Một góc Nhà máy alumina Tân Rai, Công ty Nhôm Lâm Đồng – TKV (Ảnh tư liệu Công ty)
Dự án tổ hợp khai thác, tuyển quặng và chế biến alumina Tân Rai, Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV đã và đang đi vào vận hành ổn định, hiệu quả, tạo ra hàng ngàn việc làm, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, để có được thành quả đó, những người “mở đất” cho nền công nghiệp nhôm đầu tiên của nước ta đã phải nếm mật nằm gai, trải qua nhiều khó khăn, thách thức mà không phải ai cũng hiểu. Dưới đây là lược ghi cuộc trò chuyện với ông Vũ Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng về những điều như thế.
Phóng viên (PV): Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Tạp chí. Ông nghĩ như thế nào về câu nói “người đi mở đất” mà công nhân cán bộ Tập đoàn thường dành cho ông?
Ông Vũ Minh Thành (V.M.T): Đơn giản đó chỉ là người đi trước, sự bắt đầu một cái gì đó mới mẻ. Vì là cái mới nên phải tự tìm hướng đi, tự khai phá, tự tạo dựng nền tảng ban đầu và… không phải lúc nào cũng thành công. Tập đoàn đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho anh em chúng tôi sang cả Campuchia, Lào để tìm hiểu và đặt nền móng khai thác khoáng sản hợp tác với nước bạn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn và không thành công ở bên ấy. Dự án tổ hợp khai thác, tuyển quặng và chế biến alumina Tân Rai tại Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng là dự án đầu tiên mở ra nền công nghiệp nhôm của nước ta. Và quả thực, có được thành quả ban đầu như hôm nay là cả một chặng đường đầy gian nan, thử thách và sóng gió.
PV: Cụ thể như thế nào, ông có thể lấy ví dụ về những chuyện như thế?
Ông V.M.T: Ở đây phải nói câu chuyện của đa số anh em đi “mở đường” đều trên tinh thần tự nguyện. Ngày đầu vào những vùng đất mới, chỉ việc làm quen với nguồn nước, quen với phong tục, tập quán của đồng bào cũng đã là việc không nhỏ. Còn nói về tổ hợp, khi mới bắt đầu triển khai dự án cũng đã gặp nhiều khó khăn như, công tác tư tưởng của đồng bào còn nhiều băn khoăn, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, việc huy động vốn lớn tới hàng chục ngàn tỉ đồng, hay dư luận cũng có không ít ý kiến phản biện v.v. Nhưng những khó khăn đó cũng chưa thấm vào đâu so với những khối lượng công việc mà anh em công nhân, cán bộ của Công ty tiếp cận để vận hành cả một tổ hợp máy móc thiết bị lớn đến như vậy, với công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại nước ta. Sau khi chuyển giao để ta chủ động vận hành, nhiều phát sinh, sự cố đã xảy ra. Anh em phải ngày đêm tìm tòi và đưa ra các phương án giải quyết.
Chẳng hạn như, có một sự cố trên hệ thống đường ống chưa tìm ra vị trí nào. Tôi phải gọi là “hệ thống đường ống” vì bạn hãy hình dung cả tổ hợp nhà máy có tới hàng chục ngàn mét đường ống các loại. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến sự cố lớn trên toàn tổ hợp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngược lại, nếu dừng nhà máy để kiểm tra thì các sản phẩm trong quá trình lưu chuyển sẽ đông cứng, cô đặc và tắc nghẽn trong đường ống. Để khởi động lại phải làm công tác tẩy rửa, vệ sinh lại hệ thống ống, có thể mất hàng năm trời và chi phí hàng chục tỷ đồng. Phương án được đặt ra là vẫn vận hành nhà máy nhưng tách ra, kiểm tra từng khu vực để khắc phục sự cố. Anh em khi đó gần như nằm lại công trường 24/24 giờ hàng tháng trời. Nhiều khi, có những phương án đã đưa ra nhưng không ai giám quyết định để triển khai. Đến bây giờ, nghĩ lại mới thấy có những quyết định của bản thân trong quá trình thực hiện thật mạo hiểm. Nhưng nếu không quyết định cũng sẽ không còn giải pháp nào khác. Đúng là “đã cưỡi lên mình hổ thì chỉ còn nước phi thôi”.
