủ động – sáng tạo trong cách làm
Trên thực tế, năm 2016, do ảnh hưởng của thị trường nên Tập đoàn phải giảm sản lượng than khai thác, dẫn đến công tác chuẩn bị nguồn nhân lực nói chung và đào tạo công nhân kỹ thuật nói riêng gặp nhiều khó khăn và chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Dù Tập đoàn đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch nhưng dự kiến cả năm, TKV cũng chỉ tuyển sinh, đào tạo thợ lò đạt hơn 80% theo kế hoạch điều chỉnh (trong đó các công ty tự tuyển chỉ đạt 30% kế hoạch). Chưa kể, việc tuyển sinh, đào tạo thợ một số ngành nghề khác như cơ khí, vận hành thiết bị mỏ lộ thiên cũng rất khó khăn do ít hoặc không có người học nghề. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại Trường Quản trị kinh doanh chỉ đạt hơn 80% kế hoạch…
Chính trong những điều kiện khó khăn như vậy nên nhiều đơn vị đã rất chủ động và có cách làm sáng tạo trong công tác chuẩn bị nguồn nhân lực. Chẳng hạn, Công ty than Cọc Sáu đã chủ động tuyển con em công nhân đưa đi đào tạo các nghề mà đơn vị cần như vận hành máy khoan, sửa chữa cơ máy mỏ từ nguồn kinh phí đào tạo của Công ty. Trường Cao đẳng nghề TKV có nhiều cố gắng phát triển mạng lưới tuyển sinh, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh để tiếp cận các nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp và địa phương. Trường Quản trị kinh doanh tích cực đổi mới hình thức đào tạo, phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài Tập đoàn thực hiện dịch vụ đào tạo theo nhu cầu.
2017 – Nhiều điểm mới trong công tác đào tạo
Có thể thấy, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ than và các loại khoáng sản từ năm 2017 trở đi sẽ có xu hướng tăng trở lại – Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với TKV vì vừa phải nâng cao năng lực sản xuất, vừa phải chuẩn bị đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng. Để phù hợp với tình hình nên năm nay sẽ có nhiều điểm mới trong công tác đào tạo của Tập đoàn.
Tinh thần chỉ đạo chung là các đơn vị trong Tập đoàn (đặc biệt là các đơn vị khối sản xuất than) hơn lúc nào hết phải nâng cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động để rà soát, cân đối, tính toán việc thừa thiếu nhân lực trong đơn vị, từ đó phối hợp với các trường đào tạo, tổ chức các lớp đào tạo mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng nặng hình thức. Việc đẩy mạnh đào tạo công nhân kỹ thuật để đáp ứng nhân lực cho việc tăng sản lượng không chỉ cho nhu cầu trước mắt mà các đơn vị phải tính toán cho cả kế hoạch trung và dài hạn.
Từ năm 2017, cơ chế quản lý chi phí đào tạo công nhân kỹ thuật các nghề mỏ hầm lò có sự thay đổi căn bản. Chi phí đào tạo thợ lò được kết cấu trong đơn giá tổng hợp khai thác than (mục chi phí sản xuất chung) để các đơn vị chủ động đào tạo nhân lực cho đơn vị, thay vì cuối năm Tập đoàn quyết toán theo thực tế số lượng học sinh mà đơn vị ký hợp đồng đào tạo với Trường Cao đẳng nghề TKV. Như vậy, nếu đơn vị quản lý tốt lao động, dẫn đến nhu cầu đào tạo ít hoặc quản lý tốt không để học sinh bỏ học nhiều thì sẽ tiết kiệm chi phí đào tạo; ngược lại nếu thợ lò bỏ việc và học sinh bỏ học nhiều dẫn đến tăng nhu cầu đào tạo thì đơn vị bội chi chi phí đào tạo.
Mặt khác, Phó TGĐ Nguyễn Văn Biên nhấn mạnh: các trường đào tạo của Tập đoàn phải tiếp tục có những giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, từ đào tạo cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung cho đến đào tạo thợ lò, công nhân kỹ thuật để sẵn sàng đáp ứng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, bắt kịp theo sự phát triển của TKV.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/san-sang-nguon-nhan-luc-cho-su-phat-trien-cua-tkv-201701241407256726.htm” button=”Theo vinacomin”]