… Nhưng nghe các anh nói, nhìn cách các anh cười, ánh mắt lấp lánh trên khuôn mặt bám đầy nhọ than, tôi biết, đó toàn là những kỷ niệm buồn vui để đời của họ. Và tôi nghĩ, phải chăng nghề làm than đầy hiểm nguy, vất vả, có những mệt nhọc tưởng chừng sắp buông tay nhưng chính những thứ đó lại là thứ hành trang quý giá, một bảo vật trân quý hơn cả tiền bạc, thậm chí cả bản thân mình, để rồi những người thợ lò thêm yêu công việc của mình hơn, muốn gắn bó và cống hiến cho công việc của mình hơn?..
Quần áo bảo hộ nai nịt gọn gàng từ đầu tới chân, bình tự cứu, bỏ lại tất cả các thiết bị điện tử như điện thoại, máy ghi âm, máy ảnh, chúng tôi vào lò.
Chuyện đi lò quả thật không đơn giản…
đúng tên gọi, công trình thượng thông gió, khu Tây Bắc I, mức -230 -:- -150 nằm sâu khoảng -200m so với mặt phẳng thuỷ chuẩn, xa khoảng 4 km tính từ cửa lò. Để tới công trình, chúng tôi đi bằng 2 phương tiện: Song loan và tời ngựa (ngồi cáp treo). Nói tới tời ngựa tôi lại bật cười vì chỉ thiếu một chút nữa thôi là chúng tôi không được vào lò vì phương tiện này, bởi cánh đàn ông đi cùng phân vân không hiểu liệu phương tiện này có đảm bảo an toàn cho người sử dụng là nữ giới hay nói một cách khác là phụ nữ có “nhảy” lên được tời này theo đúng nhịp độ của tời hay không.
Theo cảm nhận riêng của tôi, các phương tiện trang bị cho thợ lò ngày nay tương đối hiện đại, tiện ích. Riêng sự ‘hiện đại hóa’ chiếc đèn mỏ cũng đã giảm cho người thợ hơn 1,5kg. Bây giờ chiếc đèn chỉ 200 gram, gắn trên mũ nhẹ tênh, lại có độ sáng cao thấp tùy ý, có thể sử dụng liên tục 12 tiếng đồng hồ. Còn chiếc bình dưỡng khí tự cứu cũng nhỏ gọn hơn cái bi đông đựng nước. Khi gặp sự cố, chỉ cần mở nắp là có khí ô xy sạch để thở trong hơn một giờ.
Khi vừa ngồi lên tời, một luồng gió mát lạnh thổi từ trong đường lò sâu hoắm, tối như hũ nút thốc mạnh vào người. Càng xuống sâu, gió trở nên khô khốc, mồ hôi khắp người tôi túa ra nhơm nhớp. Hệ thống thông gió công suất lớn lắp đặt trong hầm có nhiệm vụ khuếch tán sự tích tụ của khí độc, kêu ro ro. “Nếu không có hệ thống thông gió này thì mọi hoạt động trong hầm lò bị đình trệ”- anh Đoan nói.
Ðã được huấn luyện cấp tốc một số kỹ năng vận động trong hầm lò, nhưng khi xuống lò tôi mới hiểu kỷ luật lao động có ý nghĩa sống còn như thế nào với người thợ mỏ. Câu hát “Thợ mỏ vào ca cũng là chiến sỹ” tôi đã nghe nhiều lần nhưng có vào trong lò mới cảm nhận hết ý nghĩa bởi cách vận động trong hầm lò của thợ mỏ chẳng khác nào những người lính hành quân. Người sau bao giờ cũng đặt chân vào đúng vết ủng của người đi trước. Nếu không có thể bị thụt hố nước, kẹt vào thanh ray hoặc bị băng tải than cuốn. Bên trên, bất cẩn va đầu vào thanh đỡ chống lò.
