Hỏi thăm về cô thì từ người bảo vệ đến hầu hết mọi người làm việc tại trụ sở 226 Lê Duẩn của Tập đoàn ai cũng biết. Câu trả lời sẽ luôn là những lời chia sẻ đầy cảm thông về gia cảnh khó khăn và căn bệnh suy thận giai đoạn cuối mà cô đang phải đấu tranh với nó từng giờ, từng ngày. Trên hết, họ đều thán phục sự lạc quan của cô trước những bất hạnh mà cô gặp phải để có thể vui vẻ sống và làm việc. Tất cả những điều đó thôi thúc tôi tìm gặp cô. Cô là Hoàng Thị Loan, hiện làm nhân viên Phòng kế toán
Cô bùi ngùi chia sẻ về những tháng ngày vất vả mà cô đã và đang trải qua. Từ miền quê Hải Dương nghèo khó, cô thiếu nữ Loan tuổi 20 ngày ấy đã quyết tâm tìm đến Hạ Long để lập nghiệp. Vào làm tại Xí nghiệp Xây lắp mỏ Hòn Gai (thuộc Công ty than Hòn Gai bây giờ ), cô không chỉ có công việc ổn định mà còn tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Cô lập gia đình năm 1982 và ngay sau đó hạnh phúc được nhân đôi khi vợ chồng cô vui mừng đón cậu con trai đầu lòng khỏe mạnh, kháu khỉnh. Tưởng chừng cuộc sống cứ êm ả trôi qua trong căn nhà nhỏ 16m2 chật chội, thì bất hạnh ập xuống gia đình cô. Khi con trai mới được 11 tháng tuổi, chồng cô đột ngột qua đời vì căn bệnh đau ruột thừa. Nỗi đau quá lớn và bất ngờ với người phụ nữ trẻ. Nhưng nhìn đứa con thơ dại, cô Loan lại gồng mình lên để tiếp tục sống và nuôi con. Họ hàng đều ở xa, khó cậy nhờ được ai. Hai mẹ con cô phải tự dựa vào nhau. Có lúc cô đành khóa cửa để cậu con trai mới hơn 3 tuổi ở nhà một mình, còn cô thì vừa đi làm ở Xí nghiệp, vừa chạy chợ bán rau để kiếm thêm thu nhập. Cô nói, cũng có không ít người đến đặt vấn đề gia đình nhưng vì nghĩ thương con, cô đều từ chối, chỉ chú tâm vào chăm lo cho con, làm việc và kết hợp đi học Trung cấp để nâng cao trình độ. Năm 1994, Tổng công ty Than thành lập, cô được chuyển sang làm ở bộ phận phòng kế toán của TCT, lúc đó cuộc sống của hai mẹ con cô đã dần ổn định hơn. Cứ ngỡ dù cuộc sống vất vả nhưng vẫn còn có hai mẹ con nương tựa vào nhau thì khó khăn nào cô cũng có thể vượt qua. Thế nhưng số phận một lần nữa lại thử thách cô. Năm 1999, tự nhiên thấy người mệt mỏi, không ăn uống được, cô đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh thì phát hiện ra mình bị bệnh suy thận giai đoạn đầu. Khá bất ngờ với tin này, nhưng quả thật lúc đó cô chưa có khái niệm nhiều về căn bệnh này. Cô vẫn tranh thủ vừa đi làm, vừa đến bệnh viện tiêm. Hai mẹ con chắt chiu lắm mới đủ tiền sinh hoạt, nay lại mắc phải “căn bệnh nhà giàu”, cô không có đủ tiền để theo điều trị bằng thuốc tây nên đành nghe theo những lời mách bảo của mọi người tự điều trị bằng thuốc nam. Chính vì vậy, bệnh của cô ngày càng nặng hơn, người xanh xao, vàng vọt như không còn sức sống, lúc ấy cô chỉ còn khoảng 37 kg. Kết cục là năm 2003, bệnh của cô trở nên trầm trọng, ai cũng khuyên cô nên nhập viện trên Hà Nội để điều trị ngay nếu cô còn muốn tiếp tục sống trên cõi đời này với đứa con thân yêu của mình. Lúc ấy con trai cô đang học cấp 3 Hòn Gai, khó khăn lắm sau bao đêm suy nghĩ, dằn vặt, cô mới có quyết định đành để con lại Quảng Ninh về Hà Nội điều trị bệnh. Và cũng từ đó, cô phải sống chung với căn bệnh suy thận và phải chạy thận nhân tạo hàng tuần để duy trì cuộc sống. Không muốn nhờ vả họ hàng nhiều, con trai còn đi học, cô phải tự mình chiến đấu với bệnh tật, chịu cảnh cô đơn không một người thân bên cạnh. Cô nói buồn nhất là mẹ con mỗi người một nơi và cô không thể chăm sóc cho đứa con thân yêu của mình. Cô Loan bộc bạch cuộc đời cô gặp nhiều bất hạnh nhưng cô vẫn còn có những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống và nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan, đồng nghiệp và người thân xung quanh mình. Khi xác định phải điều trị bệnh lâu dài, cô đã nộp đơn xin chuyển lên trụ sở của Tập đoàn tại Hà Nội để vừa làm việc vừa chữa bệnh. Lãnh đạo Tập đoàn đã rất thông cảm, tạo điều kiện bố trí cho cô một căn phòng nhỏ để ở tại khu nhà khách của Tập đoàn. Đến năm 2007, Tập đoàn thiếu phòng làm việc thì cô mới phải ra ngoài thuê. Hiện cô đang thuê một gian phòng nhỏ ngay gần cơ quan để tiện lợi cho việc đi lại, làm việc. May mắn là bác chủ nhà rất tốt bụng, thông cảm cho hoàn cảnh bệnh tật của cô. Mọi người làm cùng phòng đều tạo điều kiện cho cô, sắp xếp công việc phù hợp để cô có thể đều đặn 3 ngày một tuần đi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. Hàng năm, Công đoàn Tập đoàn cũng đều có những phần quà động viên, giúp đỡ cô. Trong suốt câu chuyện chia sẻ, dù gặp phải nhiều sóng gió đến vậy nhưng tôi vẫn thấy ở cô Loan nụ cười đầy lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống. Cô nói nếu không tự mình lạc quan cô đã không thể sống đến ngày hôm nay. Với cô, được làm việc để tự lo cho bản thân và đấu tranh với bệnh tật để sống từng ngày đã là niềm hạnh phúc. Hơn nữa, cô may mắn có người con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo. Dù không được gần gũi con, không được chăm lo cho con đúng với thiên chức của người mẹ, nhưng cô vui vì con trai cô vẫn trưởng thành, đã có gia đình và cháu gái xinh xắn. Cũng chỉ còn 1 năm nữa là cô nghỉ hưu, cô sẽ về Quảng Ninh để đoàn tụ với con cháu. Căn bệnh suy thận sẽ còn khiến cô phải chịu đau đớn, suy giảm nhiều về sức khỏe. Cuộc sống dự báo sẽ nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng với cô mỗi ngày được sống đã là một ngày vui.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nu-cuoi-lac-quan-cua-nguoi-phu-nu-bat-hanh-1201.htm” button=”Theo vinacomin”]