Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu tận dụng các sản phẩm từ bùn đỏ được hiện thực hóa, từ đề án sản xuất gang thép, đến sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ… Đây được xem như là những tín hiệu tốt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nền công nghiệp nhôm của TKV nói riêng và đất nước nói chung.
Bùn đỏ tại nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng
Đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản đồng ý về chủ trương ủng hộ Công ty CP Lộc Châu thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung từ nguồn thải bùn đỏ của Nhà máy Alumin Tân Rai, Lâm Đồng. Theo đó, UBND tỉnh có ý kiến ưu tiên đầu tư trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và đề nghị Công ty CP Lộc Châu liên hệ chính quyền địa phương để xác định cụ thể vị trí, diện tích quy mô… đồng thời lập thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung theo đúng quy định.
Phía Công ty CP Lộc Châu cho hay, qua khảo sát và làm việc với Công ty TNHH MTV Alumin Nhôm Lâm Đồng, Công ty đã lên phương án và chọn địa điểm xây dựng Nhà máy gạch không nung của Công ty từ lượng thải bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhôm Tân Rai, Bảo Lâm với công suất 1 tỷ viên gạch/năm. Công ty CP Lộc Châu đề nghị được thuê đất để xây dựng nhà máy gạch không nung với diện tích 22 ha tại tổ 20 và 21, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của nền công nghiệp bauxite, bởi không những cho ra sản phẩm xây dựng không nung hiệu quả, mà còn giảm lượng bùn chứa trong các khoang của dây chuyền sản xuất alumin.
Trước đó, đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên” do Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện, quy trình sản xuất với quy mô công nghiệp đã được thực hiện.
Theo báo cáo của các đơn vị thực hiện, bùn đỏ trong khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên có chứa hàm lượng sắt cao hơn hẳn so với các khu vực khác trên thế giới (như Australia, Hungary…). Cụ thể, hàm lượng sắt trong bùn đỏ khô tại Nhà máy alumin (Lâm Đồng) dao động từ 35,8-40% (tính theo Fe) và từ 51,1-56,3% (tính theo Fe2O3), được coi là tương đương với quặng sắt nghèo, có khối lượng lớn và có thể định hướng để sản xuất gang thép.
Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy, nếu lựa chọn công nghệ hoàn nguyên trực tiếp trong lò hồ quang thì sẽ cho hiệu suất thu hồi sắt đạt hơn 70% nhưng công nghệ này tiêu tốn nhiều năng lượng, qua đó ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Còn sử dụng công nghệ thiêu kết, phối hợp nghiền và tuyển từ thì có ưu điểm hạn chế tiêu tốn năng lượng (do sử dụng khí dư của lò cao trong quá trình luyện gang) cho nên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nếu triển khai ở quy mô công nghiệp.
Để từng bước hiện thực hóa, các nhà doanh nghiệp đã cho xây dựng hai nhà máy sản xuất thử nghiệm công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ trên địa bàn Hải Phòng, Hải Dương. Tại đây, quy trình công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ bao gồm các công đoạn: Loại bỏ dịch bám theo bùn đỏ nhằm thu hồi xút và bùn đỏ khô, sau đó là công đoạn phối liệu; áp dụng công nghệ thiêu kết, nghiền tuyển, loại bỏ các tạp chất như silic, ô xít nhôm… để thu được tinh quặng sắt đạt tiêu chuẩn luyện gang và thép. Kết quả mẫu bùn đỏ sau thiêu kết được nghiền mịn và tuyển từ để thu hồi tinh quặng sắt – nguyên liệu cho sản xuất gang hoặc sắt xốp bằng công nghệ thông thường. Mẫu phôi thép được luyện từ sắt xốp này đạt tiêu chuẩn mác thép SD 390 Nhật Bản. Đây là đề tài hiệu quả về nhiều mặt, có tính đột phá đặc biệt đối với vấn đề phát triển bền vững của ngành công nghiệp khoáng sản nói chung và vấn đề thác bauxite ở Tây Nguyên nói riêng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-huong-di-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-cong-nghiep-bauxite-201604032028110493.htm” button=”Theo vinacomin”]