Đó là một trong những chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải trong Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo chống bằng giàn mềm ZRY tại các mỏ hầm lò thuộc TKV.
Hiệu quả & nhiều ưu điểm vượt trội
Theo báo cáo đánh giá kết quả áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo chống giữ bằng giàn mềm ZRY tại các mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn của đại diện Viện Khoa học Công nghệ Mỏ (KHCN Mỏ), từ năm 2015 đến nay, sau khi Tập đoàn chỉ đạo Công ty than Hồng Thái phối hợp với Viện áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác cột dài theo phương, gương lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm ZRY cho điều kiện vỉa dốc – một công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc, thì Công ty than Uông Bí và Công ty CP than Mông Dương cũng đã đầu tư một lò chợ chống giữ bằng công nghệ này vào hoạt động.
Qua một thời gian áp dụng tại các công ty trên, kết quả tổng hợp lại cho thấy, công nghệ sử dụng giàn mềm ZRY được áp dụng khá thành công, có nhiều ưu điểm vượt trội về mặt kỹ thuật, an toàn so với các công nghệ khai thác vỉa dốc khác trong cùng điều kiện. Về các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật, công nghệ mang lại công suất và năng suất lao động tương đối cao, tổn thất than và chi phí mét lò chuẩn bị thấp, chi phí gỗ thấp. Về công tác an toàn, đây là công nghệ có quy trình công nghệ khai thác đơn giản, dễ nắm bắt, lò chợ được thông gió theo mạng gió chung nên điều kiện làm việc của công nhân trong lò chợ được cải thiện. Thiết bị của lò chợ không nhiều, cấu tạo đơn giản, do đó các sự cố gặp trong quá trình sản xuất đều được khắc phục nhanh chóng, đảm bảo công tác khai thác ổn định và liên tục.
Bên cạnh đó, theo kết quả đánh giá tổng hợp trữ lượng vỉa dốc trong các dự án mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn cho thấy, trữ lượng có khả năng áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, sử dụng giàn chống mềm ZRY khoảng 34,75 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các mỏ Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Dương Huy, Quang Hanh, Hạ Long…, trong đó có khoảng 6,48 triệu tấn đã và đang được lập nghiên cứu khả thi áp dụng công nghệ này trình Tập đoàn. Như vậy, tiềm năng áp dụng công nghệ này tại các mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn là tương đối lớn.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Sau quá trình áp dụng thành công công nghệ sử dụng giàn mềm ZRY tại một số đơn vị, những kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết. Về bản chất, công nghệ này hạn chế về số lượng khay khấu đồng thời nhưng tại Công ty than Hồng Thái, đơn vị đã thử nghiệm nâng số lượng khay khấu đồng thời lên 2- 3 vị trí để tăng tốc độ khấu gương và sản lượng lò chợ. Kết quả cho thấy thử nghiệm này là hợp lý, số lượng khay khấu đồng thời chỉ nên hạn chế từ 1 – 3 khay để tránh nguy cơ áp lực mỏ tác động lên các đoạn giàn mềm ở vị trí tiếp giáp giữa các khay khấu gây đứt xích, chốt liên kết giữa các giá chống. Cũng do hạn chế về số lượng khay khấu đồng thời nên lò chợ khó tăng sản lượng bằng cách nâng cao chiều dài lò chợ, thực tế tại Công ty than Uông Bí đã thử nghiệm kéo dài lò chợ từ 100 lên 150m bằng cách đào thêm các lò thượng vận tải than có điểm bục vào đoạn giữa lò chợ để tạo thuận lợi cho công tác vận tải và đi lại. Kết quả là giúp giảm tỷ lệ thời gian thực hiện các công việc thu hồi giàn chống ở chân lò chợ và lắp đặt giàn chống ở đầu lò chợ từ đó cho phép tăng sản lượng, năng suất lao động. Và tại Công ty than Mông Dương đang đầu tư bộ giàn chống mở rộng ZRY16/34L cho phép khai thác vỉa than có chiều dày lớn hơn miền làm việc của giàn chống cơ sở.
Ngoài ra, những kinh nghiệm về công tác phá hỏa cần duy trì bắn chất tải khi lắp giàn giúp tạo ra lớp đệm trên nóc giàn để bảo vệ được lò chợ khi đá vách sập đổ lớn; hay cách xử lý khi nước chảy vào lò chợ nhỏ thì cần tiến hành đào các hố thu nước vào nền lò chợ sau đó đặt đường ống nước để thoát nước xuống dưới mức vận tải… thực sự hữu ích cho các đơn vị khác áp dụng khi sử dụng công nghệ này tại đơn vị mình.
Chế tạo giàn mềm ZRY trong nước: phương án khả thi
Để chủ động về nguồn cung cấp thiết bị, tăng cường khả năng nội địa hóa và nâng cao năng lực của ngành cơ khí mỏ, Tập đoàn đã giao Viện KHCN Mỏ thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo giàn chống mềm có cơ cấu thủy lực trong điều kiện khai thác các vỉa than mỏng đến dày trung bình, góc dốc trên 450”. Viện đã phối hợp với Công ty CP Cơ khí Mạo Khê và Công ty CP Công nghiệp ô tô chế tạo thành công 06 bộ giàn mềm GM20/30, có đặc tính tương đương với sản phẩm của Trung Quốc với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 95%. Sau đó, Viện đã phối hợp với Công ty than Hồng Thái đưa 06 bộ giàn mềm GM20/30 vào thử nghiệm và kết quả cho thấy là các kết cấu cơ khí, hệ thống thủy lực của giàn chống chắc chắn, hoạt động ổn định. Ngoài ra, Công ty CP Cơ khí Chế tạo MANTECH cũng chế tạo thành công 09 bộ giàn mềm mã hiệu GCM 20/30M và đã sử dụng thử nghiệm thành công tại Công ty than Uông Bí.
Điều đó cho thấy giàn mềm chế tạo trong nước đảm bảo độ tin cậy với các thông số tương đương sản phẩm nhập ngoại, đồng thời khẳng định năng lực cơ khí trong nước hoàn toàn có thể chế tạo và chủ động trong việc cung cấp giàn chống mềm có cơ cấu thủy lực với quy mô lớn cho các mỏ hầm lò trong TKV.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/quyet-liet-trien-khai-cong-nghe-khai-thac-lo-cho-xien-cheo-chong-bang-gian-mem-zry-201709011140267652.htm” button=”Theo vinacomin”]