Lợi ích từ phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các đơn vị là rất lớn nếu các đơn vị biết “gõ đúng chỗ”. Đó là một thực tế, nhưng không phải đơn vị nào cũng làm được. Thậm chí có nơi còn để phong trào “chìm” vì thiếu sự khuyến khích kịp thời.
Các đơn vị sẽ được hưởng 100% giá trị làm lợi từ sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong 2 năm đầu (Ảnh minh họa)
Không nên xem nhẹ phong trào sáng kiến
Một cán bộ làm cơ điện trưởng của công trường khai thác than hầm lò, xin phép được giấu tên tâm sự, anh không có thời gian để viết sáng kiến và cũng không muốn viết vì mức thưởng thấp, mặc dù trong công việc các anh có khá nhiều sáng tạo làm lợi có thể được coi là những sáng kiến. Đó là chưa kể, khi viết sáng kiến, các anh còn phải mất thời gian giải trình. Đây là điều có thể diễn ra ở không ít đơn vị. Nó thực sự đã làm cho phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật bị “chìm”. Cũng từ đó, những sáng tạo trong sản xuất không được nhân rộng trong các công trường, phân xưởng, đơn vị của cùng một công ty, chứ chưa nói đến nhân rộng ra toàn Tập đoàn.
Trao đổi với một cán bộ kỹ thuật phụ trách công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật đơn vị khai thác than hầm lò, cũng được biết, công việc của anh hàng ngày là đến các công trường, phân xưởng xem xét những hoạt động sáng tạo trong sản xuất và vận động công nhân, cán bộ viết sáng kiến khi họ có ý tưởng hoặc đã áp dụng ở đơn vị. Anh cho biết, đa phần công nhân, cán bộ thường ngại viết. Khi đó, anh trao đổi cụ thể các ý tưởng và viết hộ tác giả để đề nghị Công ty xem xét khen thưởng. Theo anh, thường các mức thưởng chưa đủ để tạo động lực khuyến khích công nhân, cán bộ và người lao động có sáng tạo và hào hứng viết lên ý tưởng của mình.
Khắc phục tình trạng trên, nhằm khuyến khích công nhân, cán bộ và người lao động các đơn vị phát huy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, Tập đoàn đã có cơ chế ưu đãi cho các đơn vị được hưởng 100% lợi ích từ các đề tài, sáng kiến trong 2 năm đầu. Theo đó, tất cả các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất mang lại giá trị làm lợi, đơn vị đều được hưởng 100%. Tập đoàn vẫn tính các đơn giá tiền lương công đoạn theo công nghệ cũ, trước khi đơn vị áp dụng cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Tập đoàn chỉ điều chỉnh đơn giá công đoạn sản xuất sau 2 năm áp dụng đồng thời đã mở rộng áp dụng rộng rãi tại các đơn vị có cùng điều kiện. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật không mang lại giá trị làm lợi bằng tiền như hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, hợp lý hóa trong điều hành, đảm bảo an toàn bảo hộ lao động v.v. sẽ được Tập đoàn xem xét khen thưởng, động viên phong trào. Như vậy, đơn vị sẽ có điều kiện được trích một phần lợi ích do các đề tài sáng kiến mang lại cho các tác giả, khuyến khích phong trào sáng tạo trong công nhân viên chức và người lao động. Ngoài ra, cũng nhằm khuyến khích các đơn vị tăng cường áp dụng các công nghệ mới có nhiều ưu điểm, Tập đoàn cũng điều chỉnh tăng đơn giá tiền lương công đoạn cho các công nghệ cụ thể. Chẳng hạn như, để khuyến khích các đơn vị áp dụng chống lò bằng vì neo các loại, Tập đoàn áp dụng cơ chế khuyến khích tăng thêm 5% đơn giá tiền lương so với các loại hình chống lò khác trong đào lò tương tự. Một số công nghệ mới về tự động hóa, tin học hóa… cũng sẽ được áp dụng các mức khuyến khích cụ thể…
Với cơ chế ưu đãi trên, các đơn vị cần vận dụng cụ thể ở đơn vị để có mức thưởng cho các đề tài sáng kiến cao hơn, tạo ra động lực để phát huy phong trào sáng kiến trong công nhân, cán bộ và người lao động. Bởi trên thực tế, nếu phong trào phát huy sáng tạo ở các đơn vị thực sự có tác động tốt đến người lao động và trở thành phong trào sôi nổi thì lợi ích trong sản xuất kinh doanh sẽ là cấp số nhân.
Khen thưởng cần đồng bộ sát thực hơn
Mở rộng ra một số lĩnh vực thi đua khen thưởng khác cũng vậy, các phong trào thi đua trong sản xuất kinh doanh rất cần có một động lực thiết thực, đó là khen phải có thưởng, và thưởng phải xứng đáng. Trong những năm qua, các phong trào thi đua đã có tác động tích cực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ chính trị của các đơn vị và Tập đoàn. Cùng với các phong trào thi đua yêu nước, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ. Nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, động viên các tập thể, người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD.
Tuy nhiên, công tác thi đua khen thưởng vẫn cần có những đổi mới phù hợp hơn. Trong giai đoạn hiện nay, công tác thi đua khen thưởng phải bám sát sản xuất và tình hình thực tế, cần cụ thể, sát thực, gắn với mỗi sản phẩm, dịch vụ, để tạo ra phong trào thi đua sâu rộng, động viên CNVCLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung… Đặc biệt, công tác thi đua khen thưởng cần có sự gắn kết, đồng bộ giữa các tổ chức Đảng với chuyên môn và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Bởi xét cho cùng, mọi cá nhân, tổ chức đều nằm chung trong hệ thống chính trị của Tập đoàn. Trước tình hình đó, mới đây, Hội đồng Thi đua khen thưởng Tập đoàn đã có chỉ đạo các đơn vị, tổ chức xây dựng các mục tiêu công tác thi đua khen thưởng trong Tập đoàn thời gian tới theo hướng đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ hơn. Công tác Thi đua khen thưởng trong toàn Tập đoàn các công ty than, khoáng sản Việt Nam sẽ được đồng bộ hóa giữa các đơn vị, các khối nghiệp vụ, giữa các tổ chức đoàn thể chính trị, đoàn thể với nhau trong Tập đoàn theo mục tiêu: “Toàn bộ – Toàn diện – Toàn thể”. Như vậy, với tiêu chí này, tất cả các tổ chức, đơn vị, cá nhân… trong Tập đoàn không phân biệt các khối sản xuất, các khối nghiệp vụ, các đơn vị, các tổ chức chính trị đoàn thể v.v. mà đều có cùng chung một mục tiêu thi đua và vì sự phát triển chung của Tập đoàn. Do vậy, việc khen thưởng mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị cũng vì thế mà tập trung hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/phong-trao-sang-kien-phat-dong-1-duoc-10-201809281453111777.htm” button=”Theo vinacomin”]