Chiều ba mươi tết. Rét ngọt, những làn mưa mỏng như tơ rắc nhẹ trên mái phố. Những con đường lầm bụi ở thị xã mỏ như thay da đổi thịt bởi không khí dịu ngọt của tiết xuân. Chiều cuối năm thật bận rộn. Nhà nhà như mê mải với bữa cơm tất niên vừa để thành kính với tổ tiên, cũng là sum họp gia đình. Cuối phố, trong con hẻm nhỏ, một ngôi nhà hai tầng nho nhỏ xinh xắn tựa một nét son trang điểm rất nhã trong một vuông đất khá rộng. Căn nhà tĩnh mịch như chiều cuối năm bận rộn còn ở tận đẩu, tận đâu.
– Các thứ ấy cứ để lại!
Cậu bé ngơ ngác nhìn ông. Cậu chưa kịp hiểu ý ông thì đã thấy tiếng bà vọng ra:
– Nước nóng rồi đấy ông ạ!
Ông bảo cậu bé để lại mọi thứ trước hiên nhà, rồi dắt cậu vào nhà tắm. Trời rét, vậy mà ông mặc đồ lót, tự tay xối nước, ông phải chà xà phòng thơm đến ba lần, người cậu bé mới sạch hết các lớp cáu bẩn. Tiếng bà lão vọng vào:
– Tất cả mọi thứ có đủ rồi đấy ông ạ!
Sau khi thay đồ lót mới cho cậu bé, ông Vương dẫn cậu đến phòng khách. Ở đấy đã có sẵn một bộ đồ mùa đông dành cho cậu. Cậu bé nghi ngại nhìn ông khi ông giục cậu mặc bộ đồ mới cứng, còn thơm phức mùi vải kia. Trong tiềm thức thơ dại của cậu bỗng tái hiện một không gian tím ngắt. Tuổi thơ của cậu cũng êm ấm dưới một mái nhà cùng một cô em gái hay hờn. Nhưng thời gian ấy kéo dài chẳng bao lâu. Cha mẹ cậu chia tay nhau từ năm cậu bước vào lớp hai. Cha cậu gửi em của cậu cho bà nội nuôi rồi bỏ vào Nam làm ăn, cậu theo mẹ về sống với gia đình nhà bà dì ruột. Chẳng bao lâu mẹ cậu tái giá, cậu theo mẹ về ở cùng bố dượng. Đấy là một người đàn ông đã một đời vợ nhưng có những ba cô con gái đã lớn, sàn sàn hơn kém nhau một, hai tuổi nhưng không cô nào học hết phổ thông cơ sở. Vợ chết, ông lấy mẹ cậu và mong sao kiếm được mụn con trai. Thời kỳ đầu, ông quan tâm đến cậu ghê lắm nhưng sau khi mẹ cậu sinh em trai. Nhà nghèo nên dần dần cậu trở thành cái gai trong mắt ông bố dượng! Một hôm, đi học vừa đến đầu hồi nhà, cậu vừa toan lên tiếng gọi mẹ thì thấy bố dượng đang to tiếng với mẹ vì chuyện phải đóng tiền học thêm của cậu. Mẹ cậu bảo:
– Em đâu muốn thế! Nhưng nhà trường yêu cầu, chẳng nhẽ một mình nó…?
– Đ… mẹ, người dân tộc thiểu số, nhà nước còn phải tài trợ, vận động, họ mới cho con đến lớp! Đằng này thì vẽ vời đơn với từ, tiền đóng gạo góp!
– Thế thật nhưng đấy là yêu cầu của nhà trường!
– Cứ để nó học theo chế độ của nhà nước quy định thì đã sao?
– Anh tính cả lớp đều thế, mình nó một kiểu làm sao được?
– Nhưng tôi không lấy đâu ra tiền! Cô hiểu chưa?
Cậu chỉ nghe đến đấy thì nước mắt đã giàn giụa, chiếc cặp sách vốn là niềm hạnh phúc của cậu từ ngày bố, mẹ chia tay lơ đễnh rơi xuống đất, cậu bỏ chạy ngược trở lại. Trong tức tưởi, cậu còn loáng thoáng nghe tiếng mẹ gọi tên mình và ông bố dượng quát:
– Mặc nó! Tý nữa, khắc nó về!
