Hỏi thăm đường đến nhà chị Thúy, anh Long không khó bởi xóm chợ Cửa Ông – Cẩm Phả – Quảng Ninh ai cũng biết, ai cũng xót thương trước những khắc nghiệt cuộc đời liên tiếp đổ xuống gia đình nhỏ bé ấy. Thương bé Vũ Thúy Loan, con gái anh chị đã 3 tuổi mà chưa một lần được nghe âm thanh cuộc sống. Nếu không có phép màu, chỉ nay mai bé Loan sẽ chẳng bao giờ được nghe bố gọi một tiếng yêu thương.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ mà vợ chồng anh Long chị Thúy ở nhờ của người anh ở Tổ 37-Khu 4B1-Phường Cửa Ông-Cẩm Phả, chị Thúy tiếp chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào. Cắn môi ngăn dòng nước mắt cứ chực trào ra, chị Thúy kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày chị và bé Loan lấy “viện làm nhà”.
Chị và anh Long, kết hôn năm 2005, đến năm 2006 sinh con đầu lòng là bé Vũ Minh Huyền. Ba năm sau, tháng 1/2009, bé Loan chào đời. Ngôi nhà nhỏ thêm tiếng cười, tiếng khóc, tiếng trẻ thơ bi bô, hạnh phúc cứ thế nhân lên, nhân lên. Có những lúc chị Thúy chẳng ước ao gì hơn nữa. Hai vợ chồng trẻ làm công nhân mỏ, không giàu có nhưng cứ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, rồi tiết kiệm chi tiêu hợp lý, anh chị sẽ mua được căn nhà riêng, sẽ lo cho bọn trẻ học hành bằng bạn bằng bè.
Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Từ khi sinh ra, bé Loan quấy khóc bất thường. Ban đầu, cứ nghĩ trẻ con khóc dạ đề nhưng hết tháng ở cữ chị Thúy thấy con vẫn quấy khóc ngằn ngặt. Chị nhớ lại, dạo ấy cũng độ áp Tết này, anh em bè bạn, họ hàng đến chơi cũng nhận thấy đồng tử ở cả hai mắt cháu xuất hiện đốm trắng, cảm giác thị lực không ý thức thế giới xung quanh, cháu cũng không phản ứng khi nghe tiếng động. Lo lắng, suy nghĩ cuối cũng anh chị quyết định đưa con đi khám ở Bệnh viện Thụy Điển – Uông Bí. Tại đây, họ đau thắt ruột thắt gan khi biết mắt của bé Loan thực sự có vấn đề. Ngoài mắc chứng đục thủy tinh thể bẩm sinh, bé Loan còn bị bệnh tim bẩm sinh và điếc bẩm sinh. Theo lời khuyên bác sỹ, anh chị tất tưởi đưa con lên bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội. Cuộc sống lấy bệnh viện làm nhà bắt đầu từ đó và kéo dài liên tục suốt gần năm trời. Bé Loan trở thành bệnh nhi thường xuyên của cả ba bệnh viện, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng và Bệnh viện Mắt Trung ương. Và để chăm con, chị Thúy buộc phải xin nghỉ việc tạm thời.
Mới vài tháng tuổi, cân nặng chưa đầy 3 kg mà bé Loan đã trải qua hai lần phẫu thuật tim, một lần mổ mắt lấy thủy tinh thể đục, sức khỏe mong manh có lúc tưởng như không thể qua khỏi. Theo phác đồ điều trị, bé Loan còn phải qua ít nhất 2 lần phẫu thuật nữa. Một lần mổ tim và một lần phẫu thuật mắt để thay thủy tinh thể nhân tạo. Nhưng do sức cháu yếu quá, nên buộc phải giãn cách thời gian. Cũng chính vì thế, cơ thể bé Loan không đủ sức đề kháng nên xanh xao, tháng nào cũng ho cảm, viêm phổi.
