Lời tòa soạn:
Năm 2024 chứng kiến nhiều đám cưới đặc biệt, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, từ chuyện thực đơn trên bàn tiệc, cách trang trí cổng cưới, hôn trường độc đáo cho tới số quà tặng cho cô dâu chú rể có giá trị nhiều tỷ đồng.
Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng độc giả tuyến bài “Chuyện mùa cưới 2024” với loạt bài viết về những đám cưới gây ấn tượng đặc biệt đối với người xem, được chia sẻ và lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội trong năm 2024.
Phong tục đám cưới mỗi nơi lại có những nét riêng độc đáo. Đôi khi, tục lệ quen thuộc với nơi này lại trở nên lạ lẫm với người dân nơi khác.
Mới đây, cộng đồng mạng được phen tò mò khi xem video đám cưới của một cặp đôi ở Vĩnh Phúc.
Cô dâu ngơ ngác nhìn bà con trong làng kéo đến đặt tiền vào mâm. Ảnh cắt từ clip: Đăng Kiên
Cụ thể, giữa đám cưới, khách mời lần lượt đặt tiền vào một chiếc mâm. Những tờ tiền có mệnh giá khác nhau được đặt trực tiếp chứ không bỏ vào phong bì như thường lệ.
Cô dâu ngồi nhìn hành động này với vẻ mặt ngơ khác, dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Video thu hút 4,7 triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày đăng tải. Cũng như cô dâu, nhiều người xem video không hiểu ý nghĩa phía sau hành động đặc biệt này.
Tài khoản Minh Hằng thắc mắc: “Tại sao họ không bỏ tiền vào phong bì rồi ghi tên cẩn thận để sau này gia đình còn biết mà trả lại?”.
Tài khoản Thúy Nguyễn bình luận: “Tiền mừng thì bỏ phong bì, viết tên rồi đút vào thùng mừng cưới cho lịch sự, còn vàng cưới mới trao tận tay chứ nhỉ? Tôi gần 40 tuổi rồi vẫn không hiểu phong tục này”.
Tài khoản Minh Quân viết: “Nhìn vẻ mặt ngơ ngác là biết cô dâu không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Và tôi cũng y như vậy”.
Khoảnh khắc mọi người trao tiền mừng dâu cho Thanh Vân. Ảnh: NVCC
Theo tìm hiểu, cô dâu trong clip là Trần Thị Thanh Vân (SN 2003, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhà chồng Thanh Vân ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đám cưới diễn ra vào ngày 24/11 vừa qua.
Thanh Vân cho hay, số tiền mọi người đặt trên chiếc mâm được gọi là “tiền mừng dâu” do họ hàng, làng xóm bên nhà trai trao tặng. Đây là món quà đặc biệt dành riêng cho cô dâu, do cô dâu nắm giữ.
Trước đó, trong ngày dạm ngõ, Thanh Vân đã được nhà chồng thông báo về phong tục này. Tuy nhiên, cô không ngờ, ngoài anh em bên chồng, rất đông bà con trong làng đã tặng quà cho cô.
“Đây được xem là hình thức nhận dâu làng. Sau khi thắp hương gia tiên, mẹ chồng mình và các bác đặt tiền vào mâm bảo ‘cho dâu tiền mua nón’. Sau đó, phụ nữ trong làng lần lượt bỏ tiền vào đó.
Mình đã biết trước việc này nhưng vẫn bất ngờ vì quá đông người đến tặng”, Vân kể.
Thanh Vân hạnh phúc vì có một đám cưới đáng nhớ. Ảnh: NVCC
Thanh Vân cho biết thêm, sau khi thủ tục tặng tiền mừng dâu kết thúc, đại diện nhà trai, nhà gái đã đứng ra kiểm kê số tiền và trao tận tay cô dâu.
“Phong bì mừng cưới là khoản riêng do bố mẹ chồng mình giữ, số tiền này là quà dành cho mình. Sau này trong làng có dâu mới, mình cũng sẽ đến tặng lại”, Vân chia sẻ.
Thanh Vân thấy phong tục cưới xin ở quê chồng rất độc đáo. Cô vui khi nhận được món quà cưới đặc biệt và ý nghĩa.
Vợ chồng Thanh Vân quen nhau khi làm chung công ty. Họ có 1 năm tìm hiểu trước khi về chung một nhà.
Thanh Vân hạnh phúc khi có một đám cưới trọn vẹn, đáng nhớ với tình yêu thương và sự chúc phúc chân thành của mọi người.
Ảnh: NVCC
Anh trai ở Bình Phước dùng 50 chiếc lu, ngô, lúa trang trí đám cưới cho em gáiTận dụng tất cả mọi thứ có trong vườn nhà, người anh trai đã tạo ra không gian cưới “có một không ai” cho em gái.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/phong-tuc-la-o-vinh-phuc-khien-co-dau-ngo-ngac-giua-dam-cuoi-2345823.html