Cái chuyện tý nữa của ông bố dượng, bây giờ chỉ còn tiếng gió. Tiếng sóng và tiếng lau, sậy và tiếng của đại ngàn. Ký ức nhỏ nhoi của cậu chỉ còn loáng thoáng! Hôm ấy, có một người đi xe máy bảo sẽ chở cậu về nhà bà nội ở cùng với em gái. Cậu tin ngay! Đường về nhà bà nội theo mẹ cậu nói chỉ chừng mười lăm cây số. Vậy mà, người đi xe máy cứ chở cậu đi mãi. Đến tận chiều, ông ta mới đưa cậu vào một căn nhà heo hút ở một bìa rừng. Ông ta nói với chủ nhà là một người đàn ông chừng ngoài năm mươi tuổi có một bộ răng lởm chởm, vàng khè điều gì mà cậu nghe không hiểu. Sau đó cả hai bước vào trong nhà. Lát sau, người đi xe máy nhận một thứ gì bọc trong giấy báo rồi đi ra bảo với cậu: Chú có việc bận ở đằng kia, cháu ở lại đây với bác chủ nhà! Xong việc, chú sẽ đưa cháu về nhà bà nội. Nói xong, ông ta nổ máy, rồ ga lao ra cổng. Cậu hoảng hốt lao theo nhưng tiếng ồm ồm của lão chủ nhà đã ghim chân cậu lại:
– Đừng có chạy theo, nhà có chó dữ lắm đấy!
Cậu gần như sững lại! Cậu nhớn nhác ngó quanh, thì ra có hai con chó to cực, nãy giờ vẫn nằm như bất động ở hai bên lối ra vào. Như hiểu được tiếng chủ, chúng vụt dậy nhanh như cắt, áp sát đối tượng, khiến cậu sợ hãi rúm người lại. Cậu đưa mắt nhìn lão chủ nhà van vỉ:
– Ông ơi cháu sợ!
– Không phải sợ! Đi vào nhà trong! Dường như đây cũng là mệnh lệnh cho hai con chó nên chúng lại trở về vị trí với tư thế nằm ban đầu. Cậu lẳng lặng theo lão vào trong nhà. Lão lên giọng nói to như nói với ai đó:
– Chuẩn bị xong chưa đem lên!
– Xong cả rồi đây! Một giọng phụ nữ nghe khàn khàn ở phía sau đáp lại.
Lát sau, một người đàn bà có thân hình nhẳng như que củi với khuôn mặt dài ngoẵng hệt lưỡi cày, nom dáng bà ta lờ vờ như chiếc bóng giống một người thiếu sinh khí. Bà ta bưng lên đặt trên chõng tre một bát cơm trắng, một đĩa thịt lợn kho với đậu phụ và một bát canh rau cải. Lão chủ nhà hất hàm về phía chõng tre rồi đưa mắt nhìn cậu, giọng ra lệnh:
– Ngồi xuống! Ăn cơm đi! Đừng có chạy lăng nhăng, chó cắn đấy! Lão nói xong liền bỏ ra ngoài.
