Tỉnh Quảng Ninh là địa bàn chiến lược trong sản xuất kinh doanh của TKV với tổng số CBCNV và gia đình ngành Than chiếm 1/3 dân số Tỉnh. Nhiều năm gần đây, khai thác than đóng góp tới 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Bởi vậy, mọi bài toán về mô hình phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh tất yếu phải tính đến sự phát triển của ngành Than và ngược lại, tạo nên sự gắn kết không thể tách rời. Với phương châm “Phát triển sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, hài hòa với
Trong công tác bảo vệ môi trường, từ những cam kết mạnh mẽ với tỉnh Quảng Ninh và những khoản chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của Tập đoàn đã được hiện thực hoá bằng nhiều hạng mục công trình cụ thể. Từ cuối năm 2010, Tập đoàn đã ký quy chế phối hợp chung với UBND tỉnh Quảng Ninh, trong đó có nhiều nội dung “nóng” được cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường. Đến nay, Tập đoàn đã và đang tiếp tục triển khai các cam kết thực hiện theo đúng lộ trình, mặc dù chi phí cho việc thực hiện các cam kết rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Nhiều dự án làm thay đổi cả về công nghệ khai thác, vận chuyển than, đất đá v.v. đã được cam kết và triển khai thực hiện như: Vận chuyển than hoàn toàn trên các tuyến đường chuyên dụng, chấm dứt vận chuyển than bằng ô tô trên đường quốc lộ; đảm bảo 100% các mỏ than, nhà máy có hệ thống xử lý nước thải; chấm dứt khai thác lộ thiên vùng Hạ Long; Di chuyển Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng ra xa trung tâm thành phố v.v.
Và cho đến nay, hầu hết các cam kết trên đã cơ bản được thực hiện theo đúng lộ trình. Tuyến đường chuyên dụng Bắc Cọc Sáu – Khe Dây đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tuyến đường Vàng Danh – Điền Công đã chuyển sang vận chuyển hoàn toàn bằng đường sắt. 100% các mỏ đã được xây dựng các trạm xử lý nước thải và đang tiếp tục được mở rộng. Tập đoàn cũng đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại Cẩm Phả. Đây là nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên của cả nước tại khu vực phía Bắc. Các dự án khai thác hầm lò Núi Béo, Hà Lầm… đã dần đi vào hoạt động thay thế cho các mỏ lộ thiên. Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng cũng đã và đang có kế hoạch tìm vị trí để triển khai di dời. Đây là dự án sẽ tốn kém chi phí đầu tư vì phải xây dựng lại cả một nhà máy. Tuy nhiên, để đảm bảo nhường địa điểm cho việc xây dựng thành phố, Tập đoàn đã chỉ đạo đơn vị bằng nhiều giải pháp thực hiện. Đặc biệt mới đây nhất, tuyến đường sắt từ km 6 đến Cẩm Thịnh cũng đã được dỡ bỏ nhường chỗ cho việc mở rộng tuyến đường giao thông tại thành phố Cẩm Phả…
Nhìn lại trong suốt một chặng đường dài, cho thấy, Tập đoàn đã luôn chủ động quy hoạch, sắp xếp lại các công trình sản xuất, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để di dời khỏi trung tâm các đô thị, khu đông dân cư các nhà máy cơ khí như Cơ khí Hòn Gai, Cơ khí Cẩm Phả, Nhà máy Tuyển than Hòn Gai, di dời các kho than, bến cảng tại thành phố Hạ Long, các tuyến đường sắt Hà Lầm – Hòn Gai, Cột 8 – Hòn Gai v.v. tạo điều kiện để mở rộng và phát triển các đô thị, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan các đô thị và khu đông dân cư. Trong đó, đáng nói là việc di dời Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả để xây dựng Quảng trường 12-11 tại trung tâm Cẩm Phả. Với các tuyến đường chuyên dụng được xây dựng, từ năm 2008, Tập đoàn đã chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ. Thậm chí, để đảm bảo an ninh trật tự, từ năm 2013, Tập đoàn chỉ thị các đơn vị chỉ vận chuyển than ra cảng bằng ô tô vào ban ngày. Tập đoàn cũng đã đầu tư được 6 tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng và đến các nhà máy điện, trong đó có 1 tuyến băng tải ống tại Mạo Khê. Đây là tuyến băng tải công nghệ cao, điển hình trong công tác bảo vệ môi trường vì than được vận chuyển trong một đường ống kín. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc TKV đã cải tạo phục hồi môi trường trên 800 ha bãi thải, khai trường đã kết thúc khai thác; đầu tư các hệ thống phun sương dập bụi, kiên cố hóa nền bãi các khu vực sàng tuyển, kho bãi; xây dựng trạm rửa xe ô tô, toa xe… nhằm hạn chế phát sinh bụi, ồn, khí thải, góp phần cải thiện môi trường…
Đến sự phối hợp nhịp nhàng
Trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên, Tập đoàn và tỉnh Quảng Ninh cũng đã ký kế hoạch phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trên địa bàn và đưa ra nhiều giải pháp toàn diện nhất. Các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã ký nhiều văn bản phối hợp với chính quyền cơ sở, các lực lượng công an, biên phòng, hải quan… trong việc tuần tra, kiểm soát từ khâu bảo vệ ranh giới mỏ đến các khâu khai thác, chế biến, vận chuyển than trên địa bàn. Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương phối hợp với Tập đoàn thường xuyên tuần tra, kiểm soát và mở các đợt cao điểm đồng loạt ra quân kiểm tra an ninh trật tự trên khai trường. Ngoài ra, Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động trong công tác kiện toàn lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên than. Theo đó, các đơn vị sản xuất than vùng Quảng Ninh có đến trên 3.500 bảo vệ chuyên trách, trong đó lực lượng trực tiếp bảo vệ trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than khoảng 2.600 người. Hàng năm, lực lượng này đều được bổ sung, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ, được trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện tuần tra, kiểm soát trong việc phối hợp với tỉnh làm nhiệm vụ…
