Đó là nhà vệ sinh dưới hầm mỏ – vấn đề tưởng như tế nhị này lại có hệ lụy không nhỏ, có thể gây mất an toàn trong lao động khi hàng vạn thợ mỏ với những ca làm việc 8 tiếng đồng hồ dưới độ âm sâu hàng trăm mét. Đây cũng là câu chuyện mà bấy lâu nay chúng ta quan tâm chưa đúng mức.
Từ trước đến nay, thợ lò làm việc dưới các hầm mỏ vẫn coi chuyện vệ sinh dưới lò là chuyện nhỏ. Trong lò toàn là nam giới làm việc. Thêm vào đó, trong một không gian nhiều bóng tối, nhiều đường lò ngóc ngách… việc vệ sinh của thợ lò là chuyện chẳng mấy ai quan tâm. Tiện đâu thì “xử lý” đấy. Và nó đã trở thành chuyện bình thường trong lò từ bấy lâu nay. Ngay cả trong thiết kế hệ thống các đường lò xây dựng cơ bản, hệ thống khai thác, người ta cũng chẳng quan tâm nhiều đến vấn đề này hoặc có thiết kế nhưng khi thi công các đơn vị lại bỏ qua, mặc dù hệ thống thông gió, thoát nước, vận tải, đi lại… luôn được các kỹ sư tính toán một cách kỹ càng.
Tuy nhiên, hệ luỵ của vấn đề này là khá rõ. Thợ lò làm việc trong ca suốt 8 tiếng đồng hồ. Người ta cung cấp nước uống, bữa ăn bồi dưỡng giữa ca ngay trong lò để tiếp sức cho người lao động. Và nhu cầu thiết yếu là không thể tránh khỏi. Trong hệ thống khai thác thường có những đường lò đã không còn sử dụng được rào chắn. Những đường lò này do không được thông gió nên luôn tích tụ khí độc, khí hại. Khi có nhu cầu, những thợ lò thiếu kinh nghiệm có thể “vượt rào” chọn đây là nơi “xử lý” nhu cầu thiết yếu của mình. Và hệ luỵ khôn lường là họ bị nhiễm khí độc có thể dẫn tới tử vong. Trên thực tế đã có những thợ lò bị ngạt khí hoặc nhiễm khí độc bị tử vong tại các đường lò cũ, trong đó không loại trừ nguyên nhân do họ có nhu cầu vệ sinh cá nhân. Điều đáng nói là trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề ngạt khí tại các đường lò cũ đã từng xảy ra và vẫn còn lặp lại, thậm chí nó không dừng lại ở một đơn vị nào. Hiện trạng này đã có mặt ở không ít những đơn vị khai thác hầm lò có quy mô lớn như Vàng Danh, Mông Dương, Dương Huy… Hiện nay, với hàng vạn lao động đang làm việc trong các hầm mỏ, dưới độ sâu hàng trăm mét trong một thời gian dài, đây không còn là chuyện nhỏ và cần được quan tâm đúng mức.
Thiết nghĩ, ngay trong quá trình tư vấn, thiết kế xây dựng cơ bản hệ thống các đường lò, các nhà kỹ thuật cần đưa vào quy hoạch lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng ngay tại các khu vực đông người chờ đợi, đi lại, làm việc… Phải coi đây là một trong những hạng mục cần thiết, không thể bỏ qua. Đối với nhiều khu vực đã đi vào khai thác hiện nay mà chưa có khu vệ sinh công cộng cần được tính toán, thiết kế và xây dựng bổ sung. Sau khi có thiết kế, nhất thiết phải yêu cầu chủ đầu tư các đơn vị thi công đầy đủ. Việc làm này, ngoài công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất, nhất là về khí, gió, khắc phục những tai nạn ngạt khí, nhiễm khí độc do thợ lò đi vào các khu vực đường lò đã dừng khai thác… còn là nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm việc của thợ lò ngay chính trong khu vực làm việc của họ. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đáp ứng mọi nhu cầu tối thiểu của người lao động, tạo nên sự thoải mái, yên tâm trong lao động sản xuất, giúp quá trình sản xuất của người lao động có năng suất cao hơn và đặc biệt là đảm bảo an toàn. Được biết, trong chỉ đạo điều hành, Tập đoàn cũng đã chỉ đạo các đơn vị cả trong khai thác hầm lò lẫn khai thác lộ thiên hay các đơn vị khác triển khai vấn đề này, nhưng vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhu-cau-thiet-yeu-201701091930105962.htm” button=”Theo vinacomin”]