Thực trạng về huy động vốn của các đơn vị chi nhánh trong Công ty Mẹ trước khi thực hiện cơ chế ủy quyền huy động vốn
Theo quy định của pháp luật , Chi nhánh của TKV là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty mẹ – TKV, có tư cách pháp nhân không đầy đủ, toàn bộ vốn và tài sản của Chi nhánh đều thuộc Công ty mẹ, toàn bộ các quan hệ pháp lý phát sinh từ Chi nhánh đều do Công ty mẹ giao thực hiện và Công ty mẹ sẽ chịu trách nhiệm về các quan hệ pháp lý này. Thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 07/02/2013, từ quý III/2013, số lượng Chi nhánh của TKV tăng lên nhanh chóng về số lượng đồng thời quy mô của các Chi nhánh là đơn vị sản xuất than cũng rất lớn. TKV đã chuyển đổi 10 Công ty TNHH MTV sản xuất than và Công ty Chế biến và Kinh doanh than Quảng Ninh thành Chi nhánh trực thuộc Công ty mẹ – TKV, nâng tổng số các đơn vị trực thuộc TKV lên thành 31 đơn vị, với mục tiêu tạo sự ổn định, cơ cấu lại đầu mối các phòng ban, công trường phân xưởng, đổi mới cơ cấu lao động.
Theo đó, TKV đã hoàn thành chuyển 10 Công ty TNHH MTV sản xuất than và Công ty Chế biến kinh doanh than Quảng Ninh thành Chi nhánh trực thuộc Công ty mẹ – TKV, cụ thể: Năm 2013 hoàn thành chuyển đổi 06 đơn vị: Công ty than Khe Chàm, Thống Nhất, Dương Huy, Quang Hanh, Nam Mẫu, Mạo Khê. Năm 2014 hoàn thành chuyển đổi 04 đơn vị: Công ty than Hòn Gai, Hạ Long, Hồng Thái, Công ty Chế biến và Kinh doanh than Quảng Ninh. Quý I/2015 hoàn thành chuyển đổi Công ty than Uông Bí.
Do trước khi chuyển đổi thành chi nhánh của Tập đoàn, các đơn vị này hoạt động như những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập với số lượng cũng như quy mô các giao dịch liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cũng như huy động vốn hàng năm rất lớn. Theo đó, sau khi chuyển đổi thành Chi nhánh của TKV, các quan hệ pháp lý của Chi nhánh đối với bên thứ 3 cũng trở nên đa dạng hơn, phức tạp hơn, phát sinh nhiều rủi ro tiềm ẩn hơn so với trước kia. Trong khi đó, quy định của pháp luật về trách nhiệm của Chi nhánh thì chưa cụ thể và chưa phù hợp với mô hình quá lớn của các Chi nhánh là đơn vị sản xuất than trong Tập đoàn.
Việc giao nhiệm vụ cho các chi nhánh (thông qua Điều lệ tổ chức hoạt động của các chi nhánh, các văn bản quản trị nội bộ của TKV) chủ yếu chỉ dùng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của chi nhánh, cá nhân và các chỉ tiêu thi đua mà chưa gắn kết được trách nhiệm pháp lý nếu có sự vi phạm bởi trên hết chi nhánh thực hiện nhiệm vụ của mình nhân danh Tập đoàn. Với khối lượng rất lớn các giao dịch pháp lý từ quy mô lớn tới nhỏ của các chi nhánh là đơn vị sản xuất than khiến cho việc kiểm soát các hậu quả pháp lý trở nên khó khăn, trong khi đó cơ chế tự chịu trách nhiệm và xử lý trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này chưa rõ ràng hoặc khó thực thi trước cơ quan luật pháp.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các Chi nhánh, Giám đốc chi nhánh không thể tự mình tham gia các quan hệ pháp lý mà phải được Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn uỷ quyền thực hiện. Do đó, trong lĩnh vực huy động vốn, đối với các giao dịch vay vốn với các ngân hàng, các Chi nhánh có nghĩa vụ trình hợp đồng tín dụng lên Tổng Giám đốc để ký kết hoặc lập một ủy quyền thường xuyên hay từng lần để Chi nhánh có thể thực hiện giải ngân vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc vốn vay trung, dài hạn cho các dự án đầu tư được Tập đoàn giao theo kế hoạch hàng năm.