…Và luôn biết “nhường cơm sẻ áo”
Những năm qua, TKV luôn coi việc phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Ninh – địa bàn chiến lược của Tập đoàn. Trong các hoạt động phong trào an sinh xã hội thường niên, Tập đoàn tham gia đầy đủ, tích cực với mức đóng góp mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đóng góp cho những công trình trọng điểm hay những hoạt động an sinh xã hội đột xuất hoặc những hoạt động không tính được bằng tiền… Mặc dù đã có nhiều đóng góp lớn, song không dừng lại ở đó, Tập đoàn còn vận động và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể của Tập đoàn và các đơn vị quyên góp ủng hộ, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn với giá trị hàng năm cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng đóng góp của Tập đoàn đối với Tỉnh đã nổi lên một số hoạt động an sinh xã hội tiêu biểu như: Đóng góp trên 150 tỷ đồng cho Chương trình “Chung tay thắp sáng vùng biển đảo Cô Tô” do Quảng Ninh phát động; Tập đoàn trợ cấp lương định kỳ hàng tháng cho 60 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; ủng hộ thiết bị cho Bệnh viện Lao & Phổi tỉnh Quảng Ninh, máy chạy thận nhân tạo, máy X quang kỹ thuật số cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển với số tiền gần 20 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường giao thông Uông Bí – Cầu Sông Chanh, đường giao thông từ bến phà Tài Xá – Vân Đồn với số tiền trên 200 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí và tổ chức xây dựng trường Mầm non, Tiểu học trên nhiều địa bàn như Mông Dương (Cẩm Phả), Yên Thọ (Quảng Ninh), Ba Chẽ, Bình Liêu…; ủng hộ đội bóng đá Than Quảng Ninh và giúp đỡ nhiều tổ chức xã hội chính trị xây dựng các quỹ từ thiện với giá trị hàng trăm tỷ đồng v.v.
Đặc biệt, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung hỗ trợ các địa phương của Tỉnh Quảng Ninh trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Điển hình là các hoạt động hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn như: Ủng hộ các địa phương, đơn vị trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong chương trình làm đường nông thôn, công trình chỉnh trang đô thị, công trình văn hóa, y tế, giáo dục, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo, hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm điện, trang bị bàn ghế, sách vở cho học sinh nghèo, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại các huyện nghèo Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Cô Tô, Đông Triều, Hoành Bồ… tổng giá trị trên 120 tỷ đồng. Các hoạt động này được lãnh đạo địa phương và bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn ghi nhận và đánh giá cao…
Lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động trong Tập đoàn luôn hiểu sâu sắc và nhận thức rõ ràng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội và phát triển cộng đồng. Do vậy, mặc dù Tập đoàn cũng còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua như khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, giá thành cao, thời tiết diễn biến bất lợi… nhưng Tập đoàn vẫn luôn thực hiện phương châm biết “Nhường cơm, sẻ áo”, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống…
Phó TGĐ Tập đoàn, Giám đốc Trung tâm Điều hành sản xuất than tại Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Cơ:
Trong sản xuất than vùng Quảng Ninh, công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên ranh giới mỏ luôn là vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, được sự phối hợp hiệu quả của chính quyền địa phương cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn và các đơn vị, nên những năm qua, về cơ bản Tập đoàn đã kiểm soát được tình hình. Công tác khai thác, tiêu thụ than đã được lập lại trật tự, không để xảy ra những vụ việc lớn. Hầu hết những vấn đề đã cam kết với Tỉnh trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, trật tự SXKD, an sinh xã hội… đều được Tập đoàn triển khai thực hiện quyết liệt, đúng tiến độ và hiệu quả.
Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Nguyễn Mạnh Điệp:
Để thực hiện được những hạng mục bảo vệ môi trường với kinh phí không nhỏ, Tập đoàn đã thành lập Quỹ Môi trường tập trung bằng 1,0% – 1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,3% – 0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên. Để có lực lượng chuyên nghiệp làm nòng cốt thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, Tập đoàn đã thành lập các đơn vị chuyên ngành làm công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác môi trường, hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu ứng dụng công nghệ về môi trường…tôi cho đó là những nỗ lực rất lớn của TKV.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/quang-ninh-tkv-su-gan-ket-khong-tach-roi-201512111431012016.htm” button=”Theo vinacomin”]