Phần vì đói và mệt, cậu cố quên đi sự sợ hãi, hy vọng sáng ngày mai sẽ được trở về nhà với bà nội hay về nhà với mẹ và bố dượng cũng được. Bụng đói cồn cào mà miệng đắng ngòm, cậu bưng bát cơm uể oải… Rồi cậu lịm đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy thì chỉ thấy tiếng động cơ ô tô, người cậu lắc lư. Cậu cử động chân tay thì ôi thôi chúng bị ai trói cả rồi. Cậu toan kêu lên nhưng không tài nào mở được miệng, một vật gì đã dính chặt miệng cậu! Muốn kêu không được, muốn vùng ra cũng không xong, xung quanh cậu chỉ có màn đêm đen xì vây bủa! Trong nỗi sợ hãi kinh hoàng! Cậu thầm gọi bà nội, thầm gọi bố mẹ, tên em gái rồi dồn sức lại để giãy đạp cho tan cơn hãi hùng. Trong tuyệt vọng, cậu nhận thấy mình đụng phải những chiếc lồng tre nhưng không hiểu là đựng những cái gì? Trời hửng sáng, cậu đang thiếp đi vì quá mệt thì đột ngột bị một bàn tay hộ pháp nhấc cổ dậy. Cậu chưa hiểu được gì đã bị kéo tụt xuống đất! Thì ra, cả đêm hôm qua cậu nằm trên một chiếc xe tải chứa đầy những lồng đựng những con gì? Cậu vẫn chưa cắt nghĩa nổi, chúng bắt cậu đem đến đây làm gì? Chẳng nhẽ là bọn buôn lậu, bắt cóc trẻ con đem bán như mẹ vẫn dọa em gái mình trước đây? Thế thì cậu cũng bị đem bán mất rồi. Cậu khóc nấc lên, tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ họng, chỉ có nước mắt là tự do lã chã trên mặt cậu. Xuống đất, đôi chân của cậu vừa được giải thoát dây trói thì đôi mắt cậu lại bị cái tên có bàn tay hộ pháp kia lấy khăn buộc kín lại, đoạn đường còn lại cậu bị lão có bàn tay hộ pháp lôi đi trên đường dốc ghồ ghề, khúc khuỷu mệt đến đứt cả hơi. Cuối cùng thì đôi mắt, cái miệng và đôi tay của cậu cũng được giải phóng, cậu nhận ra mình đang ở trong một ngôi nhà nằm khá sâu trong một khu rừng, hoàn toàn vắng vẻ. Cậu sợ hãi khóc rống lên, gã đàn ông tuổi trung niên vừa giải thoát cho cậu gườm gườm mắt, giọng lơ lớ rất khó nghe… Tối ấy, cậu lại bị đưa lên xe tải nhưng lần này thì chúng không trói cậu, không dính băng dính vào miệng như tối qua, chúng cho cậu ăn mặc khá bảnh chọe rồi đưa lên ca bin cùng ngồi với chúng. Tên có bàn tay hộ pháp ngắm cậu một hồi rồi nói:
– Nom thằng nhỏ này, lão Mằn Thầu chắc ưng ý đây?
Thế là đúng rồi! Chúng đem cậu đi bán là chắc rồi. Cậu cố van xin chúng nhưng đâu có được. Ngược lại, chúng lại phá ra cười nói với cậu như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chúng bảo, chúng đưa cậu sang nước ngoài chơi miễn phí còn gì, nếu cứ ở nhà có mơ cũng chẳng thấy. Nói rồi chúng cười sằng sặc với nhau mặc cho cậu giàn giụa nước mắt. Xe đi tới một vùng địa hình hiểm trở, ước chừng quá nửa đêm. Chúng dừng lại rồi bấm đèn pin kiểu ra ám hiệu gì đó. Góc rừng phía trước, có hai người xuất hiện… Chúng trao đổi với nhau điều gì nghe lõm bõm không rõ, chỉ thấy ánh đèn pin soi thẳng vào mặt, khiến cậu phải nheo mắt lại. Sau đó, chúng bỏ cậu ở lại với hai người lạ mặt và nhảy lên xe nổ máy đi tiếp. Bất giác, cậu vùng khỏi tay hai kẻ lạ mặt, miệng hét toáng lên. Hai kẻ lạ mặt chồm lên túm lấy cậu, miệng cậu lập tức bị tọng một chiếc khăn mùi xoa. Hai kẻ lạ mặt vừa toan đẩy cậu về vạt rừng trước mặt, chúng bỗng giật mình, chiếc xe tải của hai kẻ vừa bán cậu bỗng chạy ngược trở lại với tốc độ khủng khiếp. Súng bắt đầu nổ, chiếc xe đâm vào một tảng đá chết