Trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành Than Việt Nam, yếu tố vô cùng quan trọng đó là phát triển khoa học & công nghệ. Người tiên phong, tập hợp các trí thức, đặt nền tảng cho sự phát triển khoa học kỹ thuật mỏ ở Việt Nam là Tiến sĩ Trần Anh Vinh. Có thể nói, TS. Trần Anh Vinh là một nhà khoa học, nhà quản lý có tài, có tầm và có tâm, được CNCB ngành Than vô cùng kính trọng.
Tiến sĩ Trần Anh Vinh là người có tầm nhìn xa trông rộng trong việc phát triển ngành Khoa học Mỏ Việt Nam. Ngay từ khi còn là sinh viên học tại trường đại học Mỏ Mát-xcơ-va (1953-1959), TS Trần Anh Vinh đã mơ ước có một tổ chức nghề Mỏ ở Việt Nam. Sau này trong thời gian học nghiên cứu sinh vào giai đoạn 1961-1964, ông đã tiếp xúc với nhiều nhà khoa học ngành Mỏ của Hội Mỏ – Liên Xô và khâm phục trước những hoạt động hiệu quả, thành công nhiều mặt của các hội viên và Hội Mỏ Liên Xô đạt được. Sau khi tốt nghiệp về nước, công tác tại Khoa Mỏ – Địa chất trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã bàn bạc trao đổi với bạn bè đồng nghiệp cùng các đồng chí lãnh đạo để vận động thành lập Hội Mỏ. Sau một thời gian làm việc nhiệt tình và khẩn trương, Hội Mỏ Việt Nam đã ra đời ngày 10/11/1966 và TS Trần Anh Vinh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên. Khi đó ông là Thư ký Ban Mỏ (cấp vụ) của Uỷ ban KHKT Nhà nước. Sự ra đời của Hội Mỏ Việt Nam – một trong 5 Hội Khoa học Kỹ thuật đầu tiên của nước nhà đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam. Khi làm Thứ trưởng Bộ Điện và Than, TS Trần Anh Vinh đã đề xuất thành lập Phân viện nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Than (10/1972), là tiền thân của Viện KHCN Mỏ ngày nay và là Viện trưởng đầu tiên của Viện.
Trong vai trò quản lý, TS. Trần Anh Vinh có nhãn quan rất xa của người trí thức, toát lên tầm nhìn chiến lược, kiên định tập hợp các trí thức vào các tổ chức Khoa học công nghệ như Hội Mỏ Việt Nam và Viện KHCN Mỏ để phát triển Ngành Năng lượng nước nhà. Ông luôn tin tưởng giao việc, động viên cán bộ KHKT cấp dưới mạnh dạn đảm nhiệm công tác chuyên môn, quan tâm theo dõi từng bước trưởng thành của mọi người và đã có nhiều thế hệ lãnh đạo trưởng thành dưới sự dìu dắt của ông. Thực tế, không phải ai ở vị trí của ông cũng làm được việc đó mà phải là người có kiến thức, có tâm, có tài và được mọi người nể phục.
Mặc dù rất bận rộn trong công tác lãnh đạo và quản lý, TS. Trần Anh Vinh vẫn quan tâm đến mọi người, đặc biệt là đời sống của công nhân cán bộ ngành Than trong những năm đầu đất nước đổi mới. Khi ông làm Quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than, sau đó là Thứ trưởng thứ Nhất Bộ Năng lượng, ngành Than chuyển đổi cơ chế, từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo đường lối đổi mới của Đảng. Đây là thời kỳ đời sống nhân dân cả nước cũng như cán bộ công nhân viên chức ngành Than gặp khó khăn gay gắt. Để cải thiện đời sống cho anh chị em khối các cơ quan trực thuộc Bộ, ông đã đề xuất và thống nhất trong lãnh đạo Bộ, tạo điều kiện cho anh chị em đi nhặt than tận thu ở một số mỏ lộ thiên. Từ số “than nhặt” này, anh chị em khối gián tiếp đã có thêm mì chính, thịt, quần áo, chăn màn, lốp xe… Những mặt hàng này thời đó rất khan hiếm. Ai nấy đều phấn khởi tham gia đoàn “nhặt than” dưới các công trường đầy bụi bặm, mồ hôi. Có một lần, vừa đi công tác nước ngoài về, tôi đến chơi nhà anh bạn. Khi anh ấy mở tủ quần áo thì mì chính ào ra. Tôi kinh ngạc hỏi, mì chính đâu ra nhiều thế? Anh bạn hãnh diện trả lời: Từ “than nhặt” đấy!
