Tôi may mắn được làm việc với hầu hết các thế hệ giám đốc mỏ trong hơn nửa thế kỷ vừa qua. Mỗi vị giám đốc mỏ có một phong cách riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều có chung bầu nhiệt huyết sôi nổi, năng động và giản dị, chân tình.
Thế hệ giám đốc đầu tiên sau khi tiếp quản Khu Mỏ hầu hết là sĩ quan quân đội và cán bộ miền Nam tập kết. Sau ông Trương Quang Đẩu là các ông Nguyễn Tĩnh Lộc, Lê Vinh, Hoàng Sĩ Lễ, Huỳnh Văn Ngôn, Huỳnh Như Ngôn, Phạm Văn Bình, Vũ Tòng, Tạ Đình Thọ, Bùi Vi, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Văn Sên, Trần Ngọc Thư… Họ phải vừa làm vừa học thêm nghề mỏ từ các chuyên gia, các cán bộ lưu dung như ông Mai Quế còn được trọng dụng làm Phó giám đốc kỹ thuật nhiều năm. Đặc điểm lớn nhất của thế hệ giám đốc mỏ đầu tiên là đã đem tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ vào sản xuất than, tạo nên phong trào thi đua phá kỷ lục, giành năng suất cao, kiện tướng Ngành Than… sôi động khắp các tầng than hầm lò, xưởng máy. Họ đã thực sự cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng bàn bạc, thương lượng với công nhân, đúng như lời Bác Hồ biểu dương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960). Bác nhấn mạnh hai chữ “thương lượng” là có ý nhắc nhở phải tôn trọng ý kiến của công nhân, phải thuyết phục họ chấp nhận những yêu cầu mới. Tôi đã dự nhiều cuộc họp có đại biểu công nhân tham gia khi mở chiến dịch Hạ Moong Cọc Sáu và Chiến dịch Điện Biên, công phá đồi Him Lam – Đèo Nai mà việc bơm hàng triệu khối nước, máy xúc, ô tô chạy trên nền bùn than hay làm sao khoan nổ thành công với loại đất đá gan gà có độ rắn F14, bằng máy khoan dộng By và phương pháp nổ mìn phá đá đơn giản là những vấn đề được công nhân đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến rất bình thường nhưng đã có tác dụng kịp thời giải quyết khó khăn. Các giám đốc mỏ còn phải biết thương lượng với các Đoàn xe, thời đó trực thuộc Xí nghiệp Vận tải ô tô Cẩm Phả và với hai xí nghiệp Bến sao cho sự phối hợp nhịp nhàng đủ xe, đủ tàu kéo than. Và phải thương lượng cả với chính quyền về xây dựng các khu tập thể, điện nước, trường học cho con em công nhân…
Thế hệ giám đốc mỏ thứ hai bao gồm nhiều kỹ sư được đào tạo trong và ngoài nước cùng số cán bộ trung cấp khóa đầu trưởng thành như ông Nguyễn Văn Phan, Văn Tôn, Đinh Văn Lạp, Nguyễn Duyệt, Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Viết Hòe, Nguyễn Thanh Hà, Đinh Ngọc Đạt, Nguyễn Văn Thố, Bùi Trung Thành, Nguyễn Phú Thưởng, Đỗ Vân Đào, Nguyễn Văn Bính, Trần Công Ước, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Bình Giang, Nguyễn Tất Dũng, Hoàng Thoa, Nguyễn Văn Hiệp, Đoàn Văn Kiển, Nguyễn Văn Long… và nhiều kỹ sư tài năng như Nguyễn Tường Hưng, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Tấn, Phạm Phan Long, Lưu Thanh Hải, Nguyễn Văn Đó… Thế hệ giám đốc mỏ thứ ba, thứ tư đều được đào tạo thêm về quản lý kinh tế và phần lớn đã trải qua cơ sở làm quản đốc, trưởng phó phòng ban như Đặng Văn Bình, Nguyễn Hữu Vĩnh, Nguyễn Văn Kiệm, Ngô Khắc Hòa, Phạm Hồng Tài, Vương Văn Đốc, Vũ Mạnh Hùng, Bùi Văn Khích, Vũ Văn Quyết, Lê Đình Trưởng, Mai Văn Phượng, Trần Văn Chiều, Hoàng Lâm Chính, Phạm Văn Sáu, Chu Văn Viễn, Phạm Văn Đức, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Dậu, Phạm Văn Đức, Doãn Văn Quang, Lê Nguyên Thêm, Lê Minh Chuẩn, Đặng Thanh Hải, Ngô Hoàng Ngân, Nguyễn Ngọc Cơ…
Dù được đào tạo ở trong nước hay ở nước ngoài thì khi ngồi vào ghế giám đốc mỏ họ đều phải thực sự đồng cam cộng khổ với công nhân, sống giản dị, trong sáng, chân thành, nhân ái, công bằng thì mới có thể điều hành công việc thuận lợi. Nét tiêu biểu nhất của thế hệ giám đốc mỏ của giai đoạn chuyển tiếp giữa hai cơ chế là sự năng động, tự vươn lên học hỏi để thích nghi với cơ chế mới, có khi phải lặng lẽ “phá rào” để giữ vững sản xuất .