máy tại chỗ. Lợi dụng lúc hai tên lạ mặt bị phân tán, cậu vùng chạy ra nhưng chúng chộp được và giúi đầu cậu xuống đất. Một cái tát trời giáng khiến cậu choáng váng. Vừa lúc ấy, bóng đèn pin loang loáng sáng cả một vạt rừng, hai tên lạ mặt lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, ánh đèn pin bắt đầu lia vào chỗ chúng. Ở đây cây thưa rất dễ bị phát hiện, bỗng một tên vấp ngã, phát ra tiếng động khiến những ánh đèn pin tập trung cả vào chỗ chúng. Vậy là, một tên nhanh tay đẩy cậu xuống một thung lũng phía sau… Khi cậu tỉnh dậy, mặt trời đã lên cỡ con sào. Bốn bề chỉ có tiếng chim kêu và gió thổi. Cậu cứ men theo lối mòn mà đi, bụng thì đói cồn cào nhưng nghĩ lại những gì đã xảy ra làm cậu kinh hãi. Cậu nem nép sợ bóng người, nhất là nơi hoang vắng này. Vậy là cậu cứ đi, đi mãi. Đói thì vặt trái rừng ăn, khát thì vục nước suối, tối leo lên cây ngủ. Cuối cùng cậu cũng tìm ra được một khu dân cư khá đông đúc, nhà cửa san sát cao tầng. Nhưng nom cậu quần áo thì sã sượi, tóc tai rối bù, người gày nhom, bọn trẻ đứa thì trêu, đứa đáp đá, cũng có đứa cho cậu cái bánh mỳ, cái kẹo. Cậu hỏi đường về thành Đông người biết thì ít, người không thì nhiều. Cậu thất thểu trên đường với một chiếc tay nải bằng một ống quần người lớn nhặt được trong thùng rác và đã biến thành kẻ ăn xin từ lúc nào không hay. Trời đã bắt đầu lạnh, cậu cứ ngày đi, đêm ngủ vạ vật hè đường, góc phố. Người thương cho cậu dăm, ba ngàn bạc lẻ. Cậu đi mải miết đã không biết bao nhiều ngày, tháng trôi qua. Chiều nay cậu bỗng chồn chân, trời lạnh mà người cậu như bốc lửa, bụng đói cồn cào, cậu đi tới đây và đã hỏi nhờ nhiều nhà rồi mà họ đều lè lưỡi, chối từ. May quá, ông Vương đã đón cậu vào như một vị thần hộ mệnh. Cậu kể lại toàn bộ sự việc với hai ông bà về tình cảnh của cậu. Cậu muốn ông tìm giúp chặng đường đi tiếp để về nhà! Bà Vương nghe chuyện của cậu, mắt đỏ hoe. Ông Vương bảo, cậu cứ ở lại đây, ăn tết xong rồi ông tính cho…
Tầm trưa mồng 3 tết, con trai ông Vương đưa vợ và con gái về. Vừa vào nhà, nom thấy cậu bé, con trai ông Vương giật mình, hỏi bố:
– Cậu bé này…?
– Chuyện dài lắm, con cứ nghỉ ngơi, rồi bố kể cho nghe!
Nhưng anh con trai ông Vương cứ ngắm đi, ngắm lại cậu bé rồi bảo:
– Bố ạ, con biết cậu bé này.
Sau khi hỏi tường tận về tên bố, tên mẹ cậu bé, anh khẳng định, đó là con trai của người làm bảo vệ ở cơ quan anh. Đã gần bốn tháng, bố cậu bé đã ra Bắc hàng tháng trời, rồi đăng tin tìm trẻ lạc nhiều mà không thấy, tấm hình cậu bé này anh đã xem rất nhiều lần. Tết này, cơ quan anh giải quyết cho bố cậu bé về Bắc ăn tết cũng vì chuyện tìm con đang mất tích. Hôm qua, anh còn nghe giọng bố cậu bé buồn rười rượi qua điện thoại. Ai ngờ cậu bé lại ở đây. Vậy là mừng quá rồi… Anh rút điện thoại trao đổi một lát rồi đưa cho ông Vương. Không biết đầu kia nói những gì, chỉ thấy gương mặt ông Vương rạng dần… rạng dần. Cuối cùng, ông nói: Chúng tôi đợi cậu, chúc mừng sự đoàn viên của bố con cậu! Ra ngay nhé, thằng bé đang mong cậu lắm rồi đó!.. Ông đưa điện thoại cho cậu bé… Gương mặt cậu nhòe trong nước mắt. Có lẽ, đấy là lần đầu tiên cậu mới cảm nhận hết sự sống! Mùa xuân thật ngọt ngào.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ong-vuong-va-cau-be-khach-khong-moi-4079.htm” button=”Theo vinacomin”]