Từ năm 2013 trở về trước, số lượng các Chi nhánh của TKV không nhiều và quy mô nhỏ nên việc quản lý công tác huy động và sử dụng vốn của các chi nhánh khá đơn giản và dễ dàng. Sau khi thực hiện chuyển đổi các đơn vị sản xuất than thành các chi nhánh, số lượng và quy mô các hợp đồng vay vốn ngắn hạn và dài hạn của các chi nhánh là rất lớn để đáp ứng nhu cầu huy động vốn ngắn hạn và dài hạn phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tài trợ cho các dự án đầu tư. Điều này dẫn đến việc Tổng Giám đốc Tập đoàn phải ký rất nhiều văn bản uỷ quyền riêng lẻ đồng thời vẫn phải trực tiếp kiểm soát các khối lượng công việc khổng lồ của các Chi nhánh và đôi khi cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện công việc của Chi nhánh do cần thời gian báo cáo và xin uỷ quyền của Tập đoàn.
Ngoài ra, trước khi thực hiện cơ chế ủy quyền, hiệu quả huy động và sử dụng vốn của các chi nhánh còn thấp. Nguyên nhân là do các chi nhánh báo cáo và xin ủy quyền ký kết các hợp đồng tín dụng riêng lẻ với các ngân hàng dẫn đến việc khó kiểm soát hạn mức tín dụng chung của ngân hàng dành cho cả Công ty mẹ TKV. Một số đơn vị ký nhiều hạn mức tín dụng với nhiều ngân hàng khác nhau dẫn đến việc có những hạn mức không sử dụng tới hoặc không sử dụng hết. Do những quy định liên quan tới trần hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, điều này cũng gây ra tình trạng nhiều đơn vị của TKV khi có nhu cầu huy động vốn lại không ký được hợp đồng tín dụng do ngân hàng đã dành hạn mức cho các đơn vị khác tuy nhiên đơn vị đó lại không sử dụng.
Bên cạnh đó, theo các hợp đồng tín dụng do các chi nhánh trực tiếp ký với các ngân hàng, lãi suất giải ngân của các khoản vay đều theo thông báo của ngân hàng, dẫn đến việc bị phụ thuộc vào cách xác định lãi suất của ngân hàng và không tham chiếu được với mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng như khó kiểm soát, dự báo được chi phí lãi vay. Ngoài ra, ngân hàng có thể áp mức lãi suất khác nhau cho các chi nhánh dựa vào năng lực tài chính của từng đơn vị, theo đó, một số đơn vị có tình hình tài chính khó khăn lại phải chịu lãi suất cao cũng như gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn và vô hình chung, gây thêm khó khăn cho các đơn vị này.
Thêm vào đó, hợp đồng tín dụng của các đơn vị chi nhánh ký với các ngân hàng cũng chỉ dựa vào bản dự thảo do phía ngân hàng cung cấp mà không tham khảo các hợp đồng tín dụng của Tập đoàn với các ngân hàng, dẫn đến việc trong hợp đồng có những điều khoản bất lợi cho bên đi vay là các chi nhánh, gây ra những rủi ro pháp lý không đáng có.
Với thực trạng huy động và sử dụng vốn của các chi nhánh vẫn còn nhiều tồn tại cần phải xử lý như vậy đồng thời với việc chuyển đổi các đơn vị sản xuất than thành Chi nhánh, nhu cầu ban hành các quy định về phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc TKV trong các hoạt động cũng trở nên hết sức cấp thiết.
Cơ chế huy động vốn tập trung tại Công ty mẹ – những thuận lợi và hạn chế:
Kể từ tháng 8 năm 2015, TKV đã triển khai áp dụng một cơ chế ủy quyền thống nhất giữa Tập đoàn với các đơn vị trong Công ty mẹ đối với một số lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiền lương, chi phí… thông qua các hợp đồng ủy quyền giữa Tập đoàn với các chi nhánh và đã được đưa vào quy chế tổ chức và hoạt động của các công ty từ tháng 8 năm 2016. Qua gần 2 năm thực hiện, cơ chế ủy quyền chung đã giúp Tập đoàn phát huy được vai trò quản lý đối với các chi nhánh và đem lại những kết quả khả quan, góp phần tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng vốn trong toàn bộ hệ thống Công ty mẹ nói chung cũng như trong công tác quản lý và huy động vốn vay nói riêng.
Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị chi nhánh được Tập đoàn phê duyệt tháng 8 năm 2016, cơ chế ủy quyền trong công tác quản lý và huy động vốn vay của Tập đoàn với các đơn vị chi nhánh có thể tóm lược như sau:
Vốn vay ngắn hạn: Trên cơ sở các hợp đồng tín dụng ký kết giữa Công ty mẹ TKV với các ngân hàng thương mại, TKV thông báo và ủy quyền cho các chi nhánh trực tiếp giải ngân, sử dụng và trả nợ vốn vay căn cứ theo nhu cầu sử dụng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.
