Công ty than Khánh Hòa có 2 bãi thải, trong đó, bãi thải Nam nằm trên địa bàn xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên) có từ lâu. Cuối tháng 4/2012, Công ty than Khánh Hòa cho dừng đổ thải tại bãi thải Nam, đồng thời lập phương án đề bù, di rời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để mở rộng bãi thải. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ dân vẫn bất chấp nguy hiểm, “kiên cường bám trụ” để xây dựng, cơi nới công trình nhằm “đón” đền bù.
Nạn (có thể gọi là là quốc nạn) xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây v.v. để đón đền bù không còn là chuyện lạ và xẩy ra ở nhiều nơi.. Nhưng xây những ngôi nhà lạ lùng, xây tường rào cả bụi chuối, vạt ngô…để đón đền bù thì bây giờ chúng tôi mới thấy đang xảy ra ở chân bãi thải Nam, Công ty than Khánh Hòa.
Sự xây dựng cơi nới ở đây xẩy ra rầm rập, khẩn trương kể từ khi Công ty than Khánh Hòa dừng đổ thải và lập phương án đền bù, di rời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Công ty than Khánh Hòa cho biết, qua thống kê, hiện có hơn 200 hộ dân đang sống dưới chân bãi thải với cự li từ 50 – 200 mét; ngoài ra còn có các cơ quan, trường học như Nhà trẻ, Trạm xá, UBND xã Phúc Hà, Trường Tiểu học, Trường THCS. Đây là cự li không an toàn, cần phải di rời khẩn cấp. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Nhà trẻ, Trạm xá đã di dời.
Các tường xây để đón đền bù
Nạn xây dựng công trình đón đền bù ở đây đã được…chuyên nghiệp hóa. Anh lái xe Công ty than Khánh Hòa cho biết, tại địa phương có đội quân chuyên xây móng nhà, lắp ghép mái tôn. Hộ nào có nhu cầu, họ mang vật liệu đến, thi công rất nhanh. Khi đền bù xong, chính đội quân này lại đến tháo dỡ. Vì thế, nhiều gia đình ở đây làm mái tôn cho những vị trí không cần thiết như cổng, sân v.v.
Theo quy định của Nhà nước, đơn giá đền bù được tính theo khối lượng m3 xây dựng và m2 mái tôn; khi đền bù xong, chủ hộ được thu hồi vật liệu xây dựng. Bởi vậy, các công trình trên làm vội vã, “bôi bác”, cốt sao chi phí thấp mà nhiều mét khối xây dựng, nhiều mét vuông mái tôn; tháo dỡ nhanh, thu hồi vật liệu được nhiều càng tốt.
Những việc làm trên lãnh đạo địa phương và Công ty than Khánh Hòa biết cả. Ông Nguyễn Công Bình cho hay, Công ty đã phối hợp với địa phương họp bàn với dân, đã tuyên truyền vận động, đã quay phim ghi hình để lấy bằng chứng ngăn chặn tình trạng xây dựng đón đền bù, thậm chí đã lập biên bản đình chỉ thi công các công trình v.v. nhưng đành “bó tay.com”! Nạn xây dựng cơi nới công trình nơi đây vẫn còn tiếp diễn.
Bờ rào bãi ngô
Chúng ta chia sẻ với những hộ dân bị mất tài sản hoa màu do giải tỏa mặt bằng để phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với quy hoạch. Để bù đắp những thiệt hại của dân nằm trong vùng giải tỏa, Nhà nước ta đã có chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và những chính sách khác để ổn định đời sống của nhân dân khi tái định cư. Trong trường hợp cụ thể này, mặc dù Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (ĐB- GPMB) đã vận dụng mọi quy định của Nhà nước về chế độ đền bù GPMB, nhưng nhiều hộ dân vẫn không chịu di dời với lí do giá đền bù thấp và họ đặt ra giá đền bù không thể vận dụng vào quy định của Nhà nước. Trong lúc chờ sự thỏa thuận về giá đền bù, dân rập rập xây dựng công trình để đón đền bù như sự…”phạt vạ” doanh nghiệp vậy!
Tình trạng này đẩy doanh nghiệp vào thế bị động, hết sức khó khăn. Nếu việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài, Công ty than Khánh Hòa không những phát sinh chi phí lớn cho công tác này mà còn có nguy cơ đình trệ sản xuất. Hiện, Công ty chỉ còn đổ thải ở bãi thải Tây. Do vậy, sản lượng bóc đất buộc phải cắt giảm, khiến một số phương tiện sản xuất (ô tô, máy xúc v.v) phải dừng hoạt động để sửa chữa bảo dưỡng. Ông Bình cho hay, nếu không giải phóng nhanh mặt bằng của bãi thải Nam, sớm đưa bãi thải này vào hoạt động thì khoảng 2 tháng nữa, Công ty than Khánh Hòa sẽ hết chỗ đổ thải.
Và, vấn đề nghiêm trọng hơn, tới mức báo động đỏ – đó là nguy cơ mất an toàn. Mặc dù, Công ty than Khánh Hòa đã thực hiện nhiều biện pháp để đưa bãi thải vào trạng thái an toàn như đã nêu trên, nhưng vào mùa mưa, diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ sạt lở bãi thải rất khó lường. Nói dại, nếu lại xẩy ra sạt lở bãi thải như vụ sạt lở bãi thải Mỏ than Phấn Mễ, trách nhiệm thuộc về ai đây?
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhieu-ho-dan-duoi-chan-bai-thai-cong-ty-than-khanh-hoa-co-tinh-coi-noi-xay-dung-trai-phep-1766.htm” button=”Theo vinacomin”]