Khẩu hiệu “đoàn kết, đồng tâm” luôn được các giám đốc mỏ vận dụng trong mỗi việc làm, lo toan cho cuộc sống của không chỉ hàng ngàn con người mà còn cả của vợ con họ. Thời bao cấp có hiện tượng khá thú vị là mỗi giám đốc mỏ có những thế mạnh riêng thể hiện khá rõ trong điều hành lẫn tổ chức đời sống. Giới nhà báo, văn nghệ sĩ đã quá quen với câu ca: “ăn Vận Tải – ngủ Đèo Nai, viết bài Cọc Sáu”. Thời bao cấp, nhà ăn XN Vận tải ô tô Cẩm Phả là nơi nấu ăn ngon, lại phục vụ suốt ba ca như nhà hàng, không phải báo trước; còn Đèo Nai có Nhà khách khá sang trọng, lại ở ngay giữa thị xã; Cọc Sáu lại luôn có kỷ lục mới, có nhiều sự kiện. Có nhiều giai thoại về những cuộc tình giữa thợ lò, thợ máy xúc, máy khoan địa chất với các cô gái nhà sàng “như hoa thiên lý” nhờ những cuộc giao lưu do các giám đốc “sắp xếp” mà kỷ niệm vẫn ập về với nhiều cặp vợ chồng như Giám đốc mỏ Doãn Văn Quang.
Trải qua nhiều mô hình tổ chức, nhiều chủ trương sử dụng cán bộ – lúc thì thành phần chủ nghĩa, lúc thì nặng về bằng cấp hay trẻ hóa… gây nên những bất hợp lý, lãng phí tài năng, nhưng Ngành Than đã cố gắng tự đào tạo được một đội ngũ giám đốc mỏ thực sự có chất lượng kế tiếp nhau có đủ năng lực, bản lĩnh phát triển, được đông đảo công nhân tin cậy, quý mến. Rất nhiều giám đốc mỏ đã thân chinh đi hỏi vợ cho thợ mỏ và thường không thể vắng mặt ở những đám cưới của công nhân và con em họ. Không chỉ phải lo việc làm cho vợ con công nhân mà giám đốc mỏ còn thưởng cho những cháu học giỏi, khích lệ các tài năng trẻ phát triển đúng hướng.
Ngành Than đã cung cấp cho Tỉnh và Trung ương nhiều cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, có uy tín như ông Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư… Các ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Bình Giang, Nguyễn Ngô Hai, Đỗ Quang Trung, Đoàn Văn Kiển, Nguyễn Văn Hiền…
Tuy nhiên đào tạo được một giám đốc mỏ có tài, có đức thành thục nghề mỏ là rất khó khăn. Thế nhưng nhiều khi vì được tín nhiệm quá, ưu ái quá mà phải “bỏ nghề” là một nỗi khổ. Nhớ lại thời kỳ ông Lê Đại làm Bí thư tỉnh ủy, ông Trần Công Lục làm Bí thư Thị ủy Cẩm Phả, vì cả hai ông từng đã gắn bó nhiều năm với thợ mỏ nên đã đề bạt một số giám đốc mỏ lên lãnh đạo Thương Nghiệp, Thủy Sản và làm Chủ tịch và Phó chủ tịch Thị xã, trong đó có Chủ tịch Ngô Huyên, Phó chủ tịch Nguyễn Hiệp. Ông Hiệp từng là Phó giám đốc, rồi Giám đốc mỏ hầm lò đang bắt tay xây dựng mỏ mới Khe Chàm, sang làm Phó chủ tịch phụ trách thương nghiệp vào lúc chuyển sang cơ chế thị trường, chẳng biết xoay chuyển tình hình khó khăn thế nào, ngày ngày đạp xe đến các cửa hàng nghe chị em than vãn mà não cả lòng… Cuối cùng tỉnh phải trả ông về với mỏ và ông đã đưa Hà Lầm đi lên nhanh chóng…
– Làm giám đốc mỏ có nhiều điều phải lo, nhưng lo nhất là gì ?