Vốn vay dài hạn: Công ty mẹ TKV ủy quyền cho các chi nhánh chủ động ký kết và giải ngân các hợp đồng tín dụng dài hạn tài trợ cho các dự án có tổng mức đầu tư dưới 10 tỷ đồng. Ngoài các trường hợp được ủy quyền, các chi nhánh có nhu cầu vốn đầu tư dài hạn sẽ sử dụng vốn từ các nguồn vốn của Tập đoàn và/hoặc giải ngân từ các hợp đồng tín dụng do Tập đoàn trực tiếp ký kết với các ngân hàng thương mại. Tập đoàn thông báo và giao cho các đơn vị thực hiện các hợp đồng tín dụng này bao gồm cả việc rút vốn vay, nhận nợ, trả nợ gốc, lãi, phí và các nghĩa vụ khác (nếu có).
Những thuận lợi từ việc áp dụng cơ chế huy động vốn tập trung:
Cơ chế quản lý và huy động vốn vay như trên đã được áp dụng trên toàn bộ các đơn vị chi nhánh thuộc Công ty mẹ một cách thống nhất, tạo ra một quy trình mới và đồng bộ của Tập đoàn trong công tác huy động và giải ngân vốn vay. Việc áp dụng cơ chế mới này đã đem lại những hiệu quả gần như tức thì và có những tác động tích cực đối với các tình hình tài chính của TKV về dài hạn.
Thứ nhất là Công ty mẹ đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các ngân hàng có hệ số tín nhiệm cao, có năng lực cung cấp nguồn vốn tốt với lãi suất cạnh tranh. Với việc tập trung vay ngắn hạn chủ yếu tại cơ quan Công ty mẹ (trên 95% dư nợ ngắn hạn), Công ty mẹ cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát và chủ động điều phối hạn mức vay giữa các ngân hàng để không vượt các giới hạn cho phép cũng như có cơ hội lựa chọn các khoản tín dụng có chi phí cạnh tranh nhất tại từng thời điểm.
Thứ hai là cơ chế mới cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp Công ty mẹ sử dụng một cách hiệu quả và linh động các nguồn vốn vay dài hạn có thể sử dụng cho nhiều dự án của Tập đoàn như nguồn Trái phiếu, nguồn USD từ ngân hàng Bắc Âu, vay cấu trúc… trên cơ sở cân đối nhu cầu vốn đầu tư của các dự án. Theo đó, Tập đoàn phân bổ nguồn vốn vay tới các chi nhánh dựa trên nhu cầu thực tế sử dụng vốn dài hạn theo tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư nhằm đảm bảo sử dụng tối đa các khoản vay đã được thu xếp bởi Công ty mẹ, đồng thời giảm thiểu các loại chi phí liên quan tới thu xếp vốn.
Thứ ba là việc chỉ ủy quyền cho các chi nhánh được ký các hợp đồng tín dụng dài hạn cho các dự án có tổng mức đầu tư dưới 10 tỷ đồng cũng đã hạn chế được tình trạng các đơn vị ký đồng thời nhiều hạn mức tín dụng với các ngân hàng khác nhau tuy nhiên lại không sử dụng hoặc không sử dụng hết. Cơ chế mới quản lý việc huy động vốn vay dài hạn một cách tập trung và sử dụng hiệu quả các khoản tín dụng tại các ngân hàng. Nhờ đó, cũng không còn tình trạng một số đơn vị không giải ngân được khi có nhu cầu do Ngân hàng đã không còn hạn mức cho TKV do những quy định của Ngân hàng Nhà nước liên quan tới trần giới hạn tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với nhóm khách hàng, trong khi có những đơn vị lại không sử dụng hết hạn mức đã được Ngân hàng cam kết tài trợ.
Thứ tư là việc quản lý huy động vốn một cách tập trung cũng giúp dư nợ vay của Công ty mẹ với các ngân hàng tại mọi thời điểm cũng được duy trì ở mức hợp lý. Việc kiểm soát dư nợ vay nhằm đảm bảo hệ số nợ không vượt so với mức phê duyệt của Tập đoàn cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn, nhất là trong tình hình kinh tế không thuận lợi như hiện nay, Công ty mẹ vẫn duy trì được hệ số nợ/vón chủ sở hữu ở mức thấp (khoảng 2 lần so với mức quy định của Nhà nước là 3).
