Mỗi lần đến với Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng, chúng tôi lại thêm một lần thấy sự mới mẻ, đổi khác. Lần này, ngoài việc nhìn thấy hình hài nhà máy đã rõ ràng, chúng tôi còn ghi được hình ảnh Khu tập thể công nhân với nhiều nhà cao tầng được xây dựng vững chãi. Tiếng công nhân gọi nhau í ới. Nhà máy đã chuẩn bị đi vào hoạt động.
Khu nhà ở tập thể công nhân Công ty Nhôm Lâm Đồng nằm trên địa bàn khu 4, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Giai đoạn 1, khu tập thể được xây 6 dãy cao tầng, 1 khu nhà ăn đáp ứng cho khoảng 1.200 công nhân ăn, ở. Hôm chúng tôi đến (đầu tháng 8/2011), 3 dãy nhà đã có công nhân đến ở, 3 dãy đang chuẩn bị sơn hoàn thiện. Khu tập thể nằm trên khu vực đồi núi có nhiều thảm chè xanh thoáng đãng, rộng rãi. Mỗi dãy nhà có 48 phòng, mỗi phòng ở 4 người. Vậy mà, theo kế hoạch sau khi hoàn thành các giai đoạn sẽ có tổng số 22 dãy nhà như thế được xây trên diện tích gần 22 ngàn m2, có 960 phòng tập thể, 6 khu gia đình, đáp ứng nhu cầu ở cho gần 3.000 người. Các công trình công cộng gồm dịch vụ bưu điện, trạm điện, trạm y tế, nhà văn hóa, sân vận động, trường tiểu học, trường mầm non, cây xanh, công viên, đường giao thông… Nước sinh hoạt được cấp từ Nhà máy nước Bảo Lâm, có công suất 414 m3/ ngày, điện sinh hoạt cung cấp từ đường dây 22KV tuyến 476 thuộc trạm 230/110/22KV Bảo Lộc. Với mọi điều kiện tốt như vậy, một vài năm nữa, nơi đây sẽ hứa hẹn là một khu vực dân cư sầm uất.
Theo kế hoạch, Công ty sẽ xây nhà, mua sắm toàn bộ thiết bị sinh hoạt như giường nằm, tủ cá nhân, quạt trần, bình nước nóng và một số trang bị khác đảm bảo đầy đủ cho công nhân đến ở. Công nhân chỉ chịu các chi phí điện nước sinh hoạt. Mặt khác, Công ty cũng tổ chức bộ máy quản lý để duy trì hoạt động khai thác sử dụng công trình. Hôm chúng tôi đến, nhà ăn đang mở cửa phục vụ cho công nhân, có cả các dịch vụ căng tin như cà phê, nước giải khát theo nhu cầu của công nhân. Căng tin do Nhà máy suất ăn Lộc Phát đăng cai phục vụ nhu cầu ăn uống của công nhân trong khu tập thể cũng như ăn ca của công nhân Công ty tại 3 điểm ăn là Xí nghiệp mỏ tuyển, khu tập thể và Nhà máy Alumin.
Gặp những chủ nhà đầu tiên
Tại phòng 310, dãy nhà A1a có 3 chị đang ở nhà là chị Ngô Thị Nguyên, Phan Thị Tuyến và chị Võ Thị Huệ. Chị Tuyến vừa đi ca về đang nằm ngủ trên một chiếc giường tầng. Căn phòng khá rộng được kê 2 chiếc giường tầng cho 4 người nằm, 2 chiếc tủ các nhân, quạt trần. Nhà vệ sinh được lắp đặt bình nóng lạnh. Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, phòng nào cũng có ban công rộng nhìn ra phía sau là những nương chè xanh thoáng mát. Ngoài khu cầu thang trung tâm có một khoảng sân được bố trí gần 10 hàng ghế, trên tường có treo một chiếc tivi màn hình phẳng ghi dòng chữ: “Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tặng”. Khu vực này được bố trí để những người thích xem tivi có thể ra đó xem, không làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của những người cùng phòng. Chị Ngô Thị Nguyên quê ở Hà Tĩnh, năm nay 27 tuổi, vừa học xong lớp công nhân kỹ thuật do Tập đoàn tổ chức. Vừa ra trường, chị được Công ty bố trí về làm việc tại phân xưởng Nhiệt điện. Chị là một trong số hàng trăm công nhân cùng ra trường đợt này về nhà máy alumin làm việc. Đây là lớp công nhân kỹ thuật đầu tiên do Tập đoàn đào tạo để tiếp cận làm chủ nhà máy Alumin. “Công việc của chúng em hiện tại là tiếp cận nhận chuyển giao công nghệ từ phía nhà thầu trong từng bộ phận để sau này vận hành nhà máy. Được Tập đoàn cho đi học, ra trường đi làm lại có chỗ ăn ở khang trang như thế này quả là rất may mắn với chúng em” – Chị Nguyên tâm sự.
Chị Võ Thị Huệ cũng làm việc tại phân xưởng Nhiệt điện. Chị cho hay, khu nhà mới xây dựng khá đẹp, điều kiện đi lại cũng thuận tiện do gần nhà máy. Các chị được Công ty bố trí ăn ca tại Nhà máy với mức ăn 18 ngàn đồng/suất. Về nhà thường ăn ở căng tin ngay tại nhà ăn phía dưới. Tuy nhiên, khi nào muốn cải thiện thì ra ngoài thị trấn mua đồ ăn sẵn, cũng chỉ 2 km, không xa lắm. Đang trao đổi với chị Huệ, chúng tôi cũng gặp 2 thanh niên còn khá trẻ ở phòng 304. Các anh cho biết, các anh học cùng lớp với các chị phòng 310, giờ về làm việc cũng thường xuyên trao đổi công việc. “Chúng em tự hào là những người công nhân đầu tiên về tiếp cận nhà máy. Bằng những kiến thức đã được học tại nhà trường, chúng em sẽ cố gắng nhận chuyển giao tốt nhất để làm chủ công nghệ trong nền công nghiệp nhôm còn mới mẻ.” – Đặng Văn Hải tự hào nói trong tiếng ồn ào của khu tập thể mới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-cong-nhan-dau-tien-trong-ngoi-nha-moi-352.htm” button=”Theo vinacomin”]