Trả lời tôi, các giám đốc mỏ không hề nói đến những khó khăn, mà đều khẳng định: Lo nhất là tai nạn lao động. Sản lượng càng cao, càng xuống sâu tai nạn càng nhiều. Nửa đêm mà nghe điện thoại réo chuông là lạnh toát sống lưng, chắc đã sập lò, đổ tầng rồi… Những đêm mưa thường mất ngủ nên các giám đốc mỏ thường phải dặn anh em, bạn bè chớ gọi điện lúc nửa đêm. Nay vẫn vậy.
Trước đây đã từng có Quản đốc Lê Bá Mậu ở Cọc Sáu đi cứu máy đêm mưa bị nước cuốn trôi… từng nổ khí mê tan Mạo Khê, bục nước mỏ Thống Nhất, ngập nước mỏ Mông Dương và nhiều tai nạn rủi ro khác đã khiến bao giám đốc mỏ bạc tóc, sụt cân. Kỹ sư Đoàn Văn Kiển rất tâm đắc với lời dạy của Bác Hồ: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Chính lời dạy này đã giúp cho các giám đốc mỏ có được sự vững vàng, bình tĩnh sáng tạo và quyết liệt giải cứu thành công nhiều vụ tai nạn lớn do thiên tai và biến động trong lòng đất và lo toan chu đáo với gia đình các nạn nhân. Hình ảnh kỹ sư Nguyễn Văn Long, Vũ Văn Quyết phờ phạc chui ra chui vào đường lò Mạo Khê cháy đen, khóc bên thi thể 19 thợ lò và hình ảnh Phó tiến sĩ Đinh Văn Lạp khoác áo mưa đứng thức thâu đêm chỉ đạo máy xúc đào bới tìm bằng được thi thể 6 công nhân bị tai nạn nổ mìn ở Đèo Nai năm nào luôn nhắc nhở tôi phải viết kỹ về sự nhọc nhằn của nghề giám đốc mỏ phải đương đầu với hệ số rủi ro rất cao mà máy móc hiện đại cũng chưa thể dự báo hết được.
Khác với nhiều ngành sản xuất kinh doanh thường được Trung ương chi viện cán bộ lãnh đạo, ngành Than 22 năm qua đã có được sự chuyển giao lãnh đạo do chính Ngành mình đào tạo nên và việc sắp xếp lại tổ chức các công ty không có sự xáo trộn lớn về cán bộ. Do đặc thù về địa lý vùng than, và truyền thống lâu đời gắn bó với từng địa phương, các giám đốc mỏ phải lăn lưng vào cùng chính quyền địa phương lo toan từ y tế, giáo dục, đến an ninh, môi trường, phòng chống mưa bão và nhất là đời sống văn hóa văn nghệ. Dẫu vậy sự “thiếu trùng khít” giữa Than và Tỉnh vẫn thường xảy ra như một quy luật tất yếu giữa quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh, nhưng có thể khẳng định TKV và các địa phương, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh đã tạo nên một mô hình kiểu mẫu cao đẹp theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Công cuộc trí thức hóa công nhân mỏ đã tạo nên nền văn hóa Hạ Long mới trong các mối quan hệ ứng xử có trách nhiệm cao, trong phong cách cùng bàn bạc, cùng “thương lượng” và nếp sống trí thức trong mọi ngõ ngang phố mỏ, xóm thợ. Chưa nơi nào công nhân được hưởng thụ nhiều phúc lợi văn hóa và sản sinh được nhiều nhân tài văn nghệ như vùng than Quảng Ninh. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Hoài An, Vương Lan, Nguyễn Dậu, Trần Khánh, Thanh Huyền, Thanh Hoa… đã từng về sáng tác, biểu diễn ở vùng than đều có chung nhận xét: Công nhân mỏ có bản sắc văn hóa rất hiện đại, sản sinh được nhiều tài năng văn nghệ chính nhờ các thế hệ giám đốc mỏ có chất nghệ sĩ, luôn quý trọng văn nghệ sĩ. Có nhiều giám đốc mỏ thích hát, thích sáng tác thơ văn, nhạc, họa, có nhiều tác phẩm rất hay như Nguyễn Tất Dũng, Nguyễn Ngọc Sính, Vũ Văn Quyết, Lê Nguyên Thêm, Hoàng Lâm Chính, Đoàn Văn Kiển… Ông Kiển vừa xuất bản hai cuốn sách dày về thợ lò và ngành Than rất có giá trị “Thợ lò cũng là chiến sỹ” và “Tình yêu ở lại”