Điều đáng tự hào là trong điều kiện khó khăn, mới mẻ như vậy, thiết bị nhiều, công nghệ mới, anh em đa phần tay nghề còn non trẻ vì mới được đào tạo… nhưng các kỹ sư, công nhân của ta đã không những tiếp cận nhanh mà còn có nhiều sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đến những chuyên gia lắp đặt tổ hợp cũng không ngờ tới. Anh em đã bằng mọi cách tiết giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Tôi thường đùa và động viên anh em, do tay nghề mới mẻ, lại bắt tay vào lĩnh vực hoàn toàn mới nên anh em chịu khó “dò đá qua sông”. Và quả thực kết quả là những con số biết nói. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay (Nhà máy đi vào vận hành thương mại năm 2013), giá thành sản xuất alumina đã giảm được trên 20% (từ 5,3 triệu đồng/tấn xuống xấp xỉ 4,0 triệu đồng/tấn). Riêng năm 2016, toàn Công ty có gần 100 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 3 đề tài lớn, làm lợi hàng tỉ đồng, được Công ty tuyển chọn tham dự giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Giá thành được giảm, cùng với những diễn biến tích cực về giá bán của thị trường alumina, ngay năm 2017, nhà máy sẽ có lợi nhuận. Những năm đầu lỗ kế hoạch là do khấu hao và lãi vay cao.
PV: Xin chúc mừng Công ty vì điều đó! Để huy động được nguồn nhân lực còn non trẻ vào một guồng máy lớn như vậy, ông đã áp dụng những cơ chế hay bí quyết nào?
Ông V.M.T: Cũng không có bí quyết nào lớn lao cả. Khi mới được giao nhiệm vụ, tôi chỉ suy nghĩ, đối với hơn 1.500 công nhân, cán bộ của Công ty đến từ nhiều vùng miền, trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số, làm sao phải có tiếng nói chung về văn hóa, phải đoàn kết, cùng một chí hướng thì mới thành công các công việc khác. Mà việc gì cũng vậy, con người là yếu tố quyết định. Tôi lấy ý kiến anh em và cho thảo luận nhiều nội dung chuyên đề để từng bước hình thành những giá trị văn hoá trong Công ty. Các nội dung anh em thảo luận nhiều mà sau này trở thành những tiêu chí như: Xây dựng tác phong công nghiệp; cầu thị học hỏi để tiến bộ; không lùi bước trước khó khăn; tư duy hệ thống, bài bản, không ngừng sáng tạo; dân chủ, phát huy sức mạnh tập thể; tạo động lực làm việc; hài hòa lợi ích, giảm xung đột v.v…
PV: Đó là về văn hóa doanh nghiệp, còn về các giải pháp điều hành trong sản xuất kinh doanh những năm qua và tới đây như thế nào thưa ông?
Ông V.M.T: Công ty luôn xác định, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực như tiêu chí của Tập đoàn: “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”. Với ý nghĩa đó, Công ty luôn song hành giữa việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để lấy đó làm “tài sản”, “vốn liếng” đưa sản xuất phát triển và ngược lại, sản xuất phát triển, công nhân, cán bộ cũng được chăm sóc tốt hơn. Công nhân, cán bộ của Công ty làm việc trong một tổ hợp máy móc thiết bị hiện đại như vậy, rõ ràng sản phẩm alumina có hàm lượng chất xám cao hơn nhiều ngành nghề khác.
Hiện nay và trong những năm tới, đối với dây chuyền sản xuất và tuyển quặng, Công ty sẽ áp dụng nghiêm ngặt các quy trình khai thác và hoàn thổ, trồng cây bảo vệ môi trường sau khai thác, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với địa phương. Phát huy mọi thế mạnh, sáng tạo để áp dụng các kỹ thuật phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, địa chất, tránh những rủi ro trong khai thác. Đối với vận hành tổ hợp, sẽ tiếp tục nâng cao trình độ cho anh em công nhân, cán bộ để làm chủ nhà máy. Công ty đang rất quyết tâm thực hiện. Cuộc cách mạng chuyển đổi từ cơ sở của nền công nghiệp 2.0 sang 3.0 tức là chuyển đổi sang điều khiển tự động các hệ thống trong toàn nhà máy. Mặt khác, Công ty khuyến khích, tạo động lực sáng tạo của công nhân, cán bộ để tiếp tục hạ giá thành nhưng đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng tốt các mối quan hệ với chính quyền địa phương thông qua việc gắn kết các chính sách xây dựng và hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế xã hội…
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-kho-khan-khong-phai-ai-cung-hieu-201706271623012669.htm” button=”Theo vinacomin”]