Dừng chân ở mức -80m để chuyển qua đi song loan, ấn tượng đầu tiên với tôi khi bước vào khu giếng là các đường lò cao rộng, thông thoáng, đường đi lại từ cửa lò giếng cho đến nhiều các đường lò xuyên vỉa, dọc vỉa tương đối thuận tiện. Đi một đoạn, chúng tôi gặp một sân ga nhỏ hiện ra, những đoàn goòng to chứa vật liệu cất tiếng kẽo kẹt rồi những goòng đất đá kéo từ những gương lò ra… nằm dài đang chờ được tời trục kéo lên.
Đi thực tế trong lò, tâm sự với những người thợ ở mới thấu hiểu nỗi cực nhọc, vất vả của họ. Cũng ở dưới lòng đất sâu này, tôi có cảm giác những người thợ mỏ coi mọi khó khăn chỉ như là chuyện đào lò gặp phải khối đá cứng vậy. Sẵn sàng đối mặt, sẵn sàng vượt qua! Vậy nên, dù rất quan tâm đến thu nhập của thợ lò bởi Tạp chí chúng tôi đang có một chuyên đề dài hơi về vấn đề này, nhưng câu chuyện rôm rả và hứng thú nhất của cánh thợ lò bên máng cào than cuối cùng rồi cũng quay về với chuyện nghề, với cái nghiệp làm than. Từ câu chuyện nổ khí mê tan năm 1999 của những người thợ lò cao tuổi của Than Mạo Khê; tới chuyện Hầm lò II sẽ đầu tư 1 dây chuyền máy Combai đào lò hiện đại. Bao nhiêu là từ ngữ, khái niệm chuyên môn nghề mỏ mà thú thật tôi cũng không hiểu hết. Nhưng nghe các anh nói, nhìn cách các anh cười, ánh mắt lấp lánh trên khuôn mặt bám đầy nhọ than, tôi biết, đó toàn là những kỷ niệm buồn vui để đời của họ. Và tôi nghĩ, phải chăng nghề làm than đầy hiểm nguy, vất vả, có những mệt nhọc tưởng chừng sắp buông tay nhưng chính những thứ đó lại là thứ hành trang quý giá, một bảo vật trân quý hơn cả tiền bạc, thậm chí cả bản thân mình, để rồi những người thợ lò thêm yêu công việc của mình hơn, muốn gắn bó và cống hiến cho công việc của mình hơn?
Và ngay cả khi tôi cố gắng khai thác, thì họ chia sẻ giản dị thế này: “Em vào nghề đã hơn một năm, lương mỗi tháng khoảng 11 triệu đồng. Làm thợ lò vất vả nhưng dần cũng quen và thấy vui. Vui nhất là những tháng vượt nhiều ngày công và nhận được nhiều tiền. Ước mơ lớn của em là kiếm được nhiều tiền để giúp gia đình và lấy vợ” (Nguyễn Văn Hoà – Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II, quê Hải Dương). Hay: “Nhà tôi mấy người đều làm thợ lò, anh trai, tôi và mấy đứa em họ nữa. Muốn làm thợ lò trước hết phải có sức khỏe, phải chịu khó và điều quan trọng là phải chấp hành nghiêm kỷ luật lao động của mỏ nhất là khi xuống hầm lò” (Hoàng Văn Chung, Công ty than Mạo Khê, quê Đông Triều – Quảng Ninh”. Hoặc: “Vợ em làm nông, 2 đứa con lại đang tuổi ăn học nên em cố gắng làm được nhiều công, thêm đồng nào tốt đồng đấy để lo cho vợ con. Các chị xuống tận đây động viên là bọn em thấy cảm động lắm rồi. Bình thường có bao giờ có phụ nữ trong lò đâu.” (Nguyễn Hoàng Xuyên – Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II). Nghe tâm tư thật hồn nhiên và ngắm những nụ cười lấm lem than bụi, tôi tin rằng nguồn năng lượng trầm tích từ mấy trăm triệu năm trước đã hun đúc nên khí chất quả cảm của con người Đông Bắc.
