Nói đến nghề làm than là người ta nói đến nghề “nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”. Trong đó, theo quan sát của người viết bài này, thợ lò, người trực tiếp khai thác ra than dưới lòng đất và người thợ sàng tuyển than ngoài trời có lẽ là nặng nhọc, vất vả nhất.
Vì thế, sự quan tâm đến hai đối tượng này được ngành Than đặc biệt chú ý. Tuy vậy, xét cho công bằng, thợ lò được ưu tiên hơn, còn thợ sàng tuyển than ngoài trời thì tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị, tự đơn vị tìm cách giúp đ
Chuyện nói về Xí nghiệp chế biến và tiêu thụ than Hòn Gai. Người viết bài này thấy rõ nhất là duy trì được bữa ăn tự chọn cho công nhân. Có thể khẳng định ngay, đây là nơi duy nhất trong Tập đoàn Vinacomin tổ chức được ăn tự chọn cho công nhân làm nghề sàng tuyển than từ nhiều năm nay. Tiếp đến, là chỗ nghỉ giữa ca trên công trường. Đó là các “nhà công ten nơ” có máy điều hòa nhiệt độ. Bãi than ngồn ngộn, chất cao như núi, mùa đông vào đó đã thấy nóng ấm, thử hỏi, mùa hè chúng sẽ ngốt, sẽ hầm hập đến mức nào. Nhìn bãi than, hơi nóng bốc lên nheo nheo, rung rinh lay động giữa trưa hè nắng gắt, không thể không thoáng rùng mình. Chỉ cần một khoảng nghỉ ngơi giữa ca không dài lắm trong “nhà công ten nơ” máy điều hòa mát lạnh, sức khỏe người thợ hồi phục biết nhường nào. Tôi, người viết bài này, đã được những người thợ đón tiếp trong “nhà công ten nơ” một lần đến công tác, vào giữa trưa hè, thấy sướng quá, mát quá, cứ muốn ở lỳ trong đó. Tôi chưa có dịp đi hết, tìm hiểu hết về các đơn vị sàng tuyển than ngoài trời, nhưng đồ rằng trang bị “nhà công ten nơ” cho người thợ nghỉ giữa ca như chỗ ông Đằng (ông Mai Xuân Đằng, Giám đốc Xí nghiệp chế biến và tiêu thụ than Hòn Gai) dứt khoát là chưa nhiều, có khi mới chỉ chỗ ông Đằng có cũng nên.
Đi sâu vào tìm hiểu, mới thấy Xí nghiệp chế biến và tiêu thụ than Hòn Gai còn làm nhiều việc khác giúp đỡ công nhân. Tôi lục lại các bài viết cũ của mình về Xí nghiệp này, thấy 1 bài viết từ quãng năm 2006, có đoạn sau đây: “NHà TìNH NGHĩA. Thành lập mới chỉ giập gãy được hơn 3 năm mà nhờ sự hỗ trợ của cấp trên và sự đóng góp của CNCB Xí nghiệp, lá lành đùm lá rách, ngay từ những ngày đầu đơn vị đã làm tốt phong trào giúp đỡ các gia đình công nhân nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, xây cho họ những ngôi nhà tình nghĩa. Cả thảy Xí nghiệp đã xây tặng được 5 ngôi nhà cho 5 gia đình công nhân. Chuyện rằng, đầu xuân, đoàn cán bộ lãnh đạo Xí nghiệp đi thăm các gia đình công nhân, tận mắt chứng kiến những sự khó khăn của các gia đình, thế là cả Xí nghiệp dấy lên phong trào quyên góp, ủng hộ. Tuỳ theo mức thu nhập mà người ít, kẻ nhiều. Có được tiền để mua vật liệu, Xí nghiệp cử tiếp người đến giúp xây nhà không tính công, mà nay 5 gia đình ấy đã có nhà ở khang trang. “Họ cảm động lắm – một người trong Xí nghiệp cho biết – Hôm dọn vào nhà mới ấy! Có người không cầm nổi nước mắt. Nhưng mà cũng thấy buồn cười. Họ chân tình đến mức đi mua thuốc “ba số” đem đến Xí nghiệp để cảm ơn”. Ông Giám đốc Xí nghiệp cho chúng tôi biết, công việc nhà tình nghĩa vẫn đang tiếp tục làm. Cũng không còn mấy nhà quá nghèo khổ nữa”.
