Thợ mỏ đã được vinh danh là những người chiến sỹ mỗi khi vào ca sản xuất than trong lòng đất sâu. Nhưng những người chiến sỹ thuộc Trung tâm Cấp cứu mỏ – Vinacomin, công việc còn nặng nề hơn. Ấy là khi xảy ra những sự cố bất ngờ, thợ mỏ rút lui ra vị trí an toàn mới là lúc họ ngược vào nơi nguy hiểm khắc phục sự cố, cứu người bị nạn. Chúng tôi gọi họ là “những người lính không có quân hàm”.
Nghề đặc biệt
Nghề cứu hộ mỏ có lẽ là nghề đặc biệt nhất trong những nghề đặc biệt. Bởi những lúc xảy ra sự cố, người ta thường chạy ra để thoát nạn thì những người lính cứu hộ lại lao vào nơi nguy hiểm nhất. Trong những đường lò sâu, nơi xảy ra sự cố với khí độc, bục nước, tụt lò…, những người làm công tác cứu hộ cần nhất là sức khỏe tốt, tinh thông nghề nghiệp và đặc biệt là lòng dũng cảm để sẵn sàng đối diện với khó khăn, nguy hiểm. Công việc của họ cần đến sự quả cảm, tinh nhuệ, kỷ luật thép không kém gì quân đội. Trong điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, công việc của mỗi “người lính không quân hàm” ấy càng đòi hỏi trách nhiệm nặng nề hơn. Nếu không có được bản lĩnh, họ sẽ khó vững vàng với nghề.
Có lẽ bởi vậy, ở Trung tâm Cấp cứu mỏ -Vinacomin, mỗi đội viên phải duy trì lịch huấn luyện dày đặc hàng ngày với đủ các loại hình từ thể lực cho đến các kỹ năng. Ngoài ra, mỗi tuần phải có 2 buổi tập với máy thở. Mỗi tháng có 4 bài kiểm tra thực hành các bộ môn. Định kỳ 2 lần/tháng huấn luyện giả định với mọi loại tình huống giả định từ bục nước, đổ lò, cháy lò, nổ khí. Mỗi quý một kỳ kiểm tra thể lực, điều lệnh đội ngũ, kết hợp chạy 100m mang thiết bị vượt chướng ngại vật. Cùng với đó, 2 năm 1 lần, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam lại tổ chức Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ chuyên nghiệp nhằm kiểm tra toàn diện việc rèn luyện sức khỏe, kỹ thuật cá nhân, tinh thần phối hợp và nâng cao bản lĩnh chiến đấu, đáp ứng được công tác cứu nạn – cứu hộ trong tình hình hiện nay.
Cứu hộ chỉ là việc cuối cùng không mong muốn…
Nói đến nghề cứu hộ mỏ, nhiều người nhầm tưởng đó chỉ là nghề ngồi chờ khi có sự cố xảy ra thì đến ứng cứu. Nhưng trên thực tế, họ đều phải trải qua công việc lao động thực tế trong hầm lò để tìm ra những nguyên nhân, nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế sự cố cho đơn vị tiếp tục sản xuất. Việc thứ hai mới là luyện tập sẵn sàng ứng cứu. Cứu hộ chỉ là việc cuối cùng không mong muốn.
