Trong lịch sử công nhân mỏ Quảng Ninh, cuộc đấu tranh rầm rộ nhất, thắng lợi to lớn nhất trước Cách mạng Tháng Tám – 1945 là cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ, bắt đầu từ ngày 12-11-1936 tại Cẩm Phả…
Sau khi hạ thành Hà Nội được tám ngày, ngày 12/3/1883, tướng chỉ huy đội quân xâm lược Pháp là Hăngri Rivire đích thân mang 500 quân đánh chiếm vùng mỏ Quảng Ninh. Công việc bắt đầu của thực dân Pháp sau khi chiếm được vùng mỏ Quảng Ninh là việc tổ chức bộ máy thống trị của chúng và nhanh
Vì vậy mà người thợ mỏ nơi đây vốn đã mang trong lòng tinh thần quật khởi của dân tộc và mối thù giai cấp sâu sắc đã không ngừng vùng lên đấu tranh chống lại bọn tư bản thực dân và bè lũ tay sai của chúng. Cuộc đấu tranh diễn ra liên tục và quyết liệt, nhất là từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì cuộc đấu tranh có sự chuyển biến rõ rệt, mạnh mẽ hơn và thắng lợi nhiều hơn.
Từ giữa năm 1936, phong trào đấu tranh cách mạng trong toàn quốc đã phát triển rất mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào công nhân mỏ. Tổng số công nhân mỏ lúc bấy giờ là 36.420 người. Việc kinh doanh của bọn chủ mỏ thời kỳ này cũng phát đạt hơn, chúng trang bị thêm máy móc và tăng cường bóc lột công nhân. Thế nhưng, mặc dù sản xuất phát triển, tiền lương công nhân vẫn bị hạ, đời sống rất điêu đứng. Đứng trước tình thế đó, các cán bộ, đảng viên mới ra tù về Cẩm Phả đã liên lạc với số đảng viên, hội viên Công hội đỏ cũ ở mỏ để bàn cách phát động quần chúng đấu tranh…
Một lý do trực tiếp là đầu tháng 11-1936, tên Tây “Cóc”, kẻ coi tầng núi Trọc, đã đánh đập tàn nhẫn một công nhân đứng tuổi. Hành động ấy nhanh chóng gây nên nỗi phẫn uất trong toàn thể công nhân Cẩm Phả. Đây chính là ngòi nổ để cuộc đấu tranh bùng nổ…
Ngày 12-11-1936, truyền đơn kêu gọi nghỉ việc chuẩn bị đấu tranh bao trùm khu mỏ. Sáng sớm ngày hôm sau, 13-11-1936, nhiều truyền đơn, áp phích kêu gọi đấu tranh lại tiếp tục xuất hiện ở các ngã tư, lối lên tầng lò v.v. Chỉ trong vòng hai giờ, cuộc bãi công đã lan rộng khắp nơi và địa điểm tập trung đông nhất của những người bãi công là ở khu vực núi Trọc (nay là ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai). Ngay lập tức, chủ mỏ cùng bọn cai ký bàn cách chống phá cuộc bãi công. Tối hôm đó chúng xuống các lán thợ đe doạ, lôi kéo công nhân từ bỏ cuộc đấu tranh. Thế nhưng các đội xung kích của công nhân đã cảnh cáo những tên cai hung hăng và giải thích vận động anh em thợ giữ vững đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, với khẩu hiệu: “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!”. Đến 2 giờ chiều ngày 14-11-1936, bộ phận còn lại của công nhân Cẩm Phả cũng đã bãi công và số người tham gia lên tới hơn một vạn người… Cuộc bãi công kéo dài đến ngày thứ tám thì bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ, chấp nhận mọi yêu sách của công nhân…
Tin cuộc bãi công của công nhân Cẩm Phả thắng lợi đã khích lệ công nhân các nơi khác như Hồng Gai, Đông Triều v.v. cũng tiến hành bãi công và tạo thành một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, với hơn ba vạn thợ mỏ và người lao động ở Vùng mỏ tham gia…
Ghi nhận sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của công nhân mỏ này, năm 1997, cùng với một số địa danh khác, khu núi Trọc, nơi “ngòi nổ” của cuộc đấu tranh bắt đầu, đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử (theo Quyết định số 985/QĐ-VH ngày 5-11-1997).
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nui-troc-di-tich-lich-su-ve-cuoc-tong-bai-cong-cua-tho-mo-nam-1936-3294.htm” button=”Theo vinacomin”]