Toàn cảnh thành phố Hạ Long (Ảnh nguồn IT)
Từ những miền quê trên khắp dải đất hình chữ S, họ đã lựa chọn vùng mỏ là nơi “đất lành” để lập nghiệp và lựa chọn công việc dù lắm vất vả, gian nan nhưng cũng đầy vinh quang để trở thành một người thợ lò. Để rồi từ sự gắn bó tưởng chừng chỉ là “cơm áo gạo tiền” ấy, tình yêu dành cho mỗi đường lò, gương than, cho mảnh đất giàu “vàng đen”này ngày càng lớn dần. Họ luôn dành thời gian, dù là bằng những cách khác nhau, để đón nhận không khí thiêng liêng mỗi khi tết đến xuân về trên mảnh đất mà họ đã coi như quê hương thứ hai của mình.
“Để giúp nhà báo hiểu hơn về việc thợ mỏ chuẩn bị đón Tết ra sao, tôi sẽ đưa bạn trực tiếp đến thăm các gia đình thợ mỏ nhé” – từ câu nói ấy tôi theo chân anh bạn đã quen biết nhiều năm rong ruổi cả buổi tối của một ngày cuối năm. Trong ngôi nhà nhỏ nhưng gọn gàng ấm áp trên một con dốc nằm ở khu 6, phường Cao Thắng – Hạ Long, đôi vợ chồng trẻ Phạm Ngọc Tới, Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ điện vận tải Cao Thắng, Công ty than Hòn Gai – Phạm Ngọc Thoa đang ngồi cùng nhau xem bóng đá và bàn luận sôi nổi. Khi thấy người quen (anh bạn tôi) đến chơi, hai vợ chồng tươi cười mời vào nhà cùng trò chuyện. Câu chuyện của chúng tôi rôm rả hơn khi nhắc đến đề tài Tết. “Hai vợ chồng em lấy nhau đã 5 năm mà tính ra mới được đón Tết trọn vẹn cùng nhau có một lần thôi đấy chị ạ” – Thoa chia sẻ. Tới ngồi kế bên cười ngượng nghịu đáp, “Cũng bởi do đặc thù công việc chị ạ. Phân xưởng Cơ điện vận tải luôn phải có bộ phận túc trực trong suốt dịp nghỉ Tết. Vì vậy, tùy vào lịch bố trí trực của Phân xưởng, hai vợ chồng em sẽ thu xếp ngày về quê ăn Tết với gia đình nội ngoại hai bên vì quê chúng em cùng ở Thanh Hóa. Hoặc là hai vợ chồng cùng về quê từ 28 Tết, đến lịch trực em lại ra trước để làm việc, Thoa ở lại cùng bố mẹ đến hết mùng 6 rồi mới trở lại Hạ Long. Hoặc là vợ em sẽ thu xếp về quê trước, em ở lại làm việc rồi về quê sau. Đã 9 năm gắn bó với Than Hòn Gai, em đã quen với lịch trình đón Tết như vậy rồi. Bố mẹ ở quê và vợ em cũng hiểu và thông cảm cho công việc của em chị ạ”. Tới chia sẻ thêm là những năm gần đây Công ty than Hòn Gai bố trí xe đưa đón công nhân lao động về quê mỗi dịp tết nên việc đi lại rất thuận tiện, không phải lo lắng chen chúc đông người. “Có nhà riêng rồi hai vợ chồng có năm nào đón giao thừa ở Hạ Long không?” – tôi hỏi. Thoa nhanh nhẹn đáp lời: “Là năm đầu tiên chúng em có nhà riêng chị ạ. Còn bình thường vì chưa vướng bận con cái nên chúng em vẫn lựa chọn về quê ăn tết. Nhưng không khí tết ở vùng mỏ cũng nhộn nhịp, vui lắm. Trước tết, các nhà trong xóm chung nhau mổ lợn, gói bánh chưng. Xong cùng quây quần trông nồi bánh cùng nói chuyện rôm rả, ấm cúng lắm”.
