Đến nay, không còn nghi ngờ gì về tính hiệu quả của 2 dự án bauxite. Với giá thế giới hiện dao động khoảng 300 – 320 USD/tấn, Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã có lãi ngay từ đầu năm 2017. Kết thúc 6 tháng đầu năm, toàn Tổ hợp đã lãi trên 60 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, lãi trên 60 tỷ đồng
Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã đi vào vận hành, sản xuất thương mại từ tháng 10/2013. Trước đó theo phương án đầu tư, Dự án sẽ lỗ kế hoạch trong 4 năm đầu đi vào sản xuất kinh doanh.
“Hiện, Công ty Nhôm Lâm Đồng nằm trong Top 30 nhà máy có giá thành sản xuất có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới”
- -TGĐ Tập đoàn Đặng Thanh Hải –
Đó là chưa kể từ ngày 1/1/2016, đã phát sinh thêm thuế xuất khẩu alumin 2%, giá tính thuế tài nguyên bauxite của tỉnh Lâm Đồng tăng từ 140.000 đồng/tấn lên 170.300 đồng/tấn quặng nguyên khai, nên đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của Dự án.
Mặc dù vậy, bằng những nỗ lực của tập thể CBCNV Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng (đơn vị vận hành Tổ hợp) trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng và quản trị chi phí đã đã tạo ra các kết quả hết sức có ý nghĩa trong việc giảm giá thành qua các năm: Từ mức giá thành vận hành thuê 5.181.000 đồng/tấn alumin bình quân năm 2014. Năm 2016 đã giảm xuống còn 4.107.000 đồng/tấn alumin. Kế hoạch năm 2017, đơn giá bình quân dự kiến tiếp tục giảm xuống còn 3.935.000 đồng/tấn alumin (chỉ còn bằng 76% so với giá thành ở thời điểm ban đầu năm 2014).
Với giá xuất khẩu alumin của thị trường hiện nay khoảng 300 – 320 USD/tấn alumin, Dự án bắt đầu tự cân bằng thu chi, thời gian lỗ kế hoạch không bị tăng và bắt đầu có lãi ngay từ năm 2017.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng alumin quy đổi sản xuất đạt 325.900 tấn, tương đương 51% kế hoạch năm, bằng 114% cùng kỳ năm 2016; doanh thu đạt 2.086 tỷ đồng; lợi nhuận trên 60 tỷ đồng.
“Lợi nhuận doanh nghiệp song hành với lợi ích người dân”…
… là phương châm hành động của Ban lãnh đạo Công ty.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Minh Thành – Tổng Giám đốc Công ty – cho biết, trong quá trình khai thác, Dự án tuân thủ theo đúng thiết kế được duyệt, khai thác theo hình thức cuốn chiếu và hoàn thổ từng phần. Khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó, sử dụng đất màu khi bóc phủ để san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây. Thêm vào đó, Công ty cũng đã đầu tư đắp đập, tạo hồ Cai Bảng có dung tích 20 triệu m3, nhằm dẫn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và hỗ trợ cho địa phương tưới tiêu.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Dự án đã tổ chức quy hoạch khu tái định cư và tái định canh. Khu tái định cư thuộc thị trấn Lộc Thắng với diện tích 48,6ha đủ đáp ứng nhu cầu người dân trong vùng Dự án. Công ty còn xây dựng hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số 29 căn nhà; hiện đang hỗ trợ Thị trấn Lộc Thắng xây dựng 17 nhà sinh hoạt của các tổ dân phố, trước hết năm 2017 đã hỗ trợ xây dựng 4 nhà với giá trị gần 3 tỷ đồng… Công ty cũng đã đầu tư xây dựng 4 trường học (từ mẫu giáo đến trung học cơ sở), hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các địa phương khác của tỉnh phát triển kinh tế để thoát nghèo… Tổng kinh phí chi cho các hoạt động an sinh xã hội tại Lâm Đồng từ khi bắt đầu Dự án đến nay là trên 263,5 tỷ đồng, chưa kể số tiền hỗ trợ cải tạo tỉnh lộ 725 (đi qua tỉnh Lâm Đồng với tổng giá trị là 177 tỷ).
Ông Trần Ngọc Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho biết, địa phương đã đánh giá cao tính hiệu quả của Dự án về mặt xã hội. Không những đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 1.700 lao động, Dự án còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của địa phương và các ngành nghề kinh tế khác có liên quan phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ Alumin.
Để môi trường không còn là nỗi lo
Tới thực tế tại 3 hồ chứa bùn đỏ cũng như các hồ thải quặng đuôi, mới thấy công tác xử lý môi trường được TKV và Công ty Nhôm Lâm Đồng chú trọng tối đa.
Hiện tại, Công ty đang đầu tư nghiên cứu thử nghiệm áp dụng công nghệ thải mới cho việc thải quặng đuôi nhà máy tuyển, lọc ép kho bùn đỏ, khuyến khích, xúc tiến các chương trình tái sử dụng bùn thải quặng đuôi, tro xỉ, bùn đỏ…; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới trong sản xuất như: vải lọc, chất trợ lắng, hóa chất trợ lọc, hỗ trợ quá trình kết tinh…
Vừa qua, quá trình lấy mẫu quan trắc môi trường tại Dự án Tổ hợp Bauxite – Nhôm Tân Rai được Trung tâm Quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện dưới sự giám sát công khai của người dân địa phương. Theo kết quả công bố, các thông số về nguồn nước, không khí và tiếng ồn tại Dự án Tổ hợp Bauxite – Nhôm Tân Rai nằm trong ngưỡng an toàn cho phép theo các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đã quy định.
Để làm chặt chẽ hơn công tác bảo vệ môi trường, Công ty không ngừng đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại như hệ thống giám sát, kiểm soát nguồn nước tại Nhà máy Alumin và Nhà máy tuyển… với tổng giá trị hơn gần 10 tỷ đồng để phân tích, theo dõi các yếu tố tác động đến môi trường nước, không khí và tiếng ồn khu vực Nhà máy Alumin. Đặc biệt, 2 hệ thống quan trắc của Sở TNMT và Công ty Nhôm Lâm Đồng luôn tiến hành theo dõi hoạt động của Nhà máy Alumin theo định kỳ hàng tháng. Đối với công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đến nay, Công ty đã hoàn thổ được hơn 80 ha đất đã khai thác quặng và bàn giao cho đơn vị thực hiện trồng và hiện đã trồng được hơn 60 ha cây keo xen cây thông với mật độ 2.000 cây/ha. Để cải tạo cảnh quan vùng dự án, Công ty đã trồng thêm hơn 8.000 cây keo xung quanh khu vực hồ bùn đỏ và Nhà máy tuyển quặng…
“Chúng tôi thừa nhận, trong quá trình Nhà máy Alumin hoạt động đã có những tác động làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Song chúng tôi khẳng định, những tác động đó đang được chúng tôi kiểm soát và xử lý có hiệu quả đảm bảo trong ngưỡng an toàn cho phép dựa trên các thông số QCVN đã được quy định. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những giải pháp “căn cơ” để bảo vệ môi trường khu vực Dự án trong thời gian tới ngày một tốt hơn” ông Vũ Minh Thành khẳng định.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/niem-tin-duoc-khang-dinh-20170803143023128.htm” button=”Theo vinacomin”]