Đối ngoại
Cũng lục lại các bài viết của mình, tôi thấy đã viết một bản tin, đã đăng trên trang web Vinacomin.vn và trên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam, như sau: “Tặng nhà tình nghĩa và hỗ trợ tiền giúp gia đình nghèo. Ngày 25/12/2010, Xí nghiệp chế biến và tiêu thụ than Hòn Gai phối hợp với UBND phường Hà Khánh (TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm lễ tặng nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Văn Hạnh, sống độc thân, thương binh chống Mỹ, vết thương khiến ông trở thành người điên dại đã 30 năm nay, ở tổ 29, khu 5 của phường. Ngôi nhà mới xây một tầng, mái bằng, rộng 28m2, 2 phòng, một phòng khách và một phòng ngủ, trị giá 60 triệu đồng… Xí nghiệp cũng hỗ trợ cho 4 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của phường, bắt đầu từ tháng 10/2010, mỗi tháng mỗi gia đình được nhận 500 ngàn đồng. Số tiền xây nhà tặng ông Hạnh và 4 hộ nghèo là tiền đóng góp tự nguyện của hơn 500 CNCB Xí nghiệp. Phường Hà Khánh là nơi đứng chân sản xuất của Xí nghiệp. Bà con nhân dân và các cán bộ phường đã có nhiều sự giúp đỡ Xí nghiệp trong những năm qua”.
Cái tin chỉ ngắn gọn như thế. Song hôm đi chứng kiến trao tặng nhà tình nghĩa cho ông Hạnh và tiền hỗ trợ tháng cho 4 hộ gia đình nghèo mới thấy hoàn cảnh của họ thật thương tâm. Ông Hạnh được mời ra nhận nhà (chính xác là lôi, kéo ra), đồng thời để nhà báo chụp ảnh, nào ông có biết gì. Mặt ngây dại, sợ sệt. Miệng lẩm bẩm những câu đượm mùi lính tráng chiến trường, nào là “nhằm bắn vào chỗ lùm cây động đậy kia kìa” và ông làm động tác nhằm bắn, thử súng. Người em dâu (cũng hoàn cảnh, bệnh tật, chồng chết, con chết) ở cùng với ông, là người chăm sóc ông, bảo: “Bị thương, rồi điên dại, giấy tờ mất hết. Bây giờ ông chả có chế độ gì đâu. Sống nhờ sự đùm bọc của họ hàng, bà con lối xóm và hôm nay có nhà mới là nhờ Xí nghiệp chế biến và tiêu thụ than Hòn Gai đấy thôi”.
Còn 4 hộ gia đình kia, thì đây: Hộ 2 anh em cháu Đinh Thiện Linh, sinh năm 2000 và Đinh Tiến Đạt, sinh năm 2004, mồ côi mẹ, bố đang ở tù. Hộ chị Đoàn Thị Liễu, chị đang mắc bệnh ung thư dạ dày, không có việc làm, nuôi 2 con còn nhỏ. Hộ ông bà Nguyễn Văn Kính, già yếu, không nơi nương tựa. Hộ ông Chu Văn Đãi, bố bị liệt, con bị tâm thần. “Giao cho Phòng tổ chức-lao động hàng tháng thảo quyết định hỗ trợ”, “Giao cho Phòng tiêu thụ- bảo vệ quân sự nhận tiền và đưa trực tiếp cho các gia đình”… Đó là hai trong những nội dung ghi trong một Biên bản họp có chữ ký của các lãnh đạo Xí nghiệp: Ông Bùi Nguyên Loát, Bí thư Đảng ủy; ông Mai Xuân Đằng, Giám đốc và ông Nguyên Hữu Hồi, Chủ tịch Công đoàn.
Viết đến đây, như một sự run rủi, sắp đặt: Trên truyền hình đang kết thúc chương trình “Lục lạc vàng” (tặng cặp bò cái cho hộ nông dân nghèo), vang lên bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến mà mỗi lần nghe tôi không khỏi thấy nao lòng: “Lá lành đùm lá rách/ Người dưng sao nỡ quay lưng/ Bát cơm chan đầy nước mắt/ Đời quê sao quá mong manh/ Lá lành đùm lá rách/ Thương ai mà thương chính mình/ Dẫu chung giàn khác giống/ Bầu ơi thương lấy bí cùng…”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhu-la-nuong-nhau-2063.htm” button=”Theo vinacomin”]