Trải qua tuổi nghề làm thợ lò rồi làm chiến sỹ cứu hộ hơn hai thập kỷ, Kỹ sư Phạm Văn Triển, Trạm phó Trạm cấp cứu mỏ Cẩm Phả tâm sự, người làm “nghề cứu mỏ” trước hết phải là một thợ lò thực thụ bởi nếu không làm thợ thì làm sao có thể vào lò cứu hộ. Nhưng hơn thế là vì phải biết tìm ra những nguyên nhân, những hạn chế để xử lý sự cố, khắc phục khó khăn cho đơn vị tiếp tục sản xuất. Đó chính là cái cần thiết và quan trọng hàng đầu của mỗi chiến sỹ. Do đó, ngoài những giờ luyện tập khắc nghiệt, các anh lại tỏa đi khắp các đơn vị để đo khí, gió, cập nhật thông tin… để có những kiến nghị với đơn vị khắc phục, thủ tiêu những nguy cơ xảy ra sự cố. Nhưng dù cố gắng nhiều vẫn không tránh khỏi những lần sự cố xảy ra. Đó là lúc các anh như những con thoi trong các đường lò, vắt kiệt sức mình để chạy đua với thời gian. Anh cho rằng, trong cứu hộ, thời gian còn quý hơn cả vàng, vì nó có thể là máu của anh em đồng đội. Anh cho biết, lần cứu hộ nổ khí năm 2008 tại Công ty than Khe Chàm, trong điều kiện nhiệt độ quá cao, hàm lượng khí độc lớn cùng quá trình làm việc dài với cường độ cao trong lò, chiến sỹ Trần Văn Thản thuộc Trung tâm đã hy sinh. Anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Huy chương Tuổi trẻ Dũng cảm.
Còn Kỹ sư Vũ Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm, Trạm trưởng Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí thì cho rằng, cuộc chiến với sự cố trong khai thác hầm lò thực chất chẳng khác nào chống chọi với thiên nhiên. Mà sức mạnh thiên nhiên thì chúng ta đã hiểu, con người là quá nhỏ bé. Trận mưa lũ lịch sử năm 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ. Trung tâm Cấp cứu mỏ đã tung hết những loại bơm hiện đại nhất xuống các mỏ kết hợp với nhiều loại bơm hiện có của các đơn vị nhưng chẳng thấm tháp vào đâu.
Hiện nay, chúng ta đã kiểm soát được khí cháy nổ CH4 tại hầu hết các mỏ hầm lò. Chúng ta đã kiểm soát tốt áp lực mỏ khi đưa nhiều loại thiết bị dàn chống, vì chống hiện đại vào khai thác. Chúng ta cũng đã tổ chức thăm dò bục nước tại các vị trí quan trọng của những khu vực khai thác… Nhưng đó chỉ là sự nỗ lực vươn tới hệ số an toàn cao nhất, không thể chủ quan.
Mở rộng cứu hộ nhiều sự cố ngoài ngành
Ngoài việc thường trực tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống sự cố xảy ra tại các đơn vị trong Tập đoàn, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, với những sự cố bên ngoài ngành cần đến lực lượng cứu hộ tìm kiếm cứu nạn, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã điều động các chiến sỹ của Trung tâm cấp cứu mỏ – TKV đến với những nơi cần các anh nhất. Trong khó khăn, các anh sẵn sàng bằng kỹ năng và trách nhiệm của mình để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn. Có thể kể đến như trong vụ 12 công nhân bị mắc kẹt tại dự án Thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng năm 2014, các chiến sỹ Trung tâm Cấp cứu mỏ – Vinacomin trở thành nòng cốt trong đề xuất các giải pháp và tham gia trực tiếp chiến dịch cứu hộ. Họ đã phối hợp tốt với các lực lượng Công binh lập lên một kỳ tích, giải cứu an toàn cho những người bị mắc kẹt trong hầm thủy điện. Còn tại vụ cứu hộ trong khai thác than tại Hòa Bình năm 2016, các chiến sỹ Trung tâm Cấp mỏ – Vinacomin là lực lượng chính đi vào những ngõ ngách của hệ thống đường lò khắc phục sự cố.
Và cứ thế, những chiến sỹ cấp cứu mỏ vẫn hàng ngày, hàng giờ túc trực, sẵn sàng lên đường khi nghe đâu đó có những tai nạn mỏ xảy ra. Dẫu biết rằng những tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào, nhưng bằng bản lĩnh, sự anh dũng, kiên cường, các anh cùng những đồng đội đang công tác trong “Nghề cứu mỏ” vẫn vững vàng ý chí, sát cánh bên những người thợ mỏ trong sự nghiệp sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-nguoi-linh-khong-co-quan-ham-201810221014528613.htm” button=”Theo vinacomin”]