Đó là tên đĩa CD Những bài ca thợ mỏ của Tổng Công ty Than phối hợp với Nhà xuất bản âm nhạc tổ chức sản xuất từ năm 1998, với các ca khúc viết về vùng mỏ, người thợ mỏ vùng than Quảng Ninh miền Đông Bắc của Tổ quốc, thực sự là những ca khúc hay, đi cùng năm tháng.
Chợt nhớ, những ngày cuối năm 2017 những người thợ mỏ lại phải tiễn đưa một trong những cây đại thụ âm nhạc của Việt Nam về cõi là nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả ca khúc “Tôi là người thợ lò”, cũng như mấy năm trước chúng ta tiễn biệt nhạc sĩ Trần Chung tác giả ca khúc “Khi chúng tôi vào lò” và nhạc sĩ Xuân Giao tác giả ca khúc “Đất mỏ anh hùng”. Đó là những tác giả âm nhạc lớn của Việt Nam đã dành nhiều tâm huyết cho đất nước và người vùng mỏ. Những ca khúc ấy, những tác phẩm âm nhạc giá trị ấy đã trở thành văn hóa phi vật thể vô cùng to lớn mà không phải ngành nghề, vùng đất nào có được.
Và khi tôi lục trong tủ tư liệu cá nhân chợt nhận thấy, ngành Than đã có cách tổ chức sản xuất đĩa nhạc này nhằm để phổ biến rộng rãi trong ngành Than nhưng lại là tư liệu quý nhằm lưu giữ các giá trị tinh thần vô giá này ngay từ khi ngành Than vừa ra đời mang phiên hiệu Tổng Công ty Than Việt Nam. Tác phẩm âm nhạc được xuất bản không chỉ là cuốn biên niên sử bằng văn hóa về ngành mà còn là sản phẩm nghệ thuật có giá trị vĩnh cửu. Nghe đĩa nhạc này chúng ta có thêm những niềm tự hào riêng của người thợ mỏ – người Quảng Ninh, mỗi bài hát, mỗi câu hát đều mang một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, là những trang lịch sử về mảnh đất và con người Quảng Ninh thật hào hùng và vô cùng lãng mạn. Các ca khúc góp mặt trong đĩa nhạc này đều gắn bó và đã đi cùng năm tháng với riêng người Quảng Ninh và bạn yêu ca hát cả nước. Là mạch chảy của văn hóa người thợ mỏ, trở thành biểu tượng sống động của người và đất Quảng Ninh của thời đại Hồ Chí Minh. Nói về Quảng Ninh chỉ cần bạn có thể hát một câu trong một bài hát nào đó, trong những ca khúc viết về thợ mỏ, về các miền đất của Quảng Ninh là có thể chạm vào sâu thẳm hồn vía mảnh đất ấy. Những câu hát, bài hát ấy âm vang, lắng sâu, đã chạm vào trái tim của người Quảng Ninh và người chưa từng bao giờ biết đến Quảng Ninh, ai cũng có thể nhận diện ra ở nơi mảnh đất phía Đông Bắc của Tổ quốc ấy có một miền than, miền biển đầy sôi động của đời sống công nghiệp giữa thế kỷ 20 ấy. Có thể gọi, giai điệu âm nhạc của các ca khúc ấy là những “mã văn hóa” của người Quảng Ninh, thật tự hào về kho tàng văn hóa phi vật thể vô giá này.
