Lại một mùa mưa nữa đến. Không hiểu sao mùa mưa lại trở thành nỗi ám ảnh lớn đến thế, nhất là đối với những người Thợ mỏ. Mùa mưa năm nay, mặc dù các đơn vị đã đầu tư lớn, chuẩn bị khá kỹ càng ở tất cả các vị trí sản xuất, nhưng dường như đối với thiên nhiên, tất cả vẫn chỉ là phép nhiệm màu.
Một góc kho than Hà Tu bị thiệt hại do mưa lũ năm 2015
Những cơn mưa rào đầu mùa mưa tháng 7 vừa qua tại vùng than Quảng Ninh đã thực sự làm cho nhân dân Quảng Ninh nói chung và hàng vạn Thợ mỏ nói riêng không thể không lo lắng. Mới là trận đầu mùa, lượng mưa không lớn, nhưng lũ quét đã cuốn đi 3 sinh viên trên đường đi làm các hoạt động thiện nguyện. Nhiều khu vực trên địa bàn các thành phố, khu công nghiệp ngập nước và đã có những thiệt hại đầu tiên. Trận mưa này làm người ta ám ảnh và nhớ đến trận mưa lịch sử cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm ngoái. Chỉ trong vòng hơn 2 ngày 2 đêm trút nước, toàn tỉnh Quảng Ninh đã bị “cuốn trôi” hai ngàn tỷ đồng, trong đó riêng ngành Than cũng đã bị thiệt hại 1.200 tỷ đồng. Nhiều mỏ than và các công trường, phân xưởng phải mất vài tháng mới có thể sản xuất trở lại. Trong đó, có những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai, đó là một số gia đình có người thân không bao giờ trở lại. Cuộc chiến với thiên nhiên, dường như là một cuộc chiến không cân sức.
Biến đổi khí hậu với nhiều bất thường đã và đang hiện hữu xung quanh chúng ta và trên toàn thế giới. Nó đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống và siết chặt tay nhau trong cuộc chiến này. Năm nay, tại khu vực Mông Dương, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận mưa lớn năm 2015, Tập đoàn và các đơn vị đã tập trung hoàn thành đập tràn H10. Tại khu vực này ngoài đập chắn, các kỹ sư cũng cho xây dựng một hố lắng bùn trước khi thoát nước. Ở khu vực hầm mỏ, hệ thống bơm nước đã được nâng cấp và củng cố có thể đáp ứng yêu cầu bơm nước với lưu lượng cao hơn nhiều lần thiết kế ban đầu. Các khu vực đập, kè bãi thải thuộc các đơn vị Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai cũng đã được các đơn vị này đầu tư nhiều tỷ đồng củng cố để đảm bảo an toàn hơn. Khu vực Hòn Gai, các kho cảng của Công ty Kho vận Hòn Gai cũng được nâng cấp, bê tông hóa. Nhiều tuyến đường huyết mạch được kè đá và xây dựng các hố lắng để giữ giao thông thông suốt khi có mưa lũ. Còn tại khu vực Uông Bí, Mạo Khê, các đơn vị cũng đã triển khai các phương án phòng mưa lũ với mức độ dự kiến cao hơn nhiều lần những năm trước.
Có thể nói, hầu hết các đơn vị trong khối sản xuất hầm lò đã nâng cấp hệ thống bơm công suất lớn hơn để lường trước những bất thường của thời tiết. Ai cũng gọi trận mưa lũ năm 2015 tại Quảng Ninh là “trận mưa lũ lịch sử” bởi lưu lượng của nó quá cao, gấp hàng vài chục lần những trận mưa lớn khác, khiến tất cả đều bị ngỡ ngàng. Các đơn vị trong khối khai thác lộ thiên đã chủ động xây dựng các phương án thoát nước trên khai trường sản xuất cũng như các khu vực xung quanh bãi thải… nhằm đảm bảo an toàn hơn. Các đơn vị kho vận, sàng tuyển than cũng đã triển khai phương án bảo vệ kho bãi, nhà máy, phòng chống thất thoát than khi có mưa lớn. Về phía Trung tâm Cấp cứu mỏ cũng được “lên giây cót” với các chiến sỹ, sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống có thể xảy ra… Tất cả các bộ máy tổ chức phòng chống mưa bão, tìm kiếm cứu nạn của các cấp đã được triển khai. Tuy nhiên, thiên nhiên và thời tiết cực đoan trong giai đoạn hiện nay là vô cùng phức tạp. Chúng ta cần triển khai và đề ra mọi tình huống giả định để luôn có sự chủ động cao nhất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/noi-am-anh-mua-mua-201608011701503162.htm” button=”Theo vinacomin”]