Càng xuống sâu trong lò, không khí càng đặc quánh lại, hầm hập hơi nóng. Càng đi sâu vào các vỉa, nước dưới đất lùng nhùng đen đúa, còn phía trên nước ngầm thấm qua vách hầm tí tách nhỏ giọt lên mũ. Đường trong lò như hình xương cá. Được hướng dẫn, tôi đi vào giữa đường ray xe goòng cho đỡ bùn nhưng chú ý song loan đi tới. Anh Đoan giải thích, chúng ta đang đi trong đường lò xuyên vỉa, mỗi một ngã ba là một lối rẽ sang một vỉa than khác nhau, đó là đường lò dọc vỉa. Từ đường lò này mới xuống được các lò chợ, là nơi khai thác than. Bước chân vào mỗi cửa lò mới, gió hút mạnh táp vào mặt, vào người se lạnh, nhưng cứ càng đi vào sâu, đặc biệt là qua mỗi ngã ba không khí càng nóng và ngột ngạt hơn.
Từ xa, tôi thấy loang loáng ánh đèn và có tiếng cuốc, tiếng người. Trên một đoạn hầm, mấy chục thợ của Xây dựng mỏ Hầm lò II đang dàn trận làm nhiệm vụ xây lắp của mình. Mỗi người một việc, tất bật, nhộn nhịp. Trong lò chỗ nào cũng có người và thiết bị làm việc. Tiếng quạt gió ro ro, tiếng những tốp thợ vận chuyển vật liệu rì rầm, đất đá ra ầm ầm… làm cho không khí sản xuất trong lò rất nhộn nhịp. Không khí hầm hập hơi nóng và đặc quánh bụi than. Vì không đeo khẩu trang mà tôi bị sặc bụi than, mồ hôi túa ra bết cả lưng áo. Ở đây, thợ mỏ ai nấy đều đeo khẩu trang dày cộp, thế mà bụi than vẫn thẩm thấu vào tận phổi. Bệnh bụi phổi xưa nay luôn là vấn nạn của các vùng mỏ trên thế giới. Ngành Than năm nào cũng có người phải đi rửa phổi. Tôi nhớ có lần một bác sỹ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp của Bệnh viện 108 có nói rằng, chỉ cần nhìn vào bình chứa dịch từ phổi chảy ra của thợ mỏ là biết ngay anh ta là thợ đào lò đá hay lò than. Bởi nếu là thợ khai thác thì nhất định dịch đen như than, còn thợ đào lò đá thì bình dịch đục như nước vo gạo.
Cùng chúng tôi đi lò hôm ấy có GĐ Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II Phạm Công Hương – người đã gắn bó hàng chục năm trời với gương than, với những người thợ mỏ. Ông chia sẻ, thấu hiểu nỗi vất vả của thợ lò, vậy nên để hoàn thành khối lượng công việc năm 2014, Xây dựng mỏ Hầm lò II luôn đặt công tác an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ mỏ là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh các giải pháp sáng tạo trong lao động sản xuất, Công ty còn chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ nhằm giảm bớt số lượng người làm việc trong dây chuyển cũng như những độc hại trong lò. Công ty đã đẩy mạnh triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng. Nhiều máy móc hiện đại như máy khoan tamrock, búa khoan SIG, máy xúc đá, hệ thống băng tải… được đưa vào hoạt động góp phần cải thiện điều kiện lao động cho anh em kíp thợ. Năm 2014, theo kế hoạch Công ty sẽ đầu tư 1 dây chuyền máy Combai đào lò hiện đại, khi máy vào hoạt động có thể thay thế được từ 40 – 50 công nhân đào lò bằng phương pháp truyền thống khoan nổ mìn. Song song với việc triển khai các biện pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận, phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất được phát huy rộng khắp tại các phân xưởng, tổ đội sản xuất.
Đến với những công trình của Xây dựng mỏ Hầm lò II mới thấy, những người thợ “thiện chiến”, bằng con tim, khối óc và sự sáng tạo của mình đã và đang tạo dấu ấn nổi bật cho ngành Than qua việc thi công những công trình xây dựng chuyên ngành mỏ với “Nguồn lực mạnh, Tiến độ nhanh, Chất lượng tốt”. Đây cũng là cơ hội mới tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn của Công ty trong thời gian tới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/noi-ham-toi-la-noi-sang-nhat-9178.htm” button=”Theo vinacomin”]