Việc mất cân đối về cơ cấu lao động, năng suất lao động không tăng… đã và đang đặt ra những “bài toán khó” cho Lãnh đạo TKV. Do đó, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí TKV, đồng chí Trần Văn Cừ – Trưởng Ban Lao động tiền lương (LĐTL) Tập đoàn khẳng định quyết tâm thực hiện có hiệu quả công tác tinh giản, đổi mới cơ cấu lao động để nâng cao hiệu quả SXKD toàn Tập đoàn – đây cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ban LĐTL trong năm 2015.
Đồng chí Trần Văn Cừ (T.V.C): Nguồn nhân lực của TKV đang phải đối mặt với hai vấn đề tồn tại lớn. Thứ nhất là số lượng lao động nhiều nhưng mất cân đối về cơ cấu: thừa lao động quản lý và phục vụ nhưng thiếu lao động trực tiếp sản xuất; thừa lao động ở các mỏ lộ thiên nhưng lại thiếu thợ mỏ hầm lò. Cụ thể hơn, cơ cấu lao động khối than hiện tại là lao động công nghệ chiếm 61,5%, lao động phụ trợ và phục vụ chiếm 26,4%, còn lao động quản lý (trước đây gọi là gián tiếp) là 12,1%. Nếu so với tỷ lệ lao động quản lý mà Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn yêu cầu giảm xuống là 9% thì TKV đang thừa tuyệt đối khoảng 2.830 lao động quản lý. Còn số lao động đang làm việc trong hầm lò là 37.009 người (trong đó thợ đào lò và khai thác có 25.318 người) thì năm 2015 cân đối toàn Tập đoàn thiếu khoảng 1.300 thợ lò.
Thứ hai là năng suất lao động tổng hợp từ năm 2011 đến nay không tăng, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Nguyên nhân là chưa có đột phá về công nghệ khai thác như ở các giai đoạn trước, trong khi tỷ trọng than hầm lò ngày càng tăng và phải xuống sâu hơn, đi xa hơn.
Từ hai vấn đề còn tồn tại đó, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn và TGĐ Đặng Thanh Hải đã chỉ đạo phải quyết liệt tinh giản, đổi mới cơ cấu lao động để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm trong năm 2015.
P.V: Được biết, từ trước đến nay, Tập đoàn vẫn nhắc đến việc dư thừa lao động quản lý, lao động gián tiếp nhưng trên thực tế, việc dư thừa đối tượng lao động công nghệ cũng gây lãng phí rất lớn. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn?
Đồng chí T.V.C: Đúng vậy, trước đây ta chỉ nói đến việc dư thừa lao động quản lý, lao động phục vụ chứ ít khi nói đến dư thừa lao động công nghệ. Thực tế hiện nay, do tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý đã thay đổi, công nghệ và thiết bị hiện đại hơn so với trước nhưng lại chưa thay đổi được hệ thống định mức, định biên lao động cho phù hợp cũng như chưa quy định lại một số quy trình, quy phạm cho phù hợp với thực tiễn nên vẫn phải bố trí số lượng lao động định biên như cũ, dẫn đến dư thừa không cần thiết, gây lãng phí lao động, làm giảm năng suất lao động.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng lại hệ thống định mức, định biên lao động mà Tập đoàn đã ban hành từ năm 2004, phấn đấu đến tháng 6/2015 sẽ hoàn thành để làm cơ sở tính toán lại lao động công nghệ định mức cho các đơn vị từ năm kế hoạch 2016 trở đi. Đồng thời Tập đoàn sẽ rà soát, xem lại những quy trình, quy phạm nào đã lạc hậu, bất hợp lý dẫn đến phải sử dụng lao động nhiều hơn cần thiết thì đề xuất với các cơ quan quản lý để điều chỉnh lại. Kể cả một số quy định riêng của Tập đoàn nếu không còn phù hợp cũng sẽ phải xem xét lại như việc bố trí lực lượng giám sát viên an toàn hầm lò hiện nay… Với những giải pháp như vậy, tôi tin chắc sẽ tiết giảm được đáng kể số lượng lao động công nghệ và phụ trợ công nghệ không cần thiết.
