LTS: Hiện nay, nhiều đơn vị áp dụng cơ giới hóa trong khai thác hầm lò. Trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi, sự cố cần được khắc phục. TS. Phạm Đức Hưng, ThS. Nguyễn Văn Quang, Trường Đại học Mỏ – Địa chất đưa ra một vài kinh nghiệm trong xử lý tình huống mà lò chợ cơ giới hóa 11 – 1.14 vỉa 11 áp dụng tại Công ty CP than Hà Lầm là một ví dụ.
Xử lý khi chiều dài lò chợ có sự thay đổi
Trong quá trình khai thác chiều dài lò chợ theo độ dốc bị thay đổi làm cho các giá khung không chống giữ hết hoặc chống giữ vượt quá chiều dài lò chợ. Nguyên nhân do lò chợ gặp biến động địa chất (thay đổi góc dốc vỉa, gặp phay phá, đứt gãy, để lại trụ bảo vệ các công trình; công tác đào lò chuẩn bị; trong quá trình khai thác, phải thực hiện các công tác căn chỉnh gương khấu theo điều kiện địa chất đảm bảo điều kiện kỹ thuật an toàn. Việc tiến hành lắp đặt thêm dàn chống cho phù hợp với gương khấu mới là rất khó khăn vì dàn chống có trọng lượng lớn muốn lắp đặt bổ sung thêm phải lắp đặt kèm theo một hệ thống tời để kéo dàn chống rất phức tạp. Bên cạnh đó đường lò sau một thời gian bị áp lực nén làm tiết diện thay đổi dàn chống muốn di chuyển được cần phải xén sửa đường lò mất rất nhiều thời gian. Khi đó, biện pháp chống xén mở rộng đường lò thông gió sử dụng hộ chiếu hình thang để chống giữ, xén mở rộng đường lò sao cho hết phần chiều dài lò chợ tăng thêm là biện pháp khắc phục hiệu quả. Trong thực tế đôi khi chiều dài lò chợ cũng bị ngắn lại. Khi đó, tiến hành tháo bớt số lượng dàn chống trong lò chợ là không khả thi, việc điều chỉnh dàn chống theo một đường chéo sao cho chiều dài lò chợ tăng lên phù hợp với số dàn chống bị thừa ra rồi tiếp tục khấu gương.
Xử lý trường hợp đế dàn chống bị lún xuống nền
Trong quá trình khai thác có thể xảy ra hiện tượng lún nền do đất đá trụ vỉa có cường độ kháng lún thấp; áp lực đá vách lớn tác dụng lên dàn chống; lò chợ xuất hiện nước hoặc quản lý nước trong lò chợ không hợp lý. Khi đế lún xuống nền với chiều sâu không lớn, đệm vài tấm gỗ dưới đế, khi dàn chống đẩy về phía trước, đế dàn chống đặt trên tấm gỗ, dần dần trở về vị trí bình thường trên nền. Nếu đế dàn chống lún sâu vào nền, việc sử dụng phương pháp đệm tấm gỗ không có hiệu quả, khi đó dùng 2 cột chống thuỷ lực DW35-300/110X chống đỡ hai bên xà dàn chống bị lún (Một đầu cột TLĐ đỡ xà nóc của dàn chống bị lún, đầu còn lại tỳ lên đế chân cột của dàn liền kề). Sau đó thực hiện thao tác hạ dàn chống của dàn bị lún, lúc này hai cột chống đỡ cố định xà, đế dàn được nâng lên và đặt các đệm gỗ vào khoảng hở giữa đế dàn và nền lò, bơm chất tải cho dàn bị lún. Sau khi xử lý lún xong, công tác di chuyển dàn chống sang luồng mới được tiến hành tương tự như di chuyển dàn khấu chống thường kỳ.
Xử lý trường hợp dàn chống bị xô lệch
Khi nền vỉa than không bằng phẳng, nhấp nhô, hoặc vỉa than nhô cao lên, xà dàn chống không kích sát nóc; khi vỉa than có độ dốc lớn, việc di chuyển dàn căn chỉnh chưa tốt, chưa lắp đặt cụm liên kết chống trôi làm đổ và đẩy tấm chắn cạnh của dàn chống. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến dàn chống bị xô lệch. Nếu độ nghiêng lệch của dàn chống không lớn, cục bộ xà dàn chống chưa tiếp xúc với đá vách, thì dựng cột gỗ chống lò đỡ chắc xà dàn chống, di chuyển dàn chống về phía trước, dần dần điều chỉnh vì chống ngay ngắn, khôi phục trạng thái bình thường như hình 2a. Có thể sử dụng phương pháp dựng 2 kích vừa kéo vừa chống, điều chỉnh dàn chống bị nghiêng lệch trở về trạng thái bình thường dàn chống về phía trước, dần dần điều chỉnh vì chống ngay ngắn, khôi phục trạng thái bình thường như hình 2b.
Xử lý trường hợp dàn chống, máng cào bị trôi trượt
Trong quá trình khấu than ở lò chợ xảy ra hiện tượng máng cào và dàn chống bị trôi trượt theo độ dốc xuống phía lò vận tải. Nguyên nhân là do góc dốc lò chợ lớn hơn giới hạn cho phép của dàn chống; công nhân thao tác di chuyển dàn chống và máng cào không đúng quy trình kỹ thuật, các dàn chống bị xô lệch không tiến hành căn chỉnh lại ngay; do phản lực của tang máy khấu và gương lò chợ trong hành trình khấu đi lên. Để xử lý hiện tượng này thì quá trình di chuyển đầu máy cào và dàn chống số 1 kịp thời chống các cột thủy lực đơn chống giữ đầu máy và hông dàn chống số 1. Đồng thời bố trí khấu gương lò chợ lệch 2-6 (so với hướng ke vuông phương vỉa) theo hướng chân lò chợ tiến trước. Cũng có thể áp dụng biện pháp hạn chế khấu gương lò chợ theo hướng từ dưới lên trên để khắc phục phản lực giữa máy và gương lò.
Xử lý trường hợp lở gương, tụt nóc lò chợ
Quá trình khấu than khi gương lò chợ không vuông ke với phương vỉa; tốc độ tiến gương lò chợ chậm, làm tăng áp lực luồng gương; việc điều chỉnh tang khấu than phần nóc không hợp lý; công tác đẩy dầm tiến gương chậm, phần than nóc lò bị lưu không một thời gian dài không được chống giữ kịp thời; gương lò xuất hiện biến động điạ chất cục bộ. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tụt nóc lở gương ở lò chợ. Để giải quyết vấn đề này đảm bảo an toàn khi khấu than ở lò chợ CGH cần có những giải pháp kỹ thuật như: Đảm bảo lò chợ vuông ke vỉa và điều chỉnh tốc độ tiến gương phù hợp với thiết kế; thực hiện đúng quy trình, hộ chiếu khai thác; điều chỉnh tang khấu nóc, đảm bảo khấu đúng chiều cao lò chợ theo thiết kế; công tác nâng xà đỡ gương giữ tạm nóc lò chợ phải kịp thời khi máy khấu đi qua. Khi lò chợ bị lở gương, tụt nóc phải kịp thời nâng xà đỡ gương đồng thời dùng gỗ chèn kích nóc chắc chắn. Nếu bị lở gương lớn vượt quá hành trình của xà đỡ gương phải đánh vì chống tạm, sau đó xếp cũi lợn hoặc chèn kích chắc chắn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-kinh-nghiem-xu-ly-dan-chong-tai-cac-lo-cho-co-gioi-hoa-201704011653517329.htm” button=”Theo vinacomin”]