Những năm gần đây, Công ty than Mạo Khê đã có sự chuyển mình, bứt phá ngoạn mục. Ðể duy trì nhịp độ tăng trưởng, Công ty đã mạnh dạn đầu tư các trang, thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ mỏ.
Đầu tư chiều sâu
Quý III/2017, Công ty than Mạo Khê đã khai thác 368.266 tấn than nguyên khai, tiêu thụ 252.869 tấn, mét lò đào 3.912m trong đó XDCB là 965m, đào lò CBSX là 2.947m, bóc đất đá trên 170.000m3, thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục chỉ đạo thực hiện đào hai giếng đứng và các đường lò tiếp giáp có chiều dài 198m; xây dựng phương án và các giải pháp khai thác hiệu quả các vỉa than, công nghệ đào chống neo trong than…
Lãnh đạo Công ty cho biết, thành công lớn nhất của Than Mạo Khê là mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Công ty vẫn dành ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ, duy trì sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hàng năm, Công ty dành hàng trăm tỷ đồng cho công tác này. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, số tiền này là gần 39 tỷ đồng. Điều này cũng dễ hiểu bởi Mạo Khê là mỏ có hàm lượng khí mê-tan ở mức siêu hạng (căn cứ theo độ xuất khí mê-tan tương đối), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như bục nước, nổ khí, áp lực mỏ… Bởi vậy, thời gian gần đây, Công ty đã mạnh dạn đầu tư mở rộng tiết diện hầm lò, thay đổi lại hệ thống kết cấu chống, số vì chống lò gỗ được thay thế bằng thép, ngoài ra, đầu tư hệ thống vận chuyển người từ mặt bằng xuống gương lò, giúp giảm sức lao động của thợ mỏ. Tất cả các khu vực sản xuất có điều kiện đều được “băng tải hóa”, thay cho những máng cào lạc hậu trước đây. Cùng với đó, Mạo Khê tiếp tục đẩy mạnh tốc độ đào lò, khoan thăm dò,… chuẩn bị cho sản xuất những năm tới. Mạo Khê đang khai thác than ở mức âm 150 m, nhưng trong tương lai gần sẽ phải xuống sâu tới mức âm 400 m. Công ty đã khởi công dự án đầu tư Khai thác hầm lò dưới mức -150 Mỏ than Mạo Khê với tổng mức đầu tư gần 5.868 tỷ đồng, có công suất khai thác 2 triệu tấn than/năm. Tính đến hết tháng 9/2017, tổng mét lò dự án đã thực hiện 7.186 mét/22.004 mét. Dự kiến, đến hết tháng 5/2018 sẽ thi công xong cặp giếng đứng và hệ thống đường lò nối thông 2 giếng. Dự án có trữ lượng tài nguyên khoảng 60 triệu tấn than, thời gian khai thác 30 năm.
Giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường
Do đặc thù khai trường ở gần nơi cư dân sinh sống, một số khu vực hoạt động của Công ty còn có dân cư nằm rải rác xen kẽ nên việc nỗ lực giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường được lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ nét từ việc đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất, chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh và giảm tác động vào môi trường; đến việc xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải, hệ thống máy móc, thiết bị bảo vệ môi trường…
Để giảm thiểu lượng bụi phát sinh trong quá trình khai thác, sàng tuyển và cải thiện điều kiện khí hậu, điều kiện làm việc cho công nhân, Công ty đã lắp đặt hệ thống chống bụi cho khu vực nhà sàng 56 và tuyến đường khu vực cửa lò với trên 7 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nạo vét, khơi thông hệ thống suối Cầu Lim đoạn qua khu vực dân cư khu vực phường Mạo Khê với tổng chi phí trên 1,5 tỷ đồng. Công trình này đưa vào sử dụng đã đảm bảo tưới tiêu thoát nước.
Toàn bộ nước thải hầm lò được bơm về hai nhà máy xử lý nước thải công nghiệp công suất 1.800m3/h, xử lý đạt quy chuẩn (QCVN 40:2011/BTNMT) trước khi xả thải vào môi trường, một phần được đưa về tái sản xuất. Nước thải sinh hoạt được thu gom về hai trạm xử lý (trạm + 17 và trạm khu nhà tập thể công nhân), công suất 500m3/ngày đêm, xử lý bằng phương pháp vi sinh, lắng lọc tự nhiên; đảm bảo toàn bộ nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường (có giấy phép xả thải). Các chất thải rắn được thu gom, phân loại, có kho chứa riêng và ký hợp đồng với đơn vị hữu trách xử lý theo chuyên ngành, được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; đất đá thải được đổ tại bãi thải đã được phê duyệt.
Một trong những giải pháp trọng tâm để bảo vệ môi trường mà Công ty Than Mạo Khê triển khai đó là ký hợp đồng với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh) để thực hiện quan trắc môi trường, chất lượng nước thải và nguồn nước tiếp nhận định kỳ mỗi quý một lần để kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập phát sinh. Công ty cũng thực hiện đầy đủ các thông số, các vị trí theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án được phê duyệt để theo dõi tình hình diễn biến thay đổi của môi trường, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
So với nhiều đơn vị thuộc TKV, sản xuất than ở Mạo Khê gặp nhiều khó khăn, rõ nhất là chi phí sản xuất cho một tấn than lớn trong khi giá thành lại thấp, nguy cơ khí mỏ mất an toàn cao, vỉa than lại mỏng, dốc chỉ có thể áp dụng công nghệ ngang nghiêng, chất lượng than xấu… Càng ngày, những khó khăn này càng nhân lên do diện khai thác xuống sâu, đi xa. Tập trung đầu tư chiều sâu để duy trì sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thợ lò; áp dụng các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường là những bước đi vững chắc mang tính chiến lược cho mỏ than có bề dày truyền thống này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/o-mao-khe-toi-thay-20171123094255882.htm” button=”Theo vinacomin”]