P.V: Tại Cơ quan điều hành Tập đoàn hiện nay đã và đang áp dụng nguyên tắc “tăng 1 giảm 2” – thể hiện sự quyết liệt của Lãnh đạo TKV trong việc giải quyết vấn đề lao động. Vậy quan điểm của đồng chí khi áp dụng nguyên tắc này ở các đơn vị thành viên của Tập đoàn?
Đồng chí T.V.C: Đối với các ban tham mưu của Cơ quan điều hành Tập đoàn, hiện nay cứ 2 người nghỉ hưu hay chuyển công tác thì mới được bổ sung 1 người và từ đầu năm 2014 cũng đã khoán định biên và quỹ lương cho các ban. Ngay như Ban LĐTL, từ năm 2012 đến nay đã giảm 3 người nhưng không bổ sung nhân sự thay thế.
Cơ quan Tập đoàn đã quyết liệt như thế thì không lý gì các đơn vị thành viên lại không quyết liệt. Tôi được biết, nhiều đơn vị đã rất tích cực tiết giảm lao động quản lý theo chỉ đạo của Tập đoàn, song cũng có một số đơn vị chưa thực sự chuyển biến. Trong đó có nguyên nhân là sự thiếu quyết liệt, ngại va chạm của lãnh đạo đơn vị. Có một số đồng chí lãnh đạo vẫn có quan điểm là “người lao động có lỗi gì đâu mà giảm biên chế họ” trong khi bản thân đơn vị đó đang cổ phần hóa, bị giảm sản lượng hoặc chuyển đổi từ lộ thiên sang hầm lò nên rất cần phải tiết giảm lao động. Hay có một số đồng chí thì cho rằng vì đơn vị mình là doanh nghiệp Nhà nước nên không thể giảm lao động như doanh nghiệp tư nhân được.
Tôi cho rằng để giải quyết “bài toán khó” này thì trước hết tư tưởng của lãnh đạo phải thông suốt, phải xử lý hài hòa quyền lợi giữa chủ sở hữu và người lao động, chứ không chỉ nghiêng hẳn về một bên nào và đặc biệt là cần làm tốt công tác tư tưởng đối với người lao động.
P.V: Năm 2015, Ban LĐTL đang triển khai những giải pháp gì để thực hiện giảm lao động quản lý từ 12% xuống còn 9% theo đúng Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn?
Đồng chí T.V.C: Việc đầu tiên, Tập đoàn sẽ xác định tỷ trọng lao động quản lý cho từng công ty, phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị chứ không cứng nhắc là tất cả đều phải giảm về 9% như nhau. Ví dụ, tỷ lệ lao động quản lý của hầm lò sẽ khác lộ thiên, sàng tuyển, khoáng sản và cơ khí. Hoặc trong cùng loại hình hầm lò thì đơn vị diện sản xuất phân tán như Hạ Long, Hòn Gai sẽ khác với đơn vị có diện sản xuất tập trung như Mông Dương chẳng hạn. Hay cùng là lộ thiên nhưng đơn vị thuê ngoài nhiều như Núi Béo, Tây Nam Đá Mài thì tỷ lệ lao động quản lý cũng sẽ phải cao hơn đơn vị không thuê ngoài. Nhưng ở bình diện toàn Tập đoàn thì phải đưa về tỷ lệ 9%. Sau khi đã xác định được tỷ trọng thì TGĐ Tập đoàn sẽ giao nhiệm vụ tiết giảm lao động quản lý cho từng đơn vị với số lượng và thời gian cụ thể chứ không phải là theo lộ trình mỗi năm giảm một ít như cách làm hiện nay. Cuối năm sẽ kiểm điểm, đánh giá để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Giám đốc đơn vị.
Đối với các đơn vị thành viên, trên cơ sở số lượng lao động cần tiết giảm mà Tập đoàn đã giao chỉ tiêu, đơn vị phải lập phương án xử lý lao động dôi dư và thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Điều quan trọng là người đứng đầu doanh nghiệp cần quyết tâm thực hiện, không ngại va chạm, vì Bộ luật Lao động 2012 đã cho phép trong trường hợp thay đổi cơ cấu, thay đổi công nghệ hoặc vì lý do kinh tế thì chủ doanh nghiệp được quyền lập phương án tinh giản lao động và xử lý theo quy định. Nếu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì không có gì e ngại cả.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/quyet-tam-tinh-gian-doi-moi-co-cau-lao-dong-9836.htm” button=”Theo vinacomin”]