Một đời tôi không thể quên những cái Tết đầy ấn tượng ở mỏ thời bao cấp. Cái chung nhất của một thời gian khó ấy là đời sống bao cấp đã bao trùm lên mỗi gia đình thợ mỏ. Để sống, họ phải lo đến 60% là tự cấp tự túc. Thợ mỏ như nông dân, vì họ xuất phát từ nông dân, biết cấy lúa, biết trồng sắn và nuôi cá. Đến công đoàn còn tổ chức nuôi cá để lấy cá cho thợ mỏ ăn Tết. Đấy là một đặc điểm lớn nhất. Sáng đi làm ca 1 thì chiều về lên núi đi trồng sắn. Lương làm gì đủ ăn. Trong khu tập thể mỏ vẫn có ao cá, vẫn có nuôi lợn để cải thiện thêm bữa ăn và thêm thu nhập.
Không khí chuẩn bị Tết những năm bao cấp thật dài và thật vui. Gần như thợ mỏ phải lo Tết từ đầu tháng chạp. Tôi rất nhớ những cái Tết với dân thợ mỏ nguyên là cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Mỏ Cromit Cổ Định, Thanh Hóa có khoảng 2000 công nhân thì đến 1/3 trong số đó là cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết. Tết đến cánh Nam bộ uống rượu nhớ nhà, nhiều người khóc hu hu. Dân Nam bộ có thói quen đã uống là uống tới kỳ xỉn luôn. Cho nên đã giao thừa là uống tới sáng mồng một Tết. Sau khi thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hầu hết các cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết đã trở lại miền Nam đánh Mỹ. Nhiều người ở mỏ Cromit thì chỉ là những công nhân bình thường, nhưng khi trở lại miền Nam đánh Mỹ, nhiều người được phong là dũng sĩ diệt Mỹ, có một người được phong là anh hùng quân giải phóng.
Hồi tôi làm quản lý ở một công trường mỏ Mỹ Cái, thuộc Mỏ Cromit Cổ Định, cách trung tâm mỏ 12km. Chúng tôi còn được giám đốc mỏ giao nuôi một trại bò thịt khoảng 300 con. Mà Tết cũng không được thịt bò đâu. Giám đốc quy định chỉ có ngày kỷ niệm thành lập mỏ mới được thịt bò. Chúng tôi nuôi bò mà Tết phải ra chợ mua thịt bò. Nhưng thợ mỏ không có thói quen ăn Tết thịt bò, chỉ độc Tết thịt lợn. Giò, nem, chả, thịt đông… con lợn làm ra hết. Hợp đồng mua mứt Tết và rượu Tết từ trước đó một tháng. Rồi phải về Hà Nội hợp đồng với đơn vị quân đội về chiếu phim Tết cho thợ mỏ xem. Chúng tôi còn cho cả xe tải đi lấy nước mắm tận Hà Tĩnh về cấp cho thợ mỏ. Nhưng thợ mỏ rất nghiêm túc chấp hành kỷ luật. Một năm mỗi người được 5 mét vải nhưng là vải xấu chứ làm gì có vải tốt như bây giờ. Mà chỉ có Tết mới ưu tiên bán vải cho các cháu có áo mới. Ấy thế mà vẫn vui. Tinh thần là “Tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Câu khẩu hiệu đó được treo trên một bảng to bằng hai cái chiếu ở ngã ba đường vào mỏ như khích lệ chúng tôi đồng cam cộng khổ vì một nghĩa lớn: Khai thác quặng để bán lấy ngoại tệ mua súng đạn cho đánh Mỹ. Dân thợ mỏ lúc đó đói khổ nhưng thật trong sáng và kiên cường.
Tiêu chuẩn Tết một gia đình thợ mỏ gồm có: 2 gói thuốc lá Tam Đảo, hai bao diêm, một hộp nhỏ kim chỉ, một gói mứt Tết, một chai rượu chanh và thư chúc Tết của Giám đốc mỏ. Gạo nếp nấu bánh chưng thì mỗi khẩu 5 lạng nhưng năm có năm không. Ngoài ra không có gì thêm cả. Rượu chanh chỉ lãnh đạo từ trưởng phòng trở lên mới có. Ấy thế mà không biết bằng cách nào Tết đến, nhà nào cũng có bánh chưng. Rượu Tết là cả một vấn đề khó khăn. Ngày xưa cấm nấu rượu nghiêm ngặt nên nấu rượu lậu là bị phạt nặng lắm. Tuy thế, rượu chui và rượu nút lá chuối vẫn nhiều. Rượu sắn có vị ngang ngang rất khó uống, nhưng mà Tết có chén rượu sắn vẫn vui. Tôi không thể mô tả cái vị rượu sắn nó khó uống thế nào nhưng lúc đó thì thật tuyệt vời.
Giám đốc quy định, Tết mỏ vẫn làm việc bình thường. Tối ba mươi Tết, trong công trường khai thác mỏ, điện sáng như sao sa. Giám đốc và Bí thư Đảng ủy đi chúc Tết ở tất cả các công trường khai thác mỏ. Vui nhất là lúc giao thừa. Lúc đó chưa cấm pháo. Sau khi Bác Hồ chúc Tết và đọc thơ Tết, Giám đốc chúc Tết thợ mỏ và đốt pháo ran cả công trường.
Ở khu tập thể mỏ, sau phút giao thừa, chúng tôi kéo cả đoàn đi các gia đình chúc Tết. Mà đã đến nhà này thì không thể không đến nhà khác. Chúc Tết hết khu tập thể về đến nhà thì tôi đã say bí tỉ. Những gia đình liệt sĩ, gia đình có người đi bộ đội, gia đình đi B (Đi đánh Mỹ ở miền Nam), được lãnh đạo mỏ chúc Tết và có quà riêng từ chiều 30 Tết.
Tết của thợ mỏ thời bao cấp, những ấn tượng không bao giờ quên trong lòng tôi!
Cuối Đông 2016, Xuân Đinh Dậu đang về.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nho-thoi-bao-cap-201701201507277184.htm” button=”Theo vinacomin”]