“Ngày nào đi làm cũng phải gặp các chị ấy, không thì nhớ quá không xuống lò được” – Đó là câu nói vui của nhiều anh em thợ lò khi được hỏi về “các chị nhà giặt” của Công ty than Mạo Khê.
Nhà giặt của Công ty than Mạo Khê hiện do Phân xưởng Nước – Phục vụ quản lý. Ở đây có 35 chị em nữ làm việc trong 3 tổ sản xuất. Các chị thực hiện nhiều công việc như vận hành máy giặt, máy vắt, máy sấy; thêu viết danh bộ lên quần áo, lên ủng; phân loại, phơi sấy, may vá và soạn, gấp quần áo, ủng lên giá cho công nhân. Hằng ngày CNCB khi xuống lò đều qua nhà giặt để lấy bảo hộ lao động và khi hết ca lại gửi lại các chị những bộ quần áo, những đôi ủng nặng trĩu. Nghe các chị chia sẻ càng hiểu được những nét riêng của công việc phục vụ này.
Gắn bó với công việc này nhiều năm, chị Trương Thị Bình – Tổ trưởng tổ nhà giặt số 1 được nhiều anh em gọi là “bu” một cách thân mật. Chị vẫn nhớ lần đi tiễn người thân lên máy bay tại sân bay Nội Bài. Hôm ấy đang ngồi ở hàng ghế chờ chị bỗng giật mình khi có thanh niên đến ngồi cạnh và tươi cười; “Bu ơi, mai bu thay cho con chân trái bu nhé, nó bị bục rồi bu ạ”. Trước những cái nhìn ngơ ngác của mọi người xung quanh, chị phải vội lên tiếng “Rồi, bu biết rồi, lần sau anh nói rõ ra nhé, mai bu sẽ thay chiếc ủng bên trái cho anh!”
Lần khác chị đang chờ khám bệnh ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì nghe tiếng nói phía sau; “Bu ơi, mai bu xử lý cho con chân phải bu nhé, bị ngấm nước rồi bu ạ”. Nhận ra gương mặt quen quen, chị lại hẹn sẽ “xử lý” sớm cho anh thanh niên vào hôm sau. Thấu hiểu được công việc vất vả của thợ lò nên chị luôn nhắc nhở chị em trong tổ phải chu đáo trong từng công việc và nhẹ nhàng hòa nhã trong cách ứng xử.
Với chị em nhà giặt thì việc phục vụ cho thợ lò không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là tình cảm bởi hầu hết các chị đều có người thân đã và đang làm mỏ. Công việc luôn chân luôn tay, mỗi ca phải phục vụ khoảng một nghìn thợ lò nhưng các chị vẫn cố gắng để phục vụ tốt nhất cho người thợ, để người thợ có tâm lý thoải mái nhất khi vào lò. Quần áo có lỡ sứt chỉ hay tuột cúc đều được các chị may vá, đơm cúc lại kịp thời. “Chị em phục vụ chu đáo cho người thợ nên người thợ cũng rất nhiệt tình khi giúp đỡ chị em”- Chị Nguyễn Thị Xuyên – Tổ trưởng tổ nhà giặt số 3 cho biết. Có lần tổ chị phải di chuyển, kê lại các dãy tủ đựng quần áo của công nhân. Nhìn các chị em chân yếu tay mềm với những chiếc tủ sắt nặng, mấy anh thợ lò vừa đi làm ca về, mặt mũi còn nhọ nhem đã tình nguyện cùng làm giúp chị em hơn nửa tiếng đồng hồ.
Điều đặc biệt ở đây là chị em nhà giặt nhớ được danh bộ, tính cách, cỡ quần áo và cỡ ủng của rất nhiều thợ lò. “Lắm hôm đang ở giữa chợ chỉ cần đọc số danh bộ là có thanh niên tươi cười đến bắt tay ngay” – Chị Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổ trưởng tổ nhà giặt số 2 vui vẻ cho biết. Cũng theo cách nói hóm hỉnh của chị Thảo thì chuyện “tháo gỡ khó khăn” giúp người thợ cũng là chuyện thường tình của chị em trong tổ. Có hôm hết ca 3 về có anh công nhân Phân xưởng Đào lò số 2 bị rơi mất chìa khóa xe máy, mặc dù không cùng đường và quãng đường khá xa (gần 6 cây số) nhưng công nhân tổ chị đã chở anh ấy về đến tận nhà.
Công việc ở nhà giặt không phải là công việc nhẹ nhàng nhưng nhiều chị em đã chọn, đã gắn bó và yêu công việc này. Có chị nhà cách phân xưởng hơn chục cây số, có chị nhà cách gần 20 cây vẫn đều đặn đi làm đủ công. “Từ nhà mình đến nơi làm việc phải đi mất gần 50 phút. Ngày tạnh ráo thì còn đỡ chứ ngày mưa cũng vất vả lắm. Nhưng đã chọn nghề này rồi, không dứt ra được mặc dù có nhiều công việc khác gần nhà hơn và mức lương không thấp hơn” – chị Hoàng Thị Thu Hà – Công nhân tổ nhà giặt số 1 chia sẻ.
Không trực tiếp làm ra những tấn than, mét lò, nhưng công việc hằng ngày của chị em nhà giặt đang góp phần làm cho bước chân người thợ vững hơn, mạnh hơn…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/o-nha-giat-mao-khe-201704261545010551.htm” button=”Theo vinacomin”]