Không còn khí thế lao động sản xuất hăng say, nhộn nhịp, tiếng máy cùng với những âm thanh sôi nổi đặc trưng của sản xuất cơ khí, thay vào đó, điều chúng tôi bắt gặp ở Cơ khí đóng tàu những ngày này là không khí ảm đạm, tại các phân xưởng, công nhân làm việc thưa thớt, trên bãi lắp ráp tàu, các thiết bị, dụng cụ phụ trợ cho đóng tàu đã hoen rỉ do thời tiết. Nhưng tới đây, sự nhộn nhịp chắc chắn sẽ quay trở lại…
Theo Chủ tịch công đoàn Công ty Nguyễn Văn Tiền, tính đến hết tháng 5 năm 2011, Cơ khí đóng tàu – Vinacomin có gần 200 lao động phải nghỉ chờ việc. Để lý giải rõ hơn thực trạng này, ông cho biết, từ cuối năm 2008 đến nay, tình hình vận tải biển trong nước và quốc tế chững lại, cộng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, do vậy nhiều khách hàng của Công ty đã bỏ hợp đồng với giá trị lớn. Tuy Công ty đã được Tập đoàn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong SXKD năm 2008 và 2009, nhưng năm 2010 do không còn sản phẩm gối đầu, các sản phẩm mới không ký được hợp đồng nào, Cơ khí đóng tàu đang đứng trước không ít thách thức. 6 tháng đầu năm 2011, tình hình cũng không khá hơn, giá trị sản xuất thực hiện thấp, doanh thu chỉ đạt 10% kế hoạch năm, thu nhập bình quân của người lao động tính theo danh sách gần 1,6 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, sản xuất của Công ty chủ yếu đi vào những phần việc nhỏ lẻ, tập trung sửa chữa các sà lan và tàu nhỏ, mang tính cầm chừng.
Quyết liệt tìm giải pháp khắc phục khó khăn
Nhờ dự báo trước tình hình, Lãnh đạo Công ty đã chủ động xây dựng nhiều phương án đối phó. Mặc dù trên thực tế, tình trạng khó khăn của Công ty chưa được cải thiện nhiều nhưng nó cũng có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm việc làm, góp phần “giữ chân” người lao động. Cụ thể, công tác tổ chức sản xuất của Công ty đã kịp thời được điều chỉnh cho phù hợp. Công ty thực hiện bố trí lại các phòng ban, thành lập phòng điều độ sản xuất và phòng KCS; sát nhập hai phân xưởng vỏ tàu I và II nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế khi hạn chế sản phẩm đóng mới, tăng số lượng sản phẩm sửa chữa, giải quyết vấn đề lao động mất cân đối giữa các loại thợ sơn, sắt, hàn; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đối với những vị trí yếu về năng lực và nghỉ chế độ.
Trước những khó khăn gay gắt về thị trường, Công ty đã thành lập bộ phận khai thác sản phẩm, tổ chức tiếp cận với một số công ty mỏ trong Tập đoàn; chủ động đề xuất giải pháp với khách hàng để triển khai sản phẩm; tích cực gặp gỡ với các khách hàng ngoài Tập đoàn có phương tiện và nhu cầu sửa chữa. Mặt khác, Công ty còn tham gia sản xuất một số mặt hàng cơ khí cho ngành Than như gia công vì lò cho Công ty Than Khe Chàm, nhận sửa chữa phần cơ khí cho Tuyển than Hòn Gai. Tuy nhiên, giá trị không được bao nhiêu, chủ yếu chỉ để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Công ty cũng áp dụng nhiều biện pháp về quản trị như quản trị chặt từ khâu hợp đồng đầu vào, nghiên cứu sử dụng ô xy lỏng, khoán điện năng, tăng cường quản lý vật tư phụ với mục tiêu giảm 10% tỷ lệ tiêu hao que hàn, oxy, dây hàn điện, hàn hơi, lượng dư gia công và giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng chức năng thực hiện.
Vai trò của “mẹ”
Cũng theo ông Tiền, trong những lúc Cơ khí đóng tàu lâm vào tình trạng khủng hoảng, khó khăn nhất, “mẹ” (Tập đoàn) đã có mặt, tích cực cùng đơn vị tháo gỡ. Hầu như hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo Tập đoàn đều trực tiếp xuống đơn vị, đánh giá thực trạng, từ đó có sự chỉ đạo, định hướng, thực hiện một số giải pháp điều chỉnh cho thích hợp. Tập đoàn đã giao cho Công ty đóng mới tàu 8.800 tấn, tiếp nhận và hoàn chỉnh ba sản phẩm của Đóng tàu Sông Ninh.
Đây là một tín hiệu vui với Cơ khí đóng tàu bởi thời gian tới khi Công ty khởi công sản xuất tàu 8.800 tấn, hoàn chỉnh các sản phẩm của Sông Ninh, duy trì sản phẩm sửa chữa sẽ đảm bảo việc làm cho hơn 550 lao động, đưa Cơ khí đóng tàu bước đầu thoát khỏi chuỗi ngày dài khó khăn. Công ty đã tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm và sẽ củng cố để có sự ổn định, phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/phao-cuu-sinh-cho-co-khi-dong-tau-50.htm” button=”Theo vinacomin”]