Một việc nữa khiến tôi không quên là, những dịp nhân các ngày lễ, ngày Tết…, cả cơ quan tôi đều hồi hộp chờ nhận thịt từ Hải Phòng về. Vào những ngày như vậy, mọi người đều có mặt đông đủ, hân hoan, nơi này người trải sẵn lá chuối, nơi khác túm năm tụm ba nói chuyện rôm rả. Xe thịt về đến nơi, những ánh mắt rạng lên, sung sướng. Có người thạo chia, sẵn tay dao tay thớt xẻ thịt rất đều, ai cũng được phần khoảng dăm ba cân, đủ cả thịt, xương, mỡ… Tôi đem phần của mình về nhà, rán mỡ tích để ăn dần trong sự kinh ngạc của hàng xóm!
Nhớ về TS. Trần Anh Vinh, không thể không nhắc đến tính cách của ông. Ông là người thẳng thắn, kiên định, không nề hà, việc gì có lợi cho tập thể là làm, không né tránh; không ngại khó ngại khổ, không ngại nói điều khó nghe, để giành quyền lợi cho mọi người. Trong suốt thời gian công tác, ông luôn là người đứng mũi chịu sào, đoàn kết, ổn định tổ chức. Việc đầu tiên khó khăn thì ông đương đầu, đến khi đơn vị đứng vững và phát triển ổn định thì nhường cho đàn em. Ông là người không tham quyền cố vị, rất tôn trọng anh em đồng nghiệp và cấp dưới, không can thiệp sâu và không lấy quyền của mình để chỉ đạo, áp đặt. Ngay cả sau này, khi không còn làm việc ở cơ quan nhưng ông vẫn dõi theo bước tiến của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và Hội Mỏ Việt Nam.
Vốn là người tận tụy với công việc, ngoài công tác quản lý và chuyên môn, TS. Trần Anh Vinh vẫn thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học. Dù bận đến mấy ông cũng thu xếp tham dự. Ông như khối nam châm lớn. Hễ ông có mặt ở đâu là mọi người xúm quanh ông, nghe ông nói chuyện rồi hỏi han công việc, gia đình từng người. Riêng tôi, ông dành một tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Mỗi khi có mặt ở một sự kiện nào, ông thường hỏi mọi người “Đắc đâu, Đắc có đến không?”. Trong các hội nghị, ông thường kéo tôi ngồi cạnh. Thân tình và quý mến thế!
Khi còn sinh hoạt Chi bộ tại cơ quan Văn phòng Hội KHCN Mỏ Việt Nam, TS. Trần Anh Vinh là một trong những người chấp hành nghiêm chỉnh việc họp Chi bộ nhất. Đây là nơi sinh hoạt Đảng của nhiều cán bộ lãnh đạo ngành Mỏ hưu trí gần đây. Hầu như mỗi lần có lý do gì gặp mặt anh em thì ông đều có mặt và trở thành trung tâm, từ sinh hoạt chi bộ, hội thảo, gặp mặt thân mật… Những lần ông tròn 70, 80 và 90 tuổi, chúng tôi đều tổ chức mừng thọ ông. Năm Viện KHCN Mỏ tổ chức mừng thọ ông 80 tuổi, ông giao hẹn, nhân dịp này gặp gỡ anh em là chính. Trước khi vào tiệc, hãy làm một trận giao hữu tennis, đánh đôi. Một bên là ông và PGS.Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, vợ ông. Một bên là tôi và anh Lê Hoàn (nguyên Giám đốc Công ty than Hòn Gai). Mọi người tính ra số tuổi 155 (hai ông bà một 80, một 75 tuổi) và 123 (tôi 54, anh Hoàn 69 tuổi). Sau vài hiệp thi đấu, bên 155 thắng bên 123, chúng tôi thua thật, không phải là nhường nhé! Trong suốt trận đấu, ông tỏ ra phong độ, mẫn tiệp, nhanh nhẹn như vận động viên chuyên nghiệp. Sau trận giao hữu, tâm trạng ông rất phấn khởi.
Trong suốt quá trình được công tác gắn bó với ông và cả sau này khi ông không còn làm việc nữa, tôi học hỏi được ở ông nhiều điều. Đặc biệt là sự tận tâm, có trách nhiệm cao trong công việc, đoàn kết gắn bó, gần gũi và tôn trọng đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ thế hệ sau tiến bộ trên đường công tác. Noi gương ông, chúng tôi – những người trí thức thế hệ sau ông đều cố gắng, tâm huyết, tận tụy với sự phát triển của ngành Khoa học Mỏ, của Viện KHCN Mỏ và của Hội Mỏ Việt Nam, giúp đỡ, dìu dắt, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành, trở thành những cán bộ nghiên cứu, quản lý chủ chốt của Viện KHCN Mỏ, của ngành Than – Khoáng sản, góp sức mình vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp Mỏ Việt Nam ngày càng bền vững.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nho-ve-ong-tien-sy-tran-anh-vinh-201701241150444255.htm” button=”Theo vinacomin”]