Nhân dịp kỷ niêm 40 năm ngày thành lập Trung tâm Cấp cứu mỏ – Vinacomin, Tạp chí TKV đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Bạch Đằng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm về những nét chính trong hoạt động của Trung tâm trong những năm qua. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.
PV: Trước hết, xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí TKV. Ông có thể cho biết yêu cầu và bối cảnh thời điểm mới thành lập Trung tâm Cấp cứu mỏ như thế nào?
Kỹ sư Hoàng Bạch Đằng trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn về giải pháp cứu hộ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng năm 2014
Ông Hoàng Bạch Đằng (H.B.Đ): Khi tiếp quản khu mỏ, ngành Than đã có nhiều mỏ lớn khai thác cả lộ thiên và hầm lò. Ngoài ra, các mỏ hầm lò cũng đều có thêm công trường lộ thiên khai thác các lộ vỉa để bổ sung cho sản lượng than hầm lò. Với điều kiện về trình độ kỹ thuật khai thác còn lạc hậu và diện sản xuất trải dài nên trong sản xuất cũng đã xảy ra một số vụ sự cố, tai nạn.
Trước yêu cầu cần thiết và cấp bách phải có một lực lượng cấp cứu mỏ nhằm giải quyết nhanh, hiệu quả các sự cố trong sản xuất nhất là trong khai thác than hầm lò, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, ngành Than đã xây dựng và trình đề án thành lập lực lượng cấp cứu mỏ chuyên nghiệp lên Bộ Mỏ và Than. Đến ngày 30/10/1978, Đội Cấp cứu mỏ Công ty than Hòn Gai được thành lập. Đây chính là đơn vị tiền thân của Trung tâm Cấp cứu mỏ – Vinacomin ngày nay. Mới thành lập, Đội chỉ có trên 50 đội viên. Việc hướng dẫn sử dụng các thiết bị chuyên ngành về cứu hộ mỏ và nghiên cứu về Điều lệ tổ chức và hoạt động của lực lượng cấp cứu mỏ là do một thầy giáo người Nga tên là Ivan Ivanovich Godetsky cùng các cộng sự giúp đỡ.
PV: Vậy hoạt động của Đội khi đó như thế nào, thưa Ông?
Ông H.B.Đ: Trong những năm mới thành lập, cơ sở vật chất và các trang thiết bị của Đội khá đơn giản do điều kiện ngành Than còn nhiều khó khăn. Các thiết bị, vật tư chuyên ngành cứu hộ chủ yếu do Liên Xô sản xuất vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX.
Tuy nhiên, các đội viên Đội Cấp cứu mỏ đã được rèn luyện khá bài bản về nghiệp vụ cũng như bản lĩnh tham gia cứu hộ, dám đi vào những vị trí khó khăn, khắc nghiệt. Nhiều vụ cứu hộ được các cấp lãnh đạo đánh giá cao như: Vụ cháy lò tại Mỏ than Ngọc Kinh – Đà Nẵng tháng 12/1982; cháy kho dầu Vỉa 14 Mỏ than Hà Tu 12 tháng 6 năm 1983; cháy kho cói của HTX chiếu cói thuộc Thị trấn Hà Tu, Quảng Ninh tháng 8 năm 1983; cháy lò Mỏ Than Vàng Danh ngày 25/3/1984; cháy lò Vỉa 10 Mỏ than Hà Lầm tháng 8/1985… Thời kỳ này, Đội đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng 9 Bằng khen và 5 Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm cho tập thể và các cá nhân vì đã có nhiều thành tích trong giải quyết sự cố.
PV: Để có được cơ ngơi và các trang thiết bị hiện đại cũng như trình độ nghiệp vụ cứu hộ của các chiến sỹ cấp cứu mỏ chuyên nghiệp như ngày hôm nay, Trung tâm đã vươn lên như thế nào?
Ông H.B.Đ: Có lẽ giai đoạn phát triển nhanh và mạnh nhất của Trung tâm Cấp cứu mỏ cả về lượng và chất là giai đoạn sau khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam mà Trung tâm là đơn vị trực thuộc Tổng công ty, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Trung tâm được quan tâm đầu tư đặc biệt về thiết bị, cơ sở vật chất và trình độ cứu hộ.
Về thiết bị, Trung tâm được Tổng Công ty trang bị các loại thiết bị hiện đại như: đầu tư máy thở, máy cứu sinh, máy đo khí, máy sang chiết ô-xy, máy nén khí trời, máy liên lạc, các loại xe ô tô chuyên dùng, xe cứu hộ đa năng, xe công trình xa. Đặc biệt, Trung tâm được đầu tư các tổ hợp Nitrogen JXZD 200 (năm 2007 và 2011) để dập những đám cháy lớn và có thể đưa vào trong lò. Ngoài ra, Trung tâm cũng được đầu tư các thiết bị hiện đại khác như: Bơm chống ngập mỏ (bơm cạn, bơm chìm); hệ thống CAMERA không dây… Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã chủ động nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước chế tạo các thiết bị như: Thiết bị tạo bọt dập cháy DRABO; két mát Nitrogen; Phần mềm giải tam giác nổ; máy nghiền; thiết bị kiểm tra bình tự cứu phin lọc KBP – 1…
Về nghiệp vụ, các chiến sỹ được tuyển chọn, rèn luyện, học tập bài bản và có nhiều kinh nghiệm làm lò từ thực tiễn. Trung tâm gia nhập Hiệp hội Cấp cứu mỏ Thế giới để được học tập trao đổi kinh nghiệm với lực lượng cấp cứu mỏ các nước bạn.
PV: Vậy hoạt động cứu hộ giai đoạn này như thế nào, thưa Ông?
Kỹ sư Hoàng Bạch Đằng tại “con đường máu” trong vụ cứu hộ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng năm 2014
Ông H.B.Đ: Với điều kiện thiết bị ngày càng hiện đại và trình độ chuyên nghiệp hơn, Trung tâm đã thực sự là nòng cốt trong những vụ cứu hộ các sự cố. Chỉ xin đưa ra một số vụ sự cố lớn như: Vụ bục nước mỏ than Mông Dương (3/2006) cứu sống 17 người; vụ bục nước Xí nghiệp 86 – Tổng Công ty Đông Bắc (23/1/2007) cứu sống 10 người; vụ bục nước Khe Sim – Xí nghiệp Khe Tam – Công ty than Hạ Long cứu sống 7/8 người… Đối với các đơn vị ngoài ngành, Trung tâm đã tham gia 2 vụ sự cố lớn là vụ Sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng – Lâm Đồng (năm 2014) cứu sống 12 người hay vụ bục nước lò than tại thôn Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình (19/11/2015)…
PV: Ông có thể khái quát định hướng phát triển của đơn vị trong thời gian tới?
Ông H.B.Đ: Trong điều kiện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố như hiện nay, Trung tâm tiếp tục định hướng theo mục tiêu “lấy phòng là chính, cứu hộ nhanh – chuyên nghiệp”, từ đó đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra phát hiện và thủ tiêu các nguy cơ sự cố tại các đơn vị. Chiến sỹ nào cũng sẽ được định kỳ xuống các mỏ làm việc để nắm bắt tình hình thực tế. Các chiến sỹ đẩy mạnh rèn luyện thể lực tốt, kỹ năng giỏi… để có thể làm việc được trong những môi trường khắc nghiệt. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực và trên thế giới để có thể giải quyết nhanh, giảm thiểu những thiệt hại từ những sự cố gây ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/phong-la-chinh-cuu-ho-nhanh-chuyen-nghiep-20181022103052248.htm” button=”Theo vinacomin”]