Được thừa hưởng nền văn hóa Hạ Long lâu đời, lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp – Nga… và giao lưu quốc tế khá nhiều, là chủ nhân các công nghệ hiện đại giữa thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, thợ mỏ lại thu gom được những tinh hoa văn nghệ khắp mọi miền quê hội tụ về nên đã sản sinh nền văn nghệ công nhân mang đậm bản sắc văn hóa Than trong nhiều lĩnh vực. Những tài năng ca nhạc nổi tiếng như Mạnh Hà, Quang Thọ, Lê Dung, Quang Huy, Đức Nhuận, Thanh Việt, Kim Oanh, Phan Lạc Hoa, Hồ Quỳnh Hương, Hoàng Tùng và nhiều Sao Mai đang lên có cả vóc dáng của những hoa hậu tài năng. Văn chương vùng than sớm được cả nước quan tâm từ Võ Huy Tâm và nhanh chóng có đội ngũ hùng hậu kế tiếp. Chỉ riêng Trường Trung Cấp Mỏ đã sản sinh ra sáu nhà văn. Sau “Vùng Mỏ” của Võ Huy Tâm đã có hành trăm tác phẩm của các nhà văn ngành Than đã gây được ấn tượng sâu sắc với đông đảo bạn đọc cả nước như: Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Sơn Hà, Sĩ Hồng, Tô Ngọc Hiến, Võ Khắc Nghiêm, Trần Ngọc Tảo, Trần Tâm, Vũ Thảo Ngọc… Phong trào hội họa điêu khắc, nhiếp ảnh cũng phát triển rất mạnh và có nhiều thành tựu như các họa sĩ Lê Vân Hải, Phạm Phi Châu, Ngô Phương Cúc, Nguyễn Hoàng, Duy Mạnh, Lê Truyền, Phạm Tâm Nhâm và các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đoàn Đức, Phạm Thành, Đỗ Kha, Đoàn Đạt, Mạnh Hùng, Quang Trọng, Dương Phượng Đại…
Hiếm có ngành sản xuất nào sản sinh được hàng ngàn văn nghệ sĩ sung sức, chất lượng như TKV với danh hiệu Nghệ sĩ Vùng Mỏ và số lượng hội viên các Hội Văn học – Nghệ thuật chuyên ngành của Trung ương và địa phương đã nhận được nhiều giải thưởng lớn. Ca múa nhạc, kịch nói và thơ luôn là thế mạnh của các xí nghiệp vùng than trong các mùa hội diễn và hoạt động các câu lạc bộ. Phong trào thể thao thể dục, đặc biệt là bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn phát triển rất mạnh ở khắp vùng Than. Ngày nay công ty nào cũng có Nhà văn hóa, Nhà thi đấu khá hiện đại thu hút sự tham gia sinh hoạt thường xuyên của đông đảo công nhân. Bản sắc văn hóa Than đã thấm đậm vào mọi cầu thủ bóng đá nam và nữ, lan tỏa vào toàn bộ cổ động viên sức nóng của lửa than. Cẩm Phả chính là nơi ra đời sớm nhất phong trào bóng đá nữ và duy trì được cả hai đội bóng đá mạnh mang thương hiệu Than trong tình hình hiện nay là một cố gắng lớn.
Con em Thợ mỏ ngày nay đã trở thành nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, kỹ sư, bác sĩ và nhiều ngành nghề quan trọng đang trở lại phục vụ cho chiến lược phát triển mới của ngành Than và làm nòng cốt trong mỗi gia đình, tự lo toan vươn lên tạo nhiều việc làm mới, góp phần giảm sức ép về lao động cho chính ngành Than. Nét đẹp văn hóa này cần được khích lệ khi cơ khí hóa số lao động dôi dư ngày càng tăng. Công cuộc Trí thức hóa công nhân đã được Tập đoàn nâng lên tầm cao mới với nguồn nhân lực chất lượng cao đã có cuộc sống chất lượng cao cùng bản sắc văn hóa hiện đại phù hợp với công nghệ hiện đại. Đây chính là biểu tượng ưu việt của giai cấp công nhân Việt Nam trên con đường Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước, hội nhập toàn cầu.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhoc-nhan-nghe-giam-doc-mo-ban-sac-van-hoa-nganh-than-201611092359073853.htm” button=”Theo vinacomin”]