Trước đây, bãi thải Đông Cao Sơn chỉ thiết kế dành riêng cho việc đổ thải của Mỏ than Cao Sơn, nay là Công ty CP Than Cao Sơn. Sau này, Tập đoàn quy hoạch Đông Cao Sơn là nơi đổ thải của ba công ty khai khai thác lộ thiên là Than Cao Sơn, Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai. Do cả “ba chàng khổng lồ” này đều tăng nhanh về sản lượng, nên Đông Cao Sơn trở thành điểm nóng về công tác đổ thải.
Năm nay, Công ty than Cao Sơn khai thác 3,7 triệu tấn, sang năm khoảng 3,9 triệu tấn và đến năm 2015, dự kiến khai thác 5 triệu tấn. Và hệ số bóc đá rất cao, năm nay sẽ bóc 28,5 triệu m3, đến năm
2015, bóc khoảng 40 triệu m3. Mới chỉ riêng Than Cao Sơn, đã thấy sản lượng đất đá thải những năm tới rất lớn. Nếu cộng với sản lượng đất đá thải của Cọc Sáu, Đèo Nai thì rõ ràng, bãi thải Đông Cao Sơn là quá khiêm tốn, không thể đáp ứng được nhu cầu đổ thải lâu dài.
Thời gian qua, Tập đoàn đã có nhiều cuộc họp bàn về công tác đổ thải ở Đông Cao Sơn và chỉ đạo, đến năm 2013, bãi thải Đông Cao Sơn bàn giao cho Cọc Sáu; Đèo Nai sẽ đổ thải ở Khe Sim, Cao Sơn sẽ đổ thải ở Bàng Nâu. Việc đổ thải của Đèo Nai và Cao Sơn thông qua hệ thống băng tải đá.
Về giải pháp trước mắt, Tập đoàn “phân phối” bãi thải cho ba công ty trên bằng cách 6 tháng chia một lần. Cơ sở để “phân phối” được căn cứ vào dung tích bãi thải còn lại và kế hoạch đổ thải của từng công ty. Đồng thời, Tập đoàn chỉ đạo giải tỏa một số công trình lân cận Đông Cao Sơn.
Những ngày cuối tháng 8, việc đổ thải của ba đơn vị vẫn đang dồn dập. Việc khai thác ở khai trường của của XN 790 vẫn khẩn trương. Dự án mở đường vận chuyển mới đang triển khai nên việc vận chuyển than của các đơn vị trên con đường cũ khá tấp nập. Bởi vậy, dù trong tiết thu dịu mát, bãi thải Đông Cao Sơn đang nóng lên từng ngày.
Phương án đổ thải bằng băng tải đá gặp khó về vốn
Như đã nêu trên, về chiến lược, Tập đoàn giao cho Đèo Nai và Cao Sơn đổ thải ở vị trí mới thông qua hệ thống băng tải đá và phải làm nhanh để đến 2013, chấm dứt việc đổ thải ở Đông Cao Sơn. Riêng Cao Sơn, kế hoạch sẽ đầu tư 2 tuyến băng, trong đó tuyến 1, dự kiến sẽ đầu tư vào năm 2012, qua đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để đầu tư tuyến 2. Tuyến 1, dài hơn 4 km, công suất 20 triệu m3/năm, giá trị đầu tư ước tính khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, Công Ty than Cao Sơn đã cử 5 người sang vùng Nội Mông (Trung Quốc) để khảo sát, học tập kinh nghiệm đầu tư băng tải đá. Ông Phạm Quốc Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty, cho biết, xét về điều kiện sử dụng của tuyến băng (địa hình, độ dài tuyến băng, hệ số độ cứng đất đá) của bạn cũng tương đối giống Cao Sơn; thậm chí, tuyến băng của bạn dài hơn (khoảng 7 km); hệ số đất đá cao hơn. Tuy vậy, hệ thống băng hoạt động rất ổn định và hiệu quả. Qua đó, lãnh đạo Công ty than Cao Sơn nhận định, băng tải đá hoàn toàn phù hợp với địa hình, tính chất cơ lý đất đá và một số yếu tố khác ở Cao Sơn. Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Chế tạo Máy-Vinacomin, người nhiều năm làm việc ở Cao Sơn cũng khẳng định, Công ty Chế tạo máy đủ năng lực để chế tạo nhiều chi tiết của tuyến băng như rườm băng, con lăn, giá đỡ… Tuy nhiên, nhiều thiết bị hiện đại như băng lõi thép, trạm nghiền (dùng để đập nghiền đá quá cỡ thành đá tiêu chuẩn của băng), hệ thống điều khiển… thì ở Việt Nam chưa có nơi nào chế tạo được, phải nhập ngoại, rất đắt.
Khó khăn lớn nhất về đầu tư hệ thống băng tải đá hiện nay là vốn. Với tổng mức đầu tư cho 2 tuyến băng ước tính khoảng 6 nghìn tỷ là vượt quá khả năng tài chính của Công ty. Nhưng nếu không đầu tư hệ thống băng tải đá thì chưa biết chọn phương án nào khác. Công ty cũng đang đề nghị Tập đoàn giúp Công ty tháo gỡ khó khăn về vốn. Nếu khó khăn này được giải tỏa, phương án đổ thải bằng tải đá ở Cao Sơn mới khả thi.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nong-bong-bai-thai-dong-cao-son-345.htm” button=”Theo vinacomin”]