Với các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công nhân viên đã và đang gắn bó với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ (Viện KHCNM), tháng 10 này có ý nghĩa thật đặc biệt, đánh dấu hành trình 45 năm xây dựng và trưởng thành (24/10/1972 – 24/10/2017). Trên chặng đường ấy, họ đã ngày đêm bên nhau miệt mài sáng tạo với nhiều ý tưởng để có những công trình nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ thiết thực đóng góp cho ngành Than – Khoáng sản Việt Nam. Trong cảm xúc bồi hồi khi Viện thêm một tuổi mới, Viện trưởng Trần Tú Ba đã cùng chia sẻ với Tạp chí TKV về những năm tháng đầy tự hào của Viện và khẳng định: “Chúng tôi nhìn lại để tiếp tục bước tới vững vàng hơn”.
+ Thưa Viện trưởng, chắc hẳn thật khó có thể kể hết những kết quả đáng ghi nhận của Viện KHCNM trong suốt 45 năm qua. Nhưng nếu để nói một cách khái quát nhất, ông sẽ chia sẻ điều gì?
– Đúng vậy, với sự tâm huyết, nỗ lực cố gắng và những việc đã làm được của các thế hệ lãnh đạo, CBCNV gắn bó với Viện trong suốt chặng đường vừa qua thì thật khó có thể kể một cách đầy đủ trong khuôn khổ một hội nghị hay một bài viết của các bạn được. Nếu để nói một cách khái quát nhất, tôi xin nhấn mạnh lĩnh vực cốt lõi của Viện là nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ.
Trong những năm qua, Viện đã đề xuất và được tuyển chọn thực hiện nhiều dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN các cấp, từ những đề tài thuộc “Chương trình KHCN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản, thực hiện đề án đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn 2025”, Dự án KHCN cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng, ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”, các đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ, thuộc các chương trình “Ứng phó biến đổi khí hậu”, “Tiết kiệm năng lượng”… đến các đề tài cấp Tập đoàn TKV. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước nâng cao mặt bằng KHCN trong Ngành.
Cùng với đó, Viện đồng thời được giao thực hiện nhiều dự án, công trình áp dụng chuyển giao công nghệ, thiết bị mới vào thực tiễn như: “Dự án đầu tư XDCT khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo, mỏ Khe Chàm II-IV”, “Dự án đầu tư XDCT Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai, Nhân Cơ”… Các công trình hợp tác với các đơn vị sản xuất than, khoáng sản đã giải quyết hàng loạt các vấn đề ở các lĩnh vực như khai thác hầm lò; khai thác lộ thiên; sàng tuyển chế biến than, khoáng sản; an toàn mỏ; tư vấn thiết kế xây dựng mỏ; tự động hóa; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, lĩnh vực bảo vệ môi trường…
+ Với TKV, an toàn luôn là số 1. Vậy Viện trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về những đóng góp của Viện trong lĩnh vực an toàn mỏ?
– Về lĩnh vực này, Viện đã làm tốt công tác nghiên cứu và kiểm soát an toàn mỏ trên 5 lĩnh vực: Kiểm định thiết bị điện phòng nổ; kiểm định vật liệu nổ an toàn hầm lò; xác định độ chứa khí tự nhiên và phân cấp khí mỏ; thiết kế lắp đặt, bảo trì các hệ thống tự động cảnh báo khí mêtan, thiết kế lắp đặt hệ thống tháo khí mêtan; đào tạo về an toàn cho cán bộ công nhân mỏ. Đến nay, Viện đã lắp đặt, bảo hành, bảo trì 23 hệ thống cho các mỏ hầm lò và kết nối các trạm quan trắc khí mỏ từ xa thông qua mạng internet, thường xuyên giám sát và có thông báo kịp thời cho các đơn vị và Tập đoàn khi phát hiện những diễn biến bất thường về khí mỏ.
Đặc biệt năm 2016, Viện đã khánh thành Phòng thí nghiệm nghiên cứu than tự cháy, đang xây dựng quy trình vận hành để trình Tập đoàn. Đồng thời, Viện đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nội địa hóa và đưa vào sử dụng hầu hết các thiết bị, linh kiện của hệ thống ảnh báo khí mỏ tự động với tủ điều khiển trung tâm KSP-2C, đầu đo khí mêtan, CO, còi báo động … và đang tiếp tục nội địa hóa các linh kiện, đầu đo còn lại.
+ Qua ghi nhận của phóng viên Tạp chí, thời gian qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng Viện đã nhanh chóng vận động, thích nghi với những đòi hỏi khắc nghiệt của cơ chế thị trường và hoạt động ổn định. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
– Tôi sẽ minh chứng cho bạn bằng con số nhé. Những năm qua, doanh thu của Viện duy trì đạt mức trên, dưới 300 tỷ đồng mỗi năm; trong đó, doanh thu từ hoạt động KHCN luôn chiếm tỷ lệ cao, trên 70%. Điều này cho thấy rằng, hoạt động KHCN của Viện luôn gắn liền với sản xuất, Viện đã phát huy nội lực, thích nghi với những đòi hỏi khắc nghiệt của cơ chế thị trường và đã hoạt động ổn định vững vàng theo cơ chế tự hạch toán, tự trang trải chi phí.
+ Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nhất là với đặc thù một Viện nghiên cứu như Viện KHCNM. Vậy công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ công nhân viên được lãnh đạo Viện quan tâm ra sao?
– Chúng tôi luôn coi đây là vấn đề được đặc biệt ưu tiên. Những năm gần đây, do yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công trình và lĩnh vực hoạt động của Viện ngày càng mở rộng, nên yêu cầu về đội ngũ cán bộ cũng đòi hỏi tăng cao, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ càng được quan tâm, chú trọng cả về số lượng và chất lượng; hình thức đào tạo cũng được mở rộng, quan tâm kết hợp nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn như gửi đi đào tạo trình độ sau đại học tại các trường cả trong và ngoài nước, gửi đi đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản lý tại các trường, tại các trung tâm đào tạo và tự tổ chức đào tạo nội bộ. Tính đến ngày 1/8/2017, tổng số cán bộ đang công tác tại Viện là 444 người (14 chuyên gia và hợp đồng không chính thức), trong đó 30 tiến sỹ, 93 thạc sỹ, 210 kỹ sư, cử nhân.
+ Ở Viện KHCNM lâu nay luôn có một truyền thống và nét văn hóa riêng đó là sự đồng thuận, gắn kết chung trong một mái nhà. Xin Viện trưởng bộc bạch thêm về điều này?
– Có lẽ đây là điều mà chúng tôi luôn tự hào bởi dù trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn, cán bộ công nhân viên của Viện lúc nào cũng kề vai sát cánh bên nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Viện không bao giờ quên duy trì nét đẹp văn hóa – tôn vinh những cán bộ lão thành đã có nhiều đóng góp xây dựng Viện. Hàng năm, Ban Lãnh đạo cùng Ban liên lạc hưu trí của Viện tổ chức gặp mặt đầu Xuân chúc Tết và mừng thọ cán bộ đã nghỉ hưu và tham gia phong trào về công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn đối với những cán bộ có hoàn cảnh khó khăn…
+ Xuyên suốt hành trình không ít gian nan vừa qua, CBCNV của Viện đã vượt lên, tiếp tục khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong và ngoài Ngành. Theo đánh giá của Viện trưởng, đâu là những nhân tố làm nên thành công đó?
– Đó là nhờ những định hướng kịp thời, sự quan tâm tạo điều kiện và chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn. Bên cạnh đó, phải kể đến mối quan hệ hợp tác có hiệu quả giữa Viện với các đơn vị khai thác, chế biến than, khoáng sản; sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện và quan trọng là sự đoàn kết, đồng tâm, nhất trí của toàn thể cán bộ công nhân viên trong Viện.
+ Chặng đường phía trước với Viện KHCNM chắn chắn sẽ còn không ít những khó khăn. Viện trưởng có thể chia sẻ những dự định, mục tiêu của Viện trong thời gian sắp tới?
– Mục tiêu xuyên suốt từ nay đến năm 2020, Viện đề ra là phát triển ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân viên với phương châm “Chất lượng – Tiến độ – Tăng trưởng – Hiệu quả”. Trong đó, tập trung hoàn thành các đề tài, nhiệm vụ KHCN đang thực hiện, cả về chất lượng và tiến độ, đồng thời tiếp tục đề xuất cho những năm tiếp theo; thực hiện tốt các dự án trọng điểm như tư vấn xây dựng mỏ hầm lò Núi Béo, mỏ Khe Chàm II-IV, xây dựng Nhà máy tuyển bauxite Nhân Cơ, cơ giới hoá đồng bộ tại Công ty than Nam Mẫu; ký kết và thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật với các đơn vị sản xuất, đảm bảo tăng hiệu quả SXKD và nâng cao mức độ an toàn cho các đơn vị trong Ngành về các lĩnh vực công nghệ khai thác hầm lò, lộ thiên, than sạch, địa cơ mỏ, điện tự động…
+ Như vậy, sau 45 năm với không ít những điều đáng nhớ, Viện KHCNM đang bước sang một giai đoạn mới, cảm xúc của Viện trưởng lúc này như thế nào?
– Nhìn lại chặng đường đã qua, không chỉ riêng tôi mà tập thể cán bộ công nhân viên của Viện đều cảm thấy bồi hồi xúc động. 45 năm ấy đã thấm đẫm những giọt mồ hôi và ghi dấu cả những niềm tin và hy vọng mà anh chị em gửi gắm cho sự phát triển của Viện. Tình yêu công việc, yêu đơn vị luôn nằm trong sâu thẳm trái tim mỗi cán bộ công nhân viên của Viện và luôn được khơi dậy, bồi đắp qua các thế hệ như những câu hát trong bài ca truyền thống của Viện chúng tôi “Viện ta hôm nay như một con tàu, lướt sóng ra muôn trùng khơi, gian nan lắm những ngày trong lò, nắng cháy đi trên tầng than. Ngày đêm bên nhau miệt mài sáng tạo, cháy những ước muốn cho than nhiều hơn. Yêu, yêu lắm những công trình khoa học, khát khao, khát khao vươn lên tầm cao…”
+ Xin trân trọng cảm ơn Viện trưởng và kính chúc “con tàu” Viện KHCN Mỏ luôn “thuận buồm xuôi gió”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhin-lai-de-buoc-toi-vung-vang-hon-2017102117504464.htm” button=”Theo vinacomin”]