Sau khi đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ tại Hải Phòng, ngay trong tối 18/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tới Quảng Ninh, cùng lãnh đạo địa phương nắm bắt tình hình mưa bão, đưa ra các chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 3 sẽ tiến vào địa phận nước ta trong hôm nay.
Phó Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan bởi Quảng Ninh luôn có khả năng phải chịu các loại hình thiên tai như lũ quét, ngập úng, sạt lở… Ảnh: VGP/Thành Chung
Trên địa bàn Quảng Ninh, từ ngày 16/8 đã có mưa vừa và mưa to. Tính tới 7h sáng 18/8, một số khu vực có lượng mưa đo được là Cẩm Phả 118,6 mm, Tiên Yên 113 mm, Quảng Hà 74 mm, Đông Triều 79,5 mm…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cho biết, ngay từ ngày 16/8, địa phương đã khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Trong sáng 18/8, UBND tỉnh đã họp trực tuyến với các sở, ngành, thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh để quán triệt các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn cho nhân dân, giảm thiểu thiệt hại về của cải vật chất và ứng phó với cơn bão số 3.
Tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện cấm tàu thuyền du lịch xuất bến từ 13h ngày 18/8 và các tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long phải về nơi tránh trú trước 15h chiều 18/8. Theo đó, 8.063 tàu thuyền về nơi trú bão, trong đó có 410 tàu đánh bắt xa bờ. Toàn bộ 534 tàu du lịch đã vào bờ neo đậu, tránh trú bão. Các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, chằng chống chắc chắn.
Tỉnh đã kêu gọi khách du lịch dời tất cả các đảo để về đất liền tránh trú bão an toàn. Chỉ có đảo Cô Tô còn 9 khách du lịch ở lại, trong đó có 1 khách du lịch người Đức. Tại huyện đảo Cô Tô, chính quyền địa phương đã tổ chức lưu trú an toàn, miễn phí ăn ở cho khách du lịch trong nước và nước ngoài tại đảo du lịch này; hướng dẫn 26 tàu về bến Vân Đồn an toàn. Tuy nhiên, có 14 hộ dân còn ở nhà thiếu kiên cố và trước 19h ngày 18/8 đã di dời toàn bộ các hộ dân này ra nhà văn hóa của huyện, bảo đảm an toàn cho dân; bảo đảm an toàn kè biển và hồ trữ nước ngọt trên địa bàn huyện đảo.
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết đã có phương án an toàn đối với khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực ao đầm, lồng bè, nuôi trồng thủy sản, bến tàu, cầu cảng, vùng trũng ngập lụt, nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng…
Rút kinh nghiệm từ thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng vì cơn bão năm 2015, ngay từ đầu năm, TKV đã triển khai kế hoạch phòng, chống bão lũ năm 2016. Đến thời điểm này, Tập đoàn đã hoàn thành hệ thống tách nước của các bãi thải, thoát nước ra khỏi khu dân cư. Chân bãi thải đã làm kè ta luy. Toàn bộ hệ thống thoát nước hầm lò đã được nâng cao năng lực thoát nước.
Đặc biệt, ở mỏ than Mông Dương, những hệ quả của năm ngoái đã được khắc phục xong nhưng năm nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngập nước nên TKV sẽ tập trung ứng phó tại khu vực này. Với mỏ than lộ thiên, đã có hệ thống thoát nước theo bờ tầng để hạn chế tối đa nước vào khai trường. Đồng thời ngay trong chiều 18/8, TKV đã rút hết công nhân ra khỏi các hầm lò.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho biết có nhiều nguy cơ sạt lở núi xảy ra khi bão về và hệ thống đê biển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì bão kết hợp với đợt triều cường đang dâng cao.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã chỉ đạo các đơn vị quản lý 23 hồ đập trên địa bàn tỉnh, bảo đảm mực nước ở mức 70%. Còn lực lượng quân đội đã huy động hơn 7.000 bộ đội và dân quân tự vệ ứng trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để đối phó nếu trường hợp xấu xảy ra.
Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần khẩn trương phòng, chống bão lũ của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng của tỉnh Quảng Ninh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Phó Thủ tướng đồng tình với quan điểm chỉ huy ứng phó của tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần “4 tại chỗ”, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão lũ gây ra kể cả trước, trong và sau bão. Không chủ quan thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của mưa bão vì với địa hình đặc thù thì Quảng Ninh luôn có khả năng chịu các loại hình thiên tai như lũ quét, ngập úng, sạt lở…
Theo đó, thực hiện nghiêm túc việc di dân ở các vùng lồng bè, cương quyết di dời dân ở những khu nhà đã xuống cấp vào vùng an toàn; có phương án thoát nước, chống ngập úng ở đô thị, sạt lở ở những vùng đồi núi; bảo đảm vận hành điện an toàn để phục vụ cho tiêu nước; bảo đảm an toàn cho lồng bè, hệ thống kè biển, cơ sở vật chất sản xuất nông nghiệp; có các phương án tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn xung yếu trong mọi trường hợp xảy ra…
Với Tập đoàn TKV, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm an toàn hầm lò, bãi thải và trang thiết bị, vật tư.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh có phương án đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp trở lại bình thường ngay sau khi kết thúc bão.
Trong tối 18/8 và sáng 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh theo dõi sát sao tình hình diễn biến của cơn bão trên địa bàn tỉnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-quang-ninh-dac-biet-luu-y-sat-lo-ngap-ung-vi-bao-201608191011381877.htm” button=”Theo vinacomin”]