Trong sản xuất, vai trò của cán bộ cấp công trường, phân xưởng và các chuyên gia kỹ thuật đặc biệt quan trọng. Họ là những người miệng nói tay làm, chỉ đạo sản xuất kinh doanh ở vị trí thực tế nhất. Những diễn biến quan trọng về năng suất, chất lượng, an toàn hay nhiều tình huống bất ngờ… đều được cán bộ chỉ huy cấp công trường, phân xưởng xử lý đầu tiên.
Đến 2030 TKV sẽ phấn đấu có trên 80% tổng số lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp (Ảnh minh họa: Mỹ Hạnh)
Cán bộ chỉ huy phân xưởng – Miệng nói tay làm
Anh Đỗ Minh Yên, Phó Quản đốc Công trường Khai thác 3, Công ty than Khe Chàm cho biết, trong một ca, anh phải đi lại không biết bao nhiêu lần dọc theo chiều dài lò chợ. Những thay đổi nhỏ tại tất cả các vị trí đều được anh kiểm soát và bố trí công nhân củng cố để đảm bảo an toàn trước khi khấu than. Đầu mỗi ca, anh được cán bộ ca trước bàn giao khá kỹ càng, từng vì lò, từng vị trí. Mặc dù vậy, trong khai thác than hầm lò luôn có những diễn biến bất thường cần phải xử lý kịp thời. Thực tế, có những vị trí lò yếu, nước trong vỉa than thoát ra nhiều, anh cùng anh em trong ca phải xử lý ngay, đưa ra những quyết sách kịp thời trước khi báo cáo với cán bộ chỉ huy điều hành cấp trên. Những lúc đó, anh cũng như các đồng nghiệp là những người thợ khác, tay cầm choòng, cuốc, cà lê, mỏ lết… vừa làm vừa chỉ đạo anh em khắc phục khó khăn.
Đây là phác họa công việc của hầu hết cán bộ trực ca, Phó quản đốc các công trường, phân xưởng, không riêng trong lĩnh vực hầm mỏ, mà ở mọi lĩnh vực, nghề nghiệp khác trong sản xuất kinh doanh. Mới thấy, vai trò của các cán bộ chỉ huy cấp công trường phân xưởng là đặc biệt quan trọng. Xác định điều đó, từ nhiều năm qua, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các Ban tham mưu, các đơn vị phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ chỉ huy cấp phân xưởng. Tuy nhiên, cán bộ chỉ huy cấp công trường, phân xưởng luôn có nhiều biến động về mặt tổ chức nên công tác bồi dưỡng cho đối tượng này cần được tăng cường thường xuyên hơn. Mới đây, Tập đoàn chỉ đạo Trường Quản trị Kinh doanh – Vinacomin chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu chuẩn hóa các chương trình, giáo trình và thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chức danh người chỉ huy sản xuất cấp phân xưởng là các Quản đốc, Phó quản đốc, trực ca vì đây là đối tượng cán bộ lãnh đạo trực tiếp tiếp xúc với công nhân, là nhân tố quyết định sự thành công trong chỉ đạo, điều hành sản xuất của Tập đoàn và Giám đốc các đơn vị thành viên. Song song với đó, Trường QTKD xây dựng lực lượng giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng có đủ trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng xử lý tình huống cao và uy tín trong chỉ huy sản xuất để trực tiếp giảng dạy chương trình này.
Chăm lo chuyên gia kỹ thuật trình độ cao
Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ và kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ cấp công trường, phân xưởng, Tập đoàn cũng chỉ đạo xây dựng các cơ chế quan tâm đặc biệt đến đội ngũ các chuyên gia kỹ thuật trình độ cao. Nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút, đào tạo, trọng dụng các chuyên gia kỹ thuật trình độ cao đã, đang và sẽ được áp dụng ngày càng tăng. Thực tế, những năm qua, Tập đoàn đã lựa chọn một số cán bộ kỹ thuật đi học tập tại các nước như Mỹ, Úc, Ba Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… về các chuyên ngành khai thác, đào lò, vận tải, thông gió mỏ, sàng tuyển… Các kỹ sư của các đơn vị, sau các khóa học tập về công tác đã trở thành nòng cốt trong kỹ thuật công nghệ của các mỏ, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong sản xuất của Tập đoàn ở nhiều lĩnh vực. Trong thời gian tới đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia kỹ thuật công nghệ sẽ tiếp tục được hưởng nhiều ưu đãi. Tập đoàn sẽ lấy con người là trọng tâm, làm đòn bẩy để đưa vào áp dụng khoa học công nghệ theo hướng hiện đại vào mọi lĩnh vực trong cả sản xuất và đời sống của người thợ. Thợ mỏ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển sản xuất. Lấy nhân lực chất lượng cao để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, đồng thời lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người thợ. Đó chính là mô hình của những mỏ khai thác than, khoáng sản hiện đại, ít người, lương cao, thân thiện môi trường…
Cụ thể, theo định hướng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn, từ năm 2019 đến 2025, mỗi năm Tập đoàn sẽ chủ trì lựa chọn ít nhất 10 lao động đưa đi đào tạo nước ngoài để trở thành các chuyên gia kỹ thuật, công nghệ cao đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi lĩnh vực phải có ít nhất một chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, và đến năm 2025, mỗi lĩnh vực phải có ít nhất 2 chuyên gia đầu ngành trình độ cao.
Với định hướng đó, các đơn vị thành viên sản xuất than, khoáng sản, điện lực, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, cơ khí; các đơn vị tư vấn, viện nghiên cứu, trường đào tạo… được chủ động triển khai thực hiện quy hoạch đội ngũ chuyên gia đầu ngành theo nguyên tắc mỗi lĩnh vực công nghệ và quản lý đều phải có các chuyên gia đầu ngành cấp đơn vị. Các đơn vị thành viên cũng căn cứ vào các quy hoạch đào tạo chuyên gia đầu ngành của đơn vị mình, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo chuyên gia ở trong nước và nước ngoài theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ngoài các nhiệm vụ về đào tạo chuyên gia kỹ thuật trình độ cao (tiến sỹ, thạc sỹ), đối với các lao động khác, các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo để phấn đấu đến năm 2025, các đơn vị có lao động đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề chiếm trên 60% tổng số lao động đơn vị, và đến năm 2030 sẽ có trên 80% tổng số lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-nguoi-mieng-noi-tay-lam-201810021024024248.htm” button=”Theo vinacomin”]