“Khó tính và nghiêm túc” là những gì tôi tìm hiểu được trước khi đến gặp ông Lê Điều – nguyên Giám đốc Công ty Than Uông Bí. Nhưng trong suốt gần hai tiếng đồng hồ được trò chuyện cùng ông, cảm giác đọng lại trong tôi là sự thoải mái, vui vẻ và được “mở mang” hiểu biết về một thời kỳ đầy gian khổ. Ở ông là sự chân thành, gần gũi và luôn một lòng cống hiến cho công việc chung. Ông chính là một trong những thế hệ lãnh đạo đầu tiên đưa ra nhiều giải pháp táo bạo, mang tính đột phá, đặt nền móng vữn
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng những ký ức về thời điểm ông bắt đầu nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty than Uông Bí. Khi đó ngành Than bắt đầu chịu những tác động mạnh mẽ của việc chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường. Xuất khẩu toàn Ngành chỉ đạt con số rất nhỏ, riêng Công ty than Uông Bí thì chưa bao giờ có than xuất khẩu. Bài toán đầu tiên đặt ra với người đứng đầu một Công ty với hơn 2 vạn công nhân là làm sao có thể nâng cao sản lượng than tiêu thụ, tìm con đường xuất khẩu than ra thị trường ngoài nước. Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ than trong nước, bằng những nỗ lực không ngừng của lãnh đạo Công ty và sự phối hợp trợ giúp của Coalimex, Than Uông Bí đã xuất khẩu thành công chuyến hàng than cục 2C đầu tiên với số lượng 11.000 tấn sang Hàn Quốc cuối năm 1989. Đó là sự mở đầu mang tầm quan trọng lớn lao đối với Công ty. Việc xuất khẩu được than không chỉ giúp cân đối lại tài chính, đẩy mạnh sản xuất phát triển, mà còn có nguồn tiền để quay trở lại xây dựng cơ sở vật chất của mỏ như: thực hiện bê tông hoá đường xá, xây dựng được hệ thống kho bãi khang trang, đảm bảo chất lượng cho việc lưu trữ than…
Nhận nhiệm vụ trong thời điểm mà có muôn vàn khó khăn, ông có phút giây nào cảm thấy “nản” không? Câu trả lời rất chân thành và giản dị rằng đã xác định làm nghề mỏ là không có sự dễ dàng, khó khăn là điều đương nhiên và phải sẵn sàng đối mặt, tìm mọi cách để vượt qua. Ông còn nhớ để dẹp bỏ nạn than thổ phỉ, ông đã chủ trương dùng chính những tay “sừng sỏ, máu mặt” để “trị” lại bọn chúng, mặt khác xây dựng lực lượng đặc nhiệm của Công ty, cùng phối hợp chặt chẽ từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ than. Hay việc phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện thu mua than cục từ phía người dân giúp công tác quản lý than của Công ty dễ dàng hơn và giảm đáng kể việc thất thoát than. Cách làm hiệu quả này được người dân ủng hộ và nhiều đơn vị tìm đến để học hỏi.
Chưa bao giờ Than Uông Bí bị phạt vì chậm ngày giờ của tàu nhận than quốc tế mà hầu hết đều được thưởng vì hoàn thành sớm so với tiến độ và luôn đảm bảo chất lượng than theo đúng yêu cầu của khách hàng. Chính số tiền thưởng đó đã được tích góp để xây dựng nhà thi đấu cầu lông – đây là nhà thi đấu đầu tiên được xây dựng không chỉ ở khu vực Uông Bí, của toàn Ngành mà còn của cả tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ. Đến nay nhà thi đấu này vẫn phục vụ tốt cho các hoạt động thể thao của Uông Bí cũng như được sử dụng vào những giải đấu của Tập đoàn” – ông Điều chia sẻ đầy tự hào.
Đã về nghỉ chế độ được gần 20 năm, dù không thường xuyên được về thăm mỏ nhưng mỗi lần ông về ngôi nhà chung Uông Bí thì tình cảm gắn bó, thân thiết giữa thế hệ đi trước và lớp trẻ tiếp nối vẫn luôn khăng khít. Ông vui mừng khi Than Uông Bí đang ngày càng phát triển lớn mạnh trên những nền tảng vững chắc từ thời kỳ đầu thành lập, thu nhập, đời sống của người thợ được đảm bảo và nâng cao hơn trước rất nhiều nên ông cảm thấy phấn khởi lắm.
Mặc dù vùng đất Vàng Danh – Uông Bí không phải là nơi ông sinh ra nhưng cả quá trình làm việc và cống hiến tuổi thanh xuân của ông lại dành cho nơi đây. Dường như tình cảm dành cho những người thợ mỏ, cho mảnh đất này đã ngấm vào máu thịt con người ông. Cứ mỗi khi có dịp trở về thăm mỏ, những câu chuyện xưa, nay lại có được dịp hàn huyên, chia sẻ cùng nhau và ông thấy vui mừng, phấn khởi lắm…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-dieu-dau-tien-day-y-nghia-201611121811524754.htm” button=”Theo vinacomin”]