Năm 2005, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Na Dương đi vào vận hành như một vị cứu tinh cho than Na Dương trong những năm đầu thế kỷ XXI. Mỗi năm, mỏ than Na Dương cung cấp cho Nhà máy trên 500.000 – 600.000 tấn than sạch, đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Ngày 16/10/2015, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II chính thức khởi công. Nhà máy sẽ đi vào vận hành năm 2018 theo Quy hoạch Điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nếu coi thập niên 80 là thời gian vang bóng nhất của mỏ than Na Dương thì đến những năm 90 lại là thời kỳ bĩ cực của mỏ than này. Trong khoảng thời gian đó, Than Na Dương hết sức gian nan vì nguồn than không tiêu thụ được, vốn nợ đọng nhiều, vốn giải ngân chậm… bởi đặc điểm của loại than này là nhanh cháy nhưng mau tàn, có hàm lượng lưu huỳnh rất cao. Tài nguyên bỗng dưng trở thành thứ “tai họa” kéo theo hệ lụy về mặt xã hội là hàng ngàn con người có nguy cơ thất nghiệp. Đây chính là một trong những vấn đề nan giải nhất.
Một góc khai trường mỏ than Na Dương
Tuy nhiên trước quyết tâm không chùn bước, bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm” của những người thợ mỏ, ngày 3/12/1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng NMNĐ Na Dương công suất 110MW, đây cũng là nhà máy điện đốt than đầu tiên của TKV. Với vai trò tiên phong trong việc lựa chọn sử dụng Lò hơi tầng sôi tuần hoàn – CFB (là một công nghệ có thể đốt than xấu, thân thiện với môi trường), năm 2005, Nhiệt điện Na Dương đã chính thức hoạt động, mở ra một thời kỳ mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng. Tổ hợp Than – Điện Na Dương ra đời như một hướng đi mới, trở thành một điểm sáng tại nơi biên cương Tổ quốc.
Bước đệm hoàn hảo
Kể từ khi Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đi vào vận hành thương mại từ ngày 3/11/2005 đến nay, Công ty Nhiệt điện Na Dương có sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ theo kế hoạch hằng năm luôn hoàn thành vượt mức. Đội ngũ CBCNV hoàn toàn nắm bắt kỹ thuật, làm chủ công nghệ vận hành Nhà máy.
Từ thành công của tổ hợp Than – Điện Na Dương và để nâng cao sản lượng điện cung cấp cho đất nước, TKV đã quyết định đầu tư Dự án Nhiệt điện Na Dương II với công suất tương đương Na Dương I. Cùng với đó, mỏ than Na Dương sẽ nâng công suất lên 1,2 triệu tấn/năm.
Nhiệt điện Na Dương II: Tầm nhìn xa của những người thợ mỏ
Dự án NMNĐ Na Dương II nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011; quy mô công suất 110 MW, gồm 1 tổ máy, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn tiên tiến; được xây dựng trên khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương, thôn Toòng Giá, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư trên 192 triệu USD, TKV giao cho Tổng Công ty Điện lực – Vinacomin làm chủ đầu tư.
Nhà máy sẽ sử dụng than mỏ Na Dương loại 2, nhu cầu tiêu thụ khoảng 477 ngàn tấn/năm. Theo dự kiến, Nhà máy sẽ phát điện vào năm 2018, hàng năm cung cấp khoảng 640 triệu kWh điện cho lưới điện Quốc gia.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Na Dương
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trí Thịnh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực – Vinacomin cho biết, sau khi tổ chức thành công Lễ khởi công, Chủ đầu tư sẽ tập trung cao độ các nguồn lực sớm hoàn thành các công tác như: Hoàn thiện công tác đền bù, giải phóng một phần mặt bằng dự án; rà phá bom mìn; san lấp mặt bằng; xây lắp hệ thống cấp điện thi công, hệ thống cấp nước thi công; triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu EPC và thực hiện các phần việc/gói thầu khác theo đúng tiến độ được phê duyệt để đảm bảo điều kiện khởi công gói thầu EPC nhà máy chính vào cuối quý II năm 2016, đảm bảo tiến độ hoàn thành xây dựng, lắp đặt và đưa Dự án vào phát điện thương mại theo kế hoạch vào năm 2018.
Song song đó, TKV và Chủ đầu tư cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lạng Sơn để thực hiện tốt các công việc trong quá trình triển khai dự án như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trong quá trình triển khai dự án, các công việc, thủ tục liên quan đến chính quyền địa phương…, đồng thời tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm cho các hộ gia đình đã nhường đất cho dự án. Chủ động phối hợp với địa phương triển khai việc đào tạo nghề, dạy nghề cho người dân lao động tại chỗ để có việc làm ngay trong Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.
NMNĐ Na Dương II đi vào hoạt động, đồng nghĩa với mỏ than Na Dương sẽ nâng công suất tiêu thụ than lên 1,2 triệu tấn/ năm. Như vậy, một Tổ hợp Than – Điện Na Dương sẽ sản xuất hàng tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần ổn định việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng đất này, khẳng định cho một hướng đi đúng có tầm nhìn của lớp thế hệ đi trước và những nỗ lực, quyết tâm tiếp nối đầy tự trọng của những người hiện tại.
“Sự xuất hiện của NMNĐ Na Dương II sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong giai đoạn xây dựng và vận hành chưa kể các dịch vụ kèm theo, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, là một bước đột phá quan trọng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn tỉnh Lạng Sơn”
– Ông Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn –“Với tinh thần “Kỷ luật – Đồng tâm” của người thợ mỏ, dưới sự chỉ đạo sát sao và được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương và địa phương, với những thành công và kinh nghiệm triển khai các dự án điện trước đây, TKV và Chủ đầu tư sẽ triển khai thực hiện công trình NMNĐ Na Dương II bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ đưa dự án vào vận hành thương mại trong năm 2018”.
– Ông Ngô Trí Thịnh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực – Vinacomin
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhiet-dien-na-duong-tam-nhin-va-ban-linh-20151015145220688.htm” button=”Theo vinacomin”]