Chia tay gia đình vợ chồng Tới – Thoa, anh bạn nói sẽ đưa tôi đến một gia đình thợ lò trên đồi cao. Quả thật, gia đình thợ lò Vũ Mạnh Tuấn, Phân xưởng số 1 Giáp Khẩu, Công ty than Hòn Gai phải đi qua nhiều đoạn dốc và nằm tận trên ngọn đồi cao ở khu vực 4, phường Trần Hưng Đạo – Hạ Long. Tuấn quê ở Uông Bí nhưng lại lựa chọn Công ty than Hòn Gai làm nơi lập nghiệp bởi một lý do rất đơn giản Tuấn tin tưởng một mỏ có bề dày truyền thống như vậy sẽ là một môi trường tốt để Tuấn làm việc và phát triển. Đã gắn bó với Công ty cũng gần 10 năm và từ năm 2015 khi có nhà riêng, hai vợ chồng Tuấn đều lựa chọn đón tết tại Hạ Long trong ngôi nhà nhỏ ấm áp của mình. Tuấn tươi cười chia sẻ, “Khi bắt đầu Công ty cho nghỉ Tết là hai vợ chồng em đưa nhau đi mua sắm một số đồ để mang về quê biếu hai bên nội ngoại. Cả gia đình sẽ về quê trong một hoặc hai ngày nhưng kiểu gì ngày 30 cũng phải có mặt ở Hạ Long để dọn dẹp nhà cửa, mua cành đào cây quất trang trí cho có không khí và sẵn sàng đón giao thừa tại nhà của mình. Đêm giao thừa thì vui lắm bởi mấy gia đình trong xóm sẽ đi chúc tết lần lượt từng nhà nhau, cùng nhau nâng những ly rượu chúc mừng năm mới, có năm đi hết xóm là đến sáng ngày hôm sau luôn. Vợ chồng em và hai cháu thường là mùng 2 sẽ về quê, thực hiện “mùng 3 tết nội, mùng 4 tết ngoại” rồi sau đấy trở lại Hạ Long chuẩn bị sẵn sàng cho công việc”.
Chùa Long Tiên rộn ràng ngày Tết (Ảnh nguồn IT)
Có những điểm khác so với hai gia đình thợ lò trẻ, gia đình anh Bùi Văn Nhất – Tổ trưởng Công trường Cơ giới hóa khai thác 2, Công ty CP than Hà Lầm lại lựa chọn cách đón giao thừa rất đặc biệt. Đã hơn 20 năm gắn bó với đất mỏ, anh Nhất luôn chọn cách đón giao thừa cùng lãnh đạo và đông đảo thợ mỏ – những đồng đội của anh ngay tại mặt bằng khai trường sản xuất của Công ty. Mặc dù anh là con trai duy nhất trong gia đình có 5 người con ở miền quê Thanh Hà, Hải Dương nhưng thời khắc thiêng liêng của năm mới anh vẫn dành cho những con người và vùng đất mà anh đã lựa chọn gắn bó mấy chục năm qua. “Đã thành cái nếp, thành thói quen rồi. Bố mẹ ở quê cũng hiểu và ủng hộ việc gia đình tôi ở lại đón giao thừa tại Công ty. Giây phút ấy đối với vợ chồng tôi ý nghĩa lắm. Cả hai vợ chồng đều làm trong mỏ. Đêm giao thừa đều cùng nhau lên mặt bằng khai trường chung niềm vui đón giao thừa, cùng nâng ly chúc mừng năm mới với đồng nghiệp của mình. Không có khoảng cách giữa lãnh đạo với người lao động, chỉ còn những tình cảm thân tình của người thợ mỏ. Chúng tôi cùng nhau uống rượu, trò chuyện về một năm cũ đã qua và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Không khí cứ rộn ràng như vậy cho đến khi qua 12h, hai vợ chồng lại đi chùa Long Tiên để cầu chúc may mắn, sức khỏe cho cả gia đình. Thường đến chiều mùng 1 hoặc sáng mùng 2 là cả nhà về quê để đoàn tụ, ăn Tết với ông bà. Mùng 4 thì như thành một “quy định bất thành văn” của Phân xưởng là sẽ đi thăm chúc Tết các thành viên, sau đó sẽ tập hợp nhau tại nhà của Quản đốc. Đây vừa là buổi liên hoan đầu năm vừa là buổi lãnh đạo Phân xưởng sẽ trao đổi về những nhiệm vụ cần phải làm trong năm mới với mọi người. Nói chung không khí tết ở vùng mỏ rộn ràng lắm, vui lắm. “Thế hệ thứ hai” là cậu con trai nhỏ của tôi năm nào cũng theo chân bố mẹ lên mỏ đón giao thừa đấy” – anh Nhất hào hứng chia sẻ.
Mỗi thợ lò lựa chọn đón Tết một cách khác nhau. Nhưng đối với họ, dường như Tết trên đất mỏ đã trở nên thân thuộc, ấm áp như chính trên quê hương máu thịt của mình vậy…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/noi-tinh-yeu-bat-dau-201901310953250361.htm” button=”Theo vinacomin”]