Theo Báo cáo tài chính Công ty mẹ TKV, tại các thời điểm cuối năm 2015 và cuối các quý năm 2016, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi do ảnh hưởng của thị trường cũng như một số yếu tố khách quan, đặc biệt việc chỉ tiêu quan trọng nhất ảnh hưởng tới nhu cầu vốn lưu động là hàng tồn kho ngày càng tăng, dư nợ ngắn hạn của Công ty mẹ vẫn luôn được kiểm soát ở mức trên dưới 6.000 tỷ đồng. Điều này có được là do Tập đoàn áp dụng quản lý huy động vốn tập trung, chỉ phê duyệt cho các đơn vị vay trên cơ sở chấp thuận phương án cân đối nhu cầu vay có tính đến các chỉ tiêu về hàng tồn kho, các khoản công nợ… hợp lý, yêu cầu các đơn vị tăng cường thu hồi công nợ và giảm lượng tiền mặt nhàn rỗi.
Thứ năm là việc triển khai cơ chế huy động vốn vay mới cũng tạo cho Tập đoàn một vị thế mới trên thị trường, giúp Tập đoàn có những lợi thế nhất định khi đưa lãi suất huy động vốn tại các đơn vị thành viên về một mặt bằng chung và thường thấp hơn thị trường từ 1 – 1,5% đối với cả vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh và vay dài hạn cho các dự án đầu tư. Điều này rất có ý nghĩa đối với những đơn vị có năng lực tài chính còn yếu để có thể huy động được vốn với chi phí hợp lý. Mức lãi vay ngắn hạn trong năm 2016 vào khoảng 3,7 – 4,5%/năm đối với các khoản vay hạn mức 3 – 6 tháng huy động từ các ngân hàng nước ngoài cũng như các ngân hàng lớn trong nước trong khi lãi suất thị trường vào khoảng 5 – 6%/năm. Có thể thấy, chi phí lãi vay ngắn hạn của TKV huy động thậm chí còn thấp hơn chi phí vốn của nhiều ngân hàng.
Thứ sáu là đối với các khoản vay dài hạn, dựa vào năng lực tài chính của mình, Công ty mẹ cũng có những ưu thế trong việc đàm phán để thu xếp những nguồn vốn có thời hạn dài hơn, đồng thời cũng tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng trên địa bàn hoạt động của các chi nhánh phải đưa ra những điều kiện lãi suất thậm chí thấp hơn cả so với khi Công ty mẹ thu xếp để có thể cạnh tranh với những nguồn vay trong nước cũng như nguồn vay ngoại tệ giá rẻ từ các ngân hàng quốc tế. Việc trực tiếp ký kết các hợp đồng tín dụng tài trợ cho các dự án đầu tư và giao các chi nhánh thực hiện giải ngân cũng giúp Công ty mẹ kiểm soát và tạo ra một chuẩn mực nhất định về mặt nội dung của các điều kiện trong các hợp đồng tín dụng với các ngân hàng khác nhau, tránh được những vi phạm thỏa thuận hoặc gây ra những tranh chấp pháp lý không cần thiết với các ngân hàng.
Những tồn tại và vướng mắc trong việc áp dụng cơ chế huy động vốn tập trung
Qua gần 2 năm triển khai, vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc trong khi thực hiện cơ chế ủy quyền trong việc quản lý và huy động vốn.
Thứ nhất là việc tập trung đầu mối thu xếp vốn chủ yếu về Công ty mẹ dẫn đến việc các đơn vị khi có nhu cầu giải ngân phải chuyển phát hồ sơ vay vốn về trụ sở Công ty mẹ ở Hà Nội, trong khi đa phần các chi nhánh có trụ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Khác biệt về địa bàn hoạt động cũng gây ra những khó khăn khi đơn vị cần bổ sung hồ sơ để đủ điều kiện giải ngân theo quy định, gây mất thời gian cũng như phát sinh chi phí đi lại của đơn vị.
Thứ hai là một số đơn vị vẫn chưa nắm rõ về quy trình giải ngân, thu xếp vốn của Tập đoàn mặc dù Tập đoàn đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc phải thay đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần gây chậm trễ trong việc xử lý hồ sơ.
Thứ ba là thời hạn xử lý của các Ban chuyên môn khi đơn vị đã cung cấp đủ hồ sơ giải ngân cũng là một vấn đề còn tồn tại. Do các Ban chuyên môn của Tập đoàn cùng một lúc phải xử lý một khối lượng lớn các công việc cho nhiều đơn vị khác nhau dẫn đến việc tồn đọng hồ sơ và gây ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân cho các dự án. Theo quy trình, các Ban chuyên môn phụ trách dự án cần có ý kiến thẩm định trước khi Tập đoàn tiến hành các thủ tục giải ngân vốn theo quy định. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng quá thời hạn cho ý kiến mà các Ban chuyên môn vẫn chưa trả hồ sơ để tiến hành thủ tục giải ngân, dẫn đến việc đơn vị bị vi phạm điều khoản thanh toán trong hợp đồng với các nhà thầu. Những vấn đề trên cũng gây ra tâm lý không thoải mái cho các đơn vị khi phải giải ngân vay vốn đầu tư cho dự án qua Tập đoàn.