Nhìn bé Loan trên tay chị Thúy, chúng tôi không khỏi xót xa. Gương mặt của bé xinh xắn giống bố, hàng mi dài cong vút sau cặp kính cận tới 15 đi-ốp. Ba tuổi rồi nhưng cháu không biết nói, chưa ăn được cơm, chân đi chưa vững, mắt mờ mờ nhìn mọi vật xung quanh. Còn tai thì … cháu không thể nghe được một chút nào dù chị Thúy đã mua cho con máy trợ thính công suất lớn của Đan Mạch, trị giá 40 triệu đồng. Bác sỹ bảo, có cách để bé Loan nghe được, nói được nhưng chi phí mổ tai lên đến 56 ngàn đô-la. Số tiền đó, đôi vợ chồng ấy không bao giờ dám mơ tới. Thế nên chỉ có phép nhiệm màu mới mang đến cho bé Loan những tiếng thì thầm thương yêu.
Chấp nhận số phận, ba năm trời đằng đẵng, anh chị vừa lo bồi dưỡng thêm sức khỏe cho con vừa phải đưa con lên Hà Nội thăm khám, uống thuốc định kỳ hàng tháng theo chỉ dẫn của bác sỹ. Ba năm, với vài ba triệu đồng lương mỗi tháng của hai vợ chồng, chị Thúy đang lo com cóp, vay mượn thêm chuẩn bị kế hoạch phẫu thuật tim tiếp theo cho con thì bỗng nhiên tai họa lại lần nữa gõ cửa. Anh Long mắc bạo bệnh, thời gian sống chỉ còn tính ngày tính tháng. Đất trời như sụp đổ trước mắt chị Thúy. Gánh nặng gia đình, nợ nần chữa bệnh cho con hàng trăm triệu đồng giờ biết trông vào ai? Anh Long ốm đột ngột lắm, chẳng có biểu hiện gì. Vậy mà kết quả xét nghiệm lại là K, lại là ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Sợ anh Long gục gã, chị Thúy giấu chồng.
Gạt nước mắt, nhờ cô em gái ở quê lên trông bé Loan, chị Thúy động viên anh Long về Hà Nội cố gắng chạy chữa. Mặc dù các bác sỹ lắc đầu cho rằng phẫu thuật cũng chỉ để trấn an tinh thần nhưng chị vẫn quyết tâm “còn nước còn tát”. Hôm chúng tôi đến, anh Long run run tâm sự, anh vừa trải qua phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày được một tháng với chi phí hơn 50 triệu đồng và đã bắt đầu quá trình xạ trị hóa chất được 1 tuần. Anh bảo sẽ sớm khỏi bệnh để phụ giúp vợ con. Anh không hề biết…
Nghe anh Long nói, chị Thúy ôm bé Loan vào lòng, chân đất chạy vội ra ngoài sân. Chị không muốn khóc nhưng sao đôi vai nặng trĩu lo âu lại cứ rung lên thế này. Bà con láng giềng ai nấy đều ngậm ngùi thương cảm “bao nhiêu hoạn nạn, bao nhiêu đen đủi nhà Thúy – Long nhận thay cả xóm rồi, đến cái xe máy cà tàng cho chẳng ai lấy cũng bị mất trộm”. Nhìn chị Thúy và bé Loan, mắt tôi cay xè.
Người ta thường nói, mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của những hy vọng, của những ước mơ. Qua bài viết này, chúng tôi tha thiết mong muốn những tấm lòng nhân ái gần xa hãy cùng nhau gom góp tình yêu thương, hãy cùng nhau nhen lên phép nhiệm màu để bé Loan sớm được phẫu thuật, để bé Loan được nghe anh Long nói tiếng yêu thương khi còn chưa quá muộn. Và, Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ là nhịp cầu nối những trái tim biết yêu thương xích lại gần hơn.
Mọi đóng góp, chia sẻ của bạn đọc giúp đỡ gia đình chị Thúy vượt qua sóng gió xin gửi về địa chỉ: Chị Phạm Thị Thúy, Tổ 37-Khu 4B1-Phường Cửa Ông-Cẩm Phả. SĐT: 01666 837 982.
Hoặc Quỹ Tình Giai cấp, Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam, Tầng 7 – Tòa nhà Báo Tiền phong , số 15 – Hồ Xuân Hương – Hà Nội.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/phep-nhiem-mau-nao-cho-be-loan-891.htm” button=”Theo vinacomin”]