Và ta hãy nghe các ca khúc được các nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam sáng tác từ giữa thập niên 60 của thế kỷ 20 như: Những ngôi sao ca đêm (Phạm Tuyên), Tôi là người thợ lò và Tình ca người thợ mỏ (Hoàng Vân), Đường đi lên mỏ hôm nay (Tân Huyền)… Hãy nghe giai điệu sâu lắng đến vô cùng của “Những ngôi sao ca đêm”, để thấu hiểu hơn về những người thợ mỏ thô mộc ấy nhưng vô cùng lãng mạn ấy: “Ơi hỡi các vì sao những người bạn đường đêm nay. Nghe thấy chăng tiếng hát của chúng tôi. Sao lấp lánh trên tầng cao, sao lấp lánh dòng suối than…” người nghe như trôi đi cùng giai điệu và không nghĩ ở nơi khó khăn gian khổ bụi bặm ấy, có những khoảnh khắc đời thường đẹp như những ca từ, giai điệu của âm nhạc nhường ấy. Hoặc ca khúc “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân, thực sự đây là ca khúc mang chất hùng tráng, một ca khúc như nói hộ bao người thợ mỏ nói riêng, với bao người vùng than nói chung. Vừa kiêu hãnh, vừa bi hùng, nhưng hơn cả là một tình yêu cuộc sống thật cao khiết, lan tỏa: “Tôi là người thợ lò sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ. Núi Bài Thơ ơi, núi Bài Thơ ơi, sừng sững hiên ngang đứng giữa trời.. Có nghe tiếng mìn nổ dậy đất. Tiếng máy reo như tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân… Nào vác cuốc lên vai ta tiến quân vào lò…”. Nhịp điệu hùng tráng như âm vang từ lòng đất sâu thẳm, âm vang từ những bước chân của những người thợ mỏ, những dòng than ra, những ánh than kíp lê lấp lánh, những mùa than như mùa lúa chín trên cánh đồng quê hương. Có thể nói khung cảnh bài ca cho người nghe những cảm xúc riêng, tự hào vào yêu quê hương vùng than hơn vì có những điều giản dị, thô mộc ngoài đời được giai điệu của âm nhạc đẩy lên một cách hoàn hảo và sống động đến ngỡ ngàng và sâu lắng đến nhường ấy. Rồi ca khúc “Tình ca người thợ mỏ” cũng của Hoàng Vân ông viết khi về thực tế ở Quảng Ninh vào dịp 1982, những năm tháng của biết bao khó khăn, những năm tháng mà không bao giờ chúng ta nghĩ sẽ vượt qua, nhưng ca từ của Hoàng Vân đã dâng lên rợn ngợp một không khí lãng mạn cách mạng thuở ấy. Có thể nói đó là một trang lịch sử ghi bằng âm nhạc đặc biệt khi ông viết về những người thợ mỏ vừa trở lại sản xuất bình thường của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mùa xuân năm 1979: … “trung đoàn năm xưa nay đã thành sư đoàn… mỗi khi tan ca anh cùng em ta lại ghi thêm một chiến công…” câu hát có vẻ trôi tuột với những cảm xúc riêng của mỗi ai, nhưng những người đã sống ở thời điểm lịch sử vùng mỏ ấy thì không khỏi bâng khuâng khi họ – những người thợ mỏ từng vững tay súng, tay búa trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giữa thập niên 60 chưa ngơi, thì họ lại được biên chế vào đội hình chiến đấu khi giặc lâm le phía biên thùy, mỗi xí nghiệp, mỏ than đều trở thành những đơn vị sẵn sàng chiến đấu là như thế. Những âm hưởng của ca khúc thì cứ như khúc quân hành của người thợ mỏ vang mãi, vang xa và sâu thẳm da diết chạm đến trái tim người thợ mỏ, người Quảng Ninh.
Mỗi tác phẩm âm nhạc trong 13 tác phẩm ở sản phẩm âm nhạc CD Những bài ca thợ mỏ này như : Đất mỏ quê ta, Đường đi lên mỏ hôm nay, Tình yêu vùng than, Tình ca người thợ mỏ, Hạ Long biển nhớ… đều chứa đựng những trang lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Than ngày hôm qua vẫn rạo rực lòng người với khí thế sôi động của một thời chưa xa ấy của những người thợ mỏ than. Người viết bài chợt dâng lên niềm cảm xúc, nếu ngày ấy các nhạc sĩ không về vùng mỏ thực tế sáng tác thì chắc gì hôm nay và mai sau người Quảng Ninh có gia tài văn hóa phi vật thể vô giá này. Với một tấm lòng chân thành xuất phát từ tình yêu với miền đất than biển Đông Bắc, với một cảm quan nghệ thuật tinh tế, sâu sắc và tài năng, các nhạc sĩ trong nhiều đợt đi thực tế sáng tác về vùng mỏ đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc vô giá mà không dễ gì ở đâu, lúc nào cũng có được. Niềm tự hào của người vùng mỏ, tự hào người Quảng Ninh được nhân lên bội phần khi được hát mãi những ca khúc âm vang từ lòng đất, từ công trường, xưởng máy của một vùng than biển Đông Bắc của Tổ quốc bộn bề tiếng sóng biển và tiếng than rơi. Ấy là Than, ấy Hạ Long, ấy là Quảng Ninh thân yêu là như thế đó, trong những nốt nhạc trầm bổng, du dương và hùng tráng được chưng cất từ những trái tim vì vùng mỏ thân yêu…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-bai-ca-tho-mo-san-pham-am-nhac-co-gia-tri-lau-ben-201804051707476002.htm” button=”Theo vinacomin”]