Việc Tập đoàn có khả năng chủ động điều phối hạn mức vay vốn giữa các ngân hàng bên cạnh những thuận lợi cũng có một số vấn đề, chủ yếu liên quan tới việc trả nợ trước hạn của Tập đoàn để điều tiết dư nợ vay cũng như một số chỉ tiêu tài chính. Việc trả nợ trước hạn các khoản vay ngắn hạn cũng như các khoản vay dài hạn thể hiện việc lập kế hoạch sử dụng tiền của cơ quan Công ty mẹ TKV còn hạn chế trong việc thu tiền và trả nợ không kế hoạch định trước , dẫn đến việc các ngân hàng bị động trong việc thu xếp kế hoạch vốn đồng thời Tập đoàn cũng gặp khó khăn trong việc thu xếp kế hoạch giải ngân dự án do nguồn vốn đã được dùng vào trả nợ trước hạn. Đặc biệt trong tình hình kinh tế như hiện nay, nhiều ngân hàng đã sát cánh hỗ trợ Tập đoàn vượt qua khó khăn, do đó vai trò của các ngân hàng đối với sức khỏe tài chính của TKV cũng rất quan trọng, việc trả nợ trước hạn không theo kế hoạch sẽ gây những ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ lâu dài đã trải qua nhiều năm xây dựng giữa TKV và các ngân hàng đối tác.
Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị, Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị trả nợ trước hạn cho các khoản vay dài hạn đã được Ngân hàng tài trợ cho các dự án, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn của các tài sản dự án. Việc tìm nguồn thay thế cho nguồn đã bị trả trước hạn là rất khó do các ngân hàng hiếm khi tài trợ cho các tài sản thiếu nguồn của dự án. Do đơn vị buộc phải sử dụng vốn ngắn hạn để trả nợ trước hạn cho khoản vay dài hạn cũng dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính và về lâu dài không có tác dụng nhiều đối với việc đảm bảo các hệ số tài chính của đơn vị.
Các giải pháp hoàn thiện cơ chế
Nhằm hoàn thiện cơ chế ủy quyền trong công tác quản lý và huy động vốn giữa Công ty mẹ và các đơn vị chi nhánh, việc khắc phục những vẫn đề nêu trên là vô cùng cần thiết để tạo ra một cơ chế thuận lợi và hài hòa về lợi ích cho tất cả các bên. Theo đó, TKV cần thực hiện một số biện pháp nhằm hoàn thiện cơ chế ủy quyền trong công tác quản lý và huy động vốn giữa Công ty mẹ và các đơn vị chi nhánh, cụ thể như sau:
Xây dựng một quy trình giải ngân hợp lý của Tập đoàn đối với các đơn vị, trong đó quy định cụ thể thời hạn xử lý hồ sơ của các Ban chuyên môn tối đa 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ giải ngân. Trong trường hợp hồ sơ còn thiếu, các Ban chuyên môn cần hướng dẫn đơn vị kịp thời bổ sung hoặc ra văn bản từ chối giải ngân ngay để đơn vị có hướng xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Xây dựng một hệ thống thư viện điện tử các văn bản, hồ sơ pháp lý liên quan đến các dự án trong Tập đoàn để thuận tiện cho việc tìm kiếm và tiết kiệm thời gian cho cán bộ các Ban chuyên môn trong việc thẩm định hồ sơ, tránh trường hợp yêu cầu các đơn vị phải cung cấp nhiều lần các văn bản, hồ sơ pháp lý cho cùng một gói thầu của dự án cho các lần thanh toán khác nhau. Việc xây dựng thư viện điện tử như vậy cũng tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như chi phí in ấn tài liệu của các đơn vị.
Có kế hoạch trả nợ trước hạn hợp lý đối với cả vay ngắn hạn và dài hạn đồng thời tập trung nâng cao năng lực tài chính bằng cách mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu đồng thời mở rộng tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, góp phần tiết kiệm chi phí vay vốn cũng như đảm bảo ổn định trong việc quản lý tài chính một cách hiệu quả.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhin-lai-viec-thuc-hien-co-che-uy-quyen-ve-huy-dong-von-tai-cong-ty-me-tkv-201705291141218484.